24/02/2014 05:37 GMT+7

Có làm cho Đoàn mạnh lên?

QUỐC NGUYÊN
QUỐC NGUYÊN

TT - Đoàn viên phải tham gia sinh hoạt Đoàn tại nơi cư trú là một trong những quy định mới của điều lệ Đoàn sửa đổi được Đại hội Đoàn toàn quốc lần X (2012-2017) thông qua.

ZuofAuhT.jpg
Cần nhiều hơn những hoạt động hấp dẫn để Đoàn tăng sức hút với đoàn viên thanh niên. Trong ảnh: các bạn trẻ đến với các cụ già neo đơn tại TP.HCM - Ảnh: Q.L.

Đây được xem là nghĩa vụ nếu đoàn viên đã thường trú, tạm trú tại đó từ sáu tháng trở lên, khác với thói quen đoàn viên chỉ sinh hoạt Đoàn tại nơi đang học tập, làm việc hoặc sinh sống như trước nay. Trung ương Đoàn đã có hướng dẫn, nêu rõ đoàn viên có nghĩa vụ tham gia sinh hoạt Đoàn nơi cư trú tối thiểu ba lần trong năm song song với tham gia hoạt động tại nơi đang làm việc, học tập.

Quy định đã có hiệu lực song không ít cán bộ Đoàn và cơ sở lúng túng. Sẽ không có biến động gì lớn nếu địa bàn ấy không có nhiều trường học hay khu vực vùng sâu, vùng xa ít dân cư. Nhưng với những đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM, nơi có số lượng lớn sinh viên các tỉnh đang theo học tại cả trăm trường đại học, cao đẳng, cộng với một lượng lớn công nhân khắp nơi đổ về làm việc thì việc đảm bảo thực hiện điều lệ này là một bài toán không đơn giản.

Chẳng hạn ký túc xá Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) đóng trên địa bàn một phường tại Q.10 (TP.HCM) có đến vài ngàn sinh viên là đoàn viên. Chiếu theo quy định này, ngoài tham gia hoạt động tại trường, các bạn sinh viên ấy còn có nghĩa vụ sinh hoạt Đoàn tại phường nơi đặt trụ sở ký túc xá. Như vậy, con số đoàn viên của một ký túc xá lớn hơn cả chục lần tổng sổ đoàn viên của một phường, thậm chí tương đương hoặc nhiều hơn tổng số đoàn viên của cả một quận, liệu Đoàn phường có kham nổi?

Ấy là băn khoăn lớn của không ít cán bộ Đoàn chủ chốt tại TP.HCM hiện tại. Nội việc ký hàng ngàn phiếu nhận xét sinh hoạt Đoàn mỗi năm cũng mất vài tháng. Mà câu hỏi đặt ra là việc nhận xét ấy liệu đã chính xác và đủ tin cậy khi việc theo dõi quá trình sinh hoạt của vài ngàn con người chỉ qua các hoạt động? Điều này cũng tương tự làng đại học tại Q.Thủ Đức (TP.HCM) hay những cụm trường tại Hà Nội.

Đành rằng hướng dẫn chỉ rõ tham gia sinh hoạt vào ngày lễ, ngày nghỉ, thứ bảy, chủ nhật nhưng ai đã sinh hoạt Đoàn đều biết nếu không tập trung hoạt động vào những ngày cuối tuần, làm sao có đông người tham gia vì ai cũng phải làm, phải học. Nên nỗi lo chồng chéo hoạt động, thậm chí “phân thân” đoàn viên để đảm bảo tròn trách nhiệm giữa nơi cư trú và nơi học tập, làm việc không phải quá xa vời. Chưa kể có thắc mắc rằng sinh hoạt hai nơi có phải đóng đoàn phí hai nơi, hoặc nếu chỉ một bên thì đóng bên nào?

Mục tiêu tăng sức mạnh cho Đoàn tại địa bàn dân cư của quy định này là điều không bàn cãi vì nhiều địa bàn còn rất ít đoàn viên, thậm chí có nơi “trắng” Đoàn. Nhưng khi đã là điều lệ tức là phải chấp hành. Bởi nếu không thực hiện thì lại trái điều lệ, nhưng tuân thủ thì khó xử cho cơ sở và ngay chính các đoàn viên. Nên với quy định ấy liệu có làm cho Đoàn mạnh hơn không hay lại đang hành chính hóa quản lý sinh hoạt Đoàn!

Dù là điều lệ cũng nên theo hướng khuyến khích nhiều hơn, nhất là với hoạt động phong trào. Từng có một cán bộ Đoàn trường đại học kể có sinh viên muốn xin chuyển sinh hoạt Đoàn về phường đang sinh sống vì đã tham gia từ lúc còn là đội viên nhưng không thể giải quyết vì quy định là thế!

Nên để đoàn viên được chọn lựa nơi họ yêu thích, có cảm hứng và muốn được gắn bó hoạt động hơn là phải tham gia trong trạng thái chấp hành mệnh lệnh. Nhưng điều quan trọng hơn chính là cần tạo ra những hoạt động đủ sức hút để đoàn viên tìm đến với sinh hoạt Đoàn như một nhu cầu tự thân, không thể không làm chứ không chỉ dừng lại ở suy nghĩ “tôi tham gia để tròn vai một đoàn viên theo quy định của điều lệ”!

QUỐC NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên