Phóng to |
Các bạn học sinh tham gia cuộc thi dự buổi trao đổi về kỹ năng nói thuyết phục, một cách biến ước mơ thành hiện thực - Ảnh: Q.Phương |
Trong thư, Đường Hồng Nguyên, lớp 12A2 Trường THPT Lý Thường Kiệt, kể có một người chị bị dị tật bẩm sinh, từ nhỏ đã không thể nói và nghe được. Hằng ngày bạn vẫn trò chuyện với chị bằng ngôn ngữ dành cho người khuyết tật. Hồng Nguyên chia sẻ: “Mỗi khi nhìn chị tôi lại muốn trở thành cô giáo dạy những đứa trẻ không may như chị. Tôi ấp ủ ước mơ từ năm lên 8 tuổi. Đã 10 năm rồi, tôi vẫn theo đuổi mong ước”.
Trong khi đó Nguyễn Viết Khải, lớp 10D Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, lại ước mơ trở thành một đạo diễn phim lịch sử. Khải cho biết lý do: giờ đây thế hệ trẻ đang dần ít quan tâm đến lịch sử nước nhà cũng như cảm thấy chán ngán với việc phải học thuộc những sự kiện lịch sử trong chương trình phổ thông. Thay vào đó, họ lại mải mê đi tìm những xu hướng mới để “theo kịp thời đại”. Khải mong muốn cải thiện điều đó bằng việc thay thế những bài học khô khan bằng những bộ phim lịch sử sống động để các bạn học sinh có thể ghi nhớ lịch sử Việt Nam dễ dàng hơn. “Bằng khả năng của mình, tôi sẽ tái hiện những trang sử vàng chói lọi của dân tộc một cách chân thực và chính xác nhất” - Khải dự định.
Năm 12 tuổi, Nguyễn Bảo Trâm (đang học lớp 11A9 Trường THPT Thủ Đức, TP.HCM) bị bệnh phải điều trị ở Bệnh viện Nhi Đồng 2. Tại đây, Trâm chứng kiến sự đau đớn của các bệnh nhi nhỏ tuổi vì những căn bệnh hành hạ cũng như sự tận tâm, tấm lòng của các y bác sĩ bệnh viện. Từ đó, Trâm nuôi ước mơ trở thành bác sĩ nhi để “tìm ra cách giúp các bệnh nhi có thể rút ngắn thời gian chữa bệnh, không còn những cơn đau đớn hành hạ” - Trâm chia sẻ.
Giống như Trâm, Huỳnh Thị Hồng Nhung, Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh (Đồng Nai), cũng ước mơ thành bác sĩ nhi nhưng lại xuất phát từ một câu chuyện khác. Đó là câu chuyện ba mẹ Nhung phải thức trắng đêm vì đứa em trai gần 1 tuổi của Trâm bị bệnh, khóc suốt đêm. “Tôi muốn trở thành bác sĩ nhi để giúp những đứa trẻ như em tôi không phải khóc suốt đêm, gia đình không phải vất vả. Tôi hi vọng mình có thể làm tan đi nỗi đau do bệnh tật để giữ mãi nụ cười ngây thơ, trong sáng cho những thiên thần bé nhỏ” - Hồng Nhung khát khao.
Huỳnh Thị Phương Ngư, Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (TP.HCM), lại có một đam mê trở thành bác sĩ tâm lý. Phương Ngư cho biết bản thân có lúc lâm vào những vấn đề nan giải không thể tự mình giải quyết. Bên cạnh đó, có nhiều người Ngư tiếp xúc cũng hay gặp bế tắc và trầm cảm. Ngư bày tỏ: “Khi ấy ai cũng cần có một người lắng nghe, một lời khuyên, một ánh mắt đồng cảm. Hiểu được điều đó, tôi mơ ước sẽ trở thành bác sĩ tâm lý để có thể lắng nghe mọi người, trải nghiệm cảm xúc của bản thân”.
Còn nhiều và nhiều câu chuyện thực tế của cuộc sống đã đem đến những khát vọng nghề nghiệp cho các bạn trẻ. Những khát vọng nghề nghiệp đó của các bạn thật đáng trân trọng bởi các bạn đang đứng trước ngưỡng cửa quan trọng của cuộc đời: lựa chọn nghề nghiệp cho bản thân và các bạn đã xác định được ngành nghề, hướng đi cho mình trong tương lai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận