04/07/2013 05:59 GMT+7

Mơ ước đổi đời

PHƯỚC TUẦN
PHƯỚC TUẦN

TT - Hai câu chuyện vượt khó, cố gắng đến trường thi với ước mơ đổi đời.

S8N8mZdD.jpgPhóng to
Thí sinh Dương Thúy Duy (bên trái) trò chuyện với các bạn thí sinh đang ở chung ký túc xá ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM chiều 3-7 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đó là hai bạn trẻ chịu nhiều thiệt thòi ngay từ khi còn tấm bé nhưng vẫn cố gắng vượt lên cái nghèo, cái khổ tìm đường đến trường...

Cô bí thư Đoàn mồ côi học giỏi

Thí sinh Dương Thúy Duy (Trường THPT Võ Văn Kiệt, huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long) là một bí thư đoàn trường năng nổ, học giỏi. Bố mất khi Duy vừa đầy tháng vài ngày. Duy hơn 1 tuổi, mẹ quyết định gửi Duy cho ông bà ngoại để lên thành phố làm công nhân, kiếm tiền gửi về nuôi em ăn học. 17 năm qua Duy lớn lên bên ông bà ngoại đã gần 70 tuổi trong căn nhà nhỏ ở cù lao Dài, xã Quới Thiện, huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long).

Không có vòng tay chăm sóc của bố, lại ở xa mẹ, nhưng Duy rất mạnh mẽ, sống vui vẻ cùng ông bà ngoại. Ngoài thời gian lên lớp, em phụ giúp ông bà quán xuyến mọi việc trong nhà từ nấu ăn, dọn dẹp, hái nhãn kiếm tiền. Năm nào Duy cũng đạt học sinh giỏi, là bí thư đoàn trường năng động, vui vẻ của Trường THPT Võ Văn Kiệt. Thầy Võ Văn Nguyên, giáo viên chủ nhiệm lớp 12 của Duy, kể rằng: “Hoàn cảnh vượt khó học giỏi của Duy cả trường ai cũng biết. Suốt 12 năm em đều là học sinh giỏi, em cũng xếp loại giỏi trong kỳ thi tốt nghiệp vừa qua. Tấm gương của Duy được tỉnh đoàn tuyên dương và trao học bổng Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Vĩnh Long năm học vừa qua”.

Gặp chúng tôi chiều 3-7 tại ký túc xá ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, Duy tâm sự: “Em thương mẹ lắm. Mỗi lần hè lên mẹ chơi, mẹ dặn phải cố gắng học giỏi để còn lên thành phố học ĐH, khi ấy được ở với mẹ. Càng thương mẹ, em càng cố gắng học thật giỏi”. Năm nay cô bí thư đoàn trường này dự thi vào ngành công nghệ thông tin (ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) và ngữ văn Anh (ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM). Nói về ước mơ của mình, Duy chia sẻ: “Em rất thích học tiếng Anh và ước mơ sau này sẽ làm phiên dịch viên trong một công ty nước ngoài để có tiền xây nhà cho hai mẹ con”.

9rIatw8H.jpgPhóng to
Chamaléa Thị Thảo (bên trái) đang được sinh viên tình nguyện giới thiệu nhà trọ miễn phí ngay sau khi xuống bến xe miền Đông chiều 1-7 - Ảnh: PHƯỚC TUẦN

“Học để sau này làm giáo viên tiểu học!”

Với thân hình nhỏ nhắn, nước da ngăm đen, Chamaléa Thị Thảo (18 tuổi, học sinh Trường THPT Bắc Ái, huyện Bắc Ái, Ninh Thuận) lọt thỏm giữa dòng khách xuống bến xe miền Đông chiều 1-7.

Cô thí sinh nhỏ bé người dân tộc Ra Glai vùng núi huyện Bắc Ái phía tây Ninh Thuận một mình lên TP.HCM dự thi vào ngành sư phạm tiểu học ĐH Sài Gòn trong mùa tuyển sinh năm nay.

Chamaléa Thị Thảo lớn lên ở buôn làng nhỏ phía tây của huyện Bắc Ái với phần đông dân cư là đồng bào dân tộc Ra Glai. Gia đình thuộc hộ nghèo, nhà lại có đến tám anh chị em, ai cũng nghỉ học sớm, chỉ mình Thảo học hết lớp 12. Thảo kể gia đình chủ yếu trồng ngô và khoai mì, do xã chưa có hệ thống thủy lợi dẫn nước cộng khí hậu khô nóng nên người dân ở xã ít trồng lúa, kinh tế vẫn còn nghèo lắm. Nhưng hai năm nay ngô mất mùa, trái không có hạt gia đình càng thêm khó khăn. Một buổi đến lớp, buổi còn lại Thảo theo gia đình lên rẫy trồng ngô, khoai mì.

“Nhiều lúc em cũng có ý định bỏ học như anh chị, nhưng rồi suy nghĩ những lời thầy cô dặn là phải đi học để sau này còn đi làm ở xã, đi dạy cho bọn trẻ mới giúp người dân thoát nghèo... nên đã trụ lại”

- Thảo tâm sự.

Khi biết hoàn cảnh khó khăn của Chamaléa Thị Thảo, đội sinh viên tình nguyện tư vấn nhà trọ tại bến xe miền Đông quyết định giới thiệu Thảo vào chỗ trọ miễn phí ở đường Trần Phú (Q.5) gần địa điểm thi. Trong lúc đợi bác xe ôm ở bến xe miền Đông chở miễn phí về nhà trọ, Thảo thỏ thẻ rằng em muốn thử sức đi thi ĐH để có thể trở thành giáo viên tiểu học, về xã dạy cho các em:“Em có suất đi học dự bị ĐH và cử tuyển hệ trung cấp y tế Ninh Thuận nhưng vẫn muốn thử sức mình thi vào ĐH. Vì từ nhỏ em muốn làm cô giáo dạy chữ cho trẻ em, không muốn chúng bỏ học lên rẫy như bạn bè mình”.

Thảo là người duy nhất trong buôn học hết lớp 12 nên ai cũng mong muốn em đến thành phố học để quay về giúp người dân có cuộc sống tốt hơn. “Em thấy bạn bè bỏ học lập gia đình sớm không tốt chút nào, nhưng vì nghèo quá nên các bạn phải làm vậy. Em muốn sau khi đi học về giúp người dân không còn nghèo nữa, tuyên truyền cho các em kết hôn sớm là không tốt” - Thảo mong muốn.

PHƯỚC TUẦN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên