05/01/2014 08:48 GMT+7

Thúng kẹo mạch nha

CAO NGUYÊN - ĐOÀN BẢO CHÂU
CAO NGUYÊN - ĐOÀN BẢO CHÂU

TT - 17g, chuông tan học vừa reng, hàng chục em học sinh túm tụm lại bên cái thúng nhỏ của bà Nguyễn Thị Dung (50 tuổi) tíu tít hào hứng với cây kẹo mạch nha trên tay, món quà quê từ lúa nếp dân dã.

Ngọt ngào mạch nha xứ Quảng

jjBGkQf4.jpgPhóng to
Bà Dung bán kẹo mạch nha cho các em học sinh - Ảnh: Bảo Châu

Từ tảng kẹo mạch nha to cứng rồi kéo ra một sợi kẹo nhỏ, quấn thoăn thoắt tài tình vào chiếc que tre và xoắn lại thành hình hoa hồng, những cây kẹo mạch nha hiện ra trên tay bà Dung như một trò chơi ảo thuật khiến các em nhỏ mê tít. Không có giờ tan học nào mà xung quanh bà Dung lại không rộn ràng, đông vui các em học sinh tìm đến mua kẹo và nhất là xem... làm kẹo. Nếu như những món ăn vặt khác rẻ nhất cũng phải 5.000 đồng, kẹo mạch nha “bà Dung” chỉ 2.000-3.000 đồng nên đứa trẻ nào cũng có thể mua được.

Rẻ nhưng không có nghĩa là làm qua loa, toàn bộ kẹo ở đây đều do bà Dung tự tay làm từ lúa thóc ở quê nhà (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang). Tháng nào bà cũng đón xe đò về quê làm kẹo, trước tiên là ngâm lúa khô rồi ủ, sau đó tưới nước như trồng mạ non. Mạ lên cao cỡ ngón tay út thì nhổ lên phơi khô, giã nhỏ thành bột mầm. Tiếp đến là nấu gạo nếp thành xôi trộn với bột mầm, cho lên men rồi nấu suốt cho đến khi đặc sệt lại thành kẹo mạch nha. Toàn bộ công đoạn phải mất ít nhất 10 ngày để cho ra đời một mẻ kẹo mang lên thành phố.

“Kẹo này hồi xưa nhà nghèo không có đường mà ăn nên mới chế ra ăn cho đỡ thèm. Nhưng giờ đâu ai làm nữa chi cho cực, bán ở Sài Gòn này gần 20 năm nối nghiệp mẹ chồng, giờ tui thấy còn có mình tui thôi” - bà Dung cho biết.

Nhưng điều kỳ lạ là dù bánh kẹo bây giờ thừa mứa như vậy, trẻ con ở những khu lao động nghèo Q.4, Q.7 này vẫn rất mê món kẹo mạch nha. Ngọc Quý (học sinh lớp 4/5 Trường Bạch Đằng) tay cầm kẹo mút thích thú cho biết: “Con ăn kẹo này từ hồi lớp 1 tới giờ, bà Dung bán kẹo ngon nhất”.

Bà Dung đi bộ bán kẹo suốt gần 20 năm qua. Đầu đội thúng kẹo, tay xách xô đựng cơm, không có hẻm hóc nào ở Q.4, Q.7, thậm chí Q.1, Q.8 mà đôi chân bà chưa từng đi qua, từ lúc ở đây còn toàn sình lầy, nhà cửa lụp xụp tới bây giờ là đại lộ Đông Tây khang trang. “Đi bộ không sợ mất xe mà hẻm Sài Gòn nhỏ xíu, chỉ đi bộ mới bán được nhiều thôi. Mỗi ngày tui đi chắc chừng 10 cây số, từ 10g sáng tới 9g tối” - bà cho biết.

Hết bán ở trường học, bà lại vào những xóm lao động nghèo, bán riết từ lúc “tụi nó còn ở trần đánh nhau khóc nhè tới lúc lớn có vợ có chồng”. Bởi vậy ở đây rất nhiều gia đình cứ thấy bà tới là cả người lớn trẻ nhỏ đều rôm rả mua kẹo. Lâu lâu thấy bà đi ngang qua các lớp học thêm trong xóm, thầy cô đang dạy cũng cho các em ra nghỉ xả hơi, mua kẹo vào lớp vừa ăn vừa học cho thoải mái. Nhiều lúc các em tinh nghịch mua kẹo luôn cho thầy, vậy là thầy trò cùng ngồi mút kẹo và làm bài tập với nhau. “Có lần tui đang bán thì thấy có cậu mặc áo trật tự đô thị tới gần, sợ quá tui lật đật chạy đi rồi, ai ngờ cậu chạy theo gọi í ới: cô nhớ con không, hồi đó cô bán kẹo cho con đó, con gọi cô mua kẹo mà! Tui cảm động lắm, mình thì bán cả trăm ngàn người làm sao nhớ hết, vậy mà mấy đứa nhỏ nhớ mình kỹ quá trời”.

Tối tối sau khi bán hết kẹo, bà Dung lại trở về căn phòng trọ nhỏ xíu của mình, vuốt lại phẳng phiu từng tờ tiền lẻ 1.000, 2.000 đồng, gói ghém gửi về cho hai đứa con gái và mẹ già ở nhà. Lên Sài Gòn từ những năm 1995-1996 với thúng kẹo lúc đó bán chỉ 200 đồng/cây, vậy mà một tay bà đã bươn bả nuôi hai con khôn lớn, một em đã tốt nghiệp đại học, một em đang học lớp 8, đều là học sinh giỏi.

CAO NGUYÊN - ĐOÀN BẢO CHÂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên