Phóng to |
Niềm háo hức của các em bé người dân tộc thiểu số khi được “cô giáo Mùa hè xanh” dạy học vẽ, tô màu - Ảnh: Q.Linh |
Tóc xơ cứng, da sần sùi, mặt đầy mụn và nhiều vết thâm cùng lỉnh kỉnh vòng, kiềng, ống cơm lam và ba lô trên lưng, con bước vào phòng trọ với ánh mắt đầy ngạc nhiên của nhỏ bạn: “Trời! về rùi à. Sao đen đủi, xấu xí dzậy nè. Tưởng dân trên đó tị nạn xuống chứ...”. Con chẳng buồn cũng chẳng giận mẹ à. Ngày mai đây khi đặt chân về ngôi nhà bé nhỏ, có lẽ mẹ cũng phải ngạc nhiên khi nhìn thấy con. Con sẽ sà vào lòng mẹ mà tự hào, hãnh diện kể cho mẹ nghe về hành trình đầy ý nghĩa đó. Con đã lớn, đã trưởng thành, cảm nhận và thấu hiểu được nhiều điều.
Hạnh phúc lắm khi con bắt gặp những ánh mắt trong veo cứ líu ta líu tíu chạy theo “con chào cô ạ”. Những cái khoanh tay “thưa cô con về” của Thủy, Hải, Ngân, Blim; những lúc nhõng nhẽo, mếu máo đòi mẹ của Hô... mới đáng yêu làm sao. Lần đầu tiên con thấm thía được sức mạnh tinh thần và tình đoàn kết. Hai xe đất nhà anh Bến được san bằng dưới cái nắng gay gắt, nền nhà đã kịp hoàn thành trước khi mưa kéo về. Những con kênh sạch rác, những luống tiêu sạch cỏ, những con đường thông thoáng hơn và dường như nắng cũng rực rỡ hơn... Những chiếc áo xanh như sẫm màu hơn bởi mồ hôi ướt đẫm nhưng nụ cười vẫn rạng rỡ đến lạ.
Mọi thứ cũng khó khăn lắm mẹ ạ! Trên đây thiếu thốn đủ điều, đặc biệt là nước. Có những hôm đi làm về tụi con chuyền nhau ca nước rửa tay, còn chân, mặt mũi cứ để vậy, chiều đi làm tiếp. Nước vo gạo được tận dụng rửa rau rồi rửa chén. Những cơn mưa làm chúng con nhảy cẫng lên vì sung sướng. Những lần đi phát quang, gặp rau rừng, tụi con mừng rơn vì được một bữa thịnh soạn. Cuộc sống tằn tiện giúp con biết sẻ chia và trân trọng hơn những điều mà trước đây con không mấy bận tâm. Món trứng chiên con làm quá nhiều muối được cả nhà đặt tên là muối trứng và được tuyên dương vì tinh thần tiết kiệm!
Trái tim con đã lấp đầy những cảm xúc khác lạ. Tim con như thắt lại khi ông bà cụ gần 90 tuổi nương tựa nhau sống trong căn nhà xiêu vẹo, tay run run nhận từ chúng con vài gói bột nêm. Rồi lại thấy chông chênh, xa vắng cho kiếp nghèo mưu sinh của chị em cái Thơm. Mái tóc đầu đinh chỉ chừa lại cái mái chút xíu, vậy mà cái Thơm cứ háo hức chờ con làm tóc. Thơm khao khát được con thắt bím, buộc nơ như những đứa trẻ khác thế kia mà... Con đã chạm vào những cảm xúc khác lạ mà con chưa bao giờ được biết đến, có khi hồi hộp, lo âu, có khi vỡ òa vui sướng làm con nghẹn ngào.
Con yêu lắm những ánh mắt ngây thơ, hồn nhiên của trẻ nhỏ. Con yêu bàn tay sần sùi mà đầy ấm áp của cụ ông. Yêu những quả bí, quả bầu mà chị bán hàng nhét vội vào túi xách đi chợ của con. Yêu cái tựa đầu thiếu ngủ, cái nắm tay thật chặt, ánh mắt ngời sáng niềm tin của đồng đội đã giúp con không chùn bước. Con yêu cả những lúc bị kiểm điểm, khiển trách, những giọt nước mắt của đồng bào, của đồng đội, của núi rừng trong buổi chia tay...
22 ngày, không ngắn cũng không dài nhưng đủ để con cảm nhận thế nào là hạnh phúc. Thời gian sẽ xóa đi nhiều thứ, nhưng những ký ức, ước mơ, hoài niệm không bao giờ xóa nhòa được. Hành trình xanh tạm khép lại nhưng con đường in dấu chân con và đồng đội vẫn còn đó. Mùa hè xanh vẫn ngọt và nồng như ngụm rượu cần, thanh nhẹ và thơm lừng như ống cơm lam, đậm đà và sâu lắng như bát canh bồi... Đó là khúc ca không bao giờ tắt trong con.
Cuộc thi “Ký ức một thời tình nguyện” do Tuổi Trẻ phát động nhằm ghi dấu kỷ niệm 20 năm phong trào tình nguyện tại TP.HCM. Cuộc thi nhằm ghi lại tâm tư tình cảm, cảm nhận, ký ức của các thế hệ bạn trẻ tham gia chiến dịch; kể về câu chuyện của chính mình, của bạn bè, về vùng đất và con người diễn ra chiến dịch; sự trưởng thành về con người, giá trị vật chất (các công trình) và sự thay đổi ở những vùng quê nghèo khó... Cuộc thi tiếp tục chào đón bài thi của tất cả bạn đọc, những ai gắn bó, quan tâm đến các chiến dịch tình nguyện 20 năm qua. Mỗi bài viết không quá 1.000 từ, chưa từng xuất hiện trên bất cứ phương tiện truyền thông đại chúng nào và có thể tham dự nhiều thể loại. Bài được chọn đăng sẽ được trả nhuận bút theo quy định. Nhiều giải thưởng giá trị, trong đó giải nhất trị giá 15 triệu đồng. Bài dự thi xin gửi về: cuộc thi “Ký ức một thời tình nguyện” báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) hoặc email nhipsongtre@tuoitre.com.vn đến ngày 15-8. |
Phóng to |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận