21/04/2005 04:12 GMT+7

Nước mắt ngày hội ngộ...

KIM ANH
KIM ANH

TT - Hai ngày 19 và 20-4, hàng ngàn cựu thanh niên xung phong (TNXP) giải phóng miền Nam đã có mặt tại di tích T.Ư Cục miền Nam nhân 40 năm ngày thành lập lực lượng (20-4-2005).

9SjqmvrW.jpgPhóng to
Các cựu TNXP giải phóng miền Nam đang gửi nhau những dòng địa chỉ sau 30 năm gặp lại... - Ảnh: Kim Anh

Những con người đã góp phần làm nên một thế hệ huyền thoại. Những giọt nước mắt đã chảy khi nghe chú Lê Anh Tòng - liên đội 5 (phục vụ sư đoàn 5) - kể về khoảng thời gian ác liệt, những TNXP thuộc liên đội 5 đã bị giặc bao vây hơn sáu tháng ròng rã.

“Sốt rét, tóc rụng, ăn rau rừng lót dạ, nhiều bạn đã lả đi. Chúng tôi phải mở đường máu để vào vùng có dân, bòn từng lon gạo nấu cháo cho anh em”.

Gặp nhau sau 30 năm hòa bình, họ kể về “đội quân tóc dài” trên tuyến đường 1C (vùng Kiên Giang) ác liệt năm nào. Đội quân hàng ngàn người nhưng có đến hơn 800 nữ. Vùng sông nước, lại là con đường huyết mạch để tải đạn trên kênh Vĩnh Tế vào Rạch Giá xuôi về Cà Mau nên các cô gái phải lợi dụng màn đêm để tải những thùng đạn nặng gấp đôi trọng lượng mình về nơi an toàn.

Gặp lại những Năm Nhàn, Tuyết B52, Hồng Cối... - những cái tên được gắn liền với chiến công, người chỉ huy trên tuyến đường 1C Võ Thành Thế (Hai Nên) rưng rưng kể: “Tôi điều hành gần ngàn người con gái, người nào cũng trẻ cũng yêu đời nhưng trước khi đi ba mẹ ai cũng dặn có hi sinh vì Tổ quốc cũng được nhưng đừng cho nó hư”.

Gặp hôm nay để nhớ những đồng đội, chiến sĩ vai sát vai trên từng trận tuyến nay đã không còn nữa. Họ đọc cho nhau nghe lại những câu thơ của một nữ TNXP: “Ai có về miền Đông, còn nhớ mình TNXP, xin cho gửi ghé thăm đồi Chị Yến, một nén hương thơm, một tấm lòng”. Trần Thị Yến là đội viên TNXP liên đội 5 trên đường công tác gặp biệt kích, chị đã chiến đấu đến cùng và hi sinh trên một ngọn đồi, anh em đặt tên là đồi Chị Yến.

Họ đã gặp nhau. Để nhớ lại trước mỗi trận đánh, TNXP đi trước tải đạn, tải lương, đào hầm cho bộ đội chiến đấu; sau mỗi trận đánh họ lại là người thu gom, cáng thương... Và nhiều TNXP ngã xuống, người là liệt sĩ có danh tánh, người vô danh, hay có đồng chí vẫn còn nằm lại trên đất bạn. Đó lại là niềm day dứt của những người còn sống.

Mọi người không quên hình ảnh hai người tổng đội trưởng TNXP giải phóng miền Nam Trần Văn và tổng đội phó Trần Tài Ba rong ruổi trên chiếc xe 67 gõ cửa khắp nơi tìm kinh phí sang Campuchia lấy hài cốt đồng đội.

“Chỉ nghe còn đồng đội mình nằm ở đâu, chúng tôi lại đến tìm. Nhiều chuyến đi trở về không vì lâu ngày địa hình thay đổi... nhưng vẫn phải đi...” - chú Trần Văn, người TNXP ngày xưa, mắt đỏ hoe kể lại...

KIM ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên