19/06/2013 07:00 GMT+7

Anh em song sinh nâng bước nhau vượt lên nghịch cảnh

CÔNG NHẬT
CÔNG NHẬT

TT - Là học sinh giỏi suốt 12 năm và đoạt nhiều giải thưởng lớn ở môn vật lý nhưng thành tích học tập không phải là điểm xuất sắc duy nhất khiến bạn bè, thầy cô cảm phục ở cặp song sinh Nguyễn Mạnh Tuấn và Nguyễn Anh Tú (lớp 12A2 Trường THPT Phú Nhuận, Q.Phú Nhuận niên khóa 2010-2013).

8LLgwQ6j.jpgPhóng to
Nguyễn Mạnh Tuấn (phải) cùng người em Nguyễn Anh Tú ôn bài chờ “vượt vũ môn” vào tháng 7 - Ảnh: Công Nhật

“Tôi nhớ hoài hình ảnh thằng anh ngày nào cũng còng lưng đạp xe chở thằng em đi học rồi luống cuống làm giấy bảo lãnh khi em mê chơi. Rồi hai đứa bao lần làm tôi khó xử khi... từ chối học bổng vì cho rằng mình vẫn còn hơn bao người” - cô Nguyễn Hoàng Kim Trâm (giáo viên chủ nhiệm lớp 12A2) trầm ngâm nhớ lại hai học trò đặc biệt của mình.

Từ điểm 1 tới giải nhất vật lý toàn thành

Nằm sâu hút trong con hẻm 220 đường Cây Trâm (Q.Gò Vấp, TP.HCM), căn nhà nhỏ 45m2 của Tuấn, Tú tối om và nóng hầm hập dưới cái nắng giữa trưa. “Giá thuê nhà dưới kia lên chịu không thấu, nên đợi mấy đứa thi học kỳ xong là tôi chuyển lên đây liền. Nhà chật chưa kịp dọn dẹp mà năm người chen chúc sống nên...” - bà Huỳnh Thị Tuyết (mẹ Tuấn, Tú) không giấu được vẻ ái ngại khi sàn nhà bộn bề đồ đạc.

Điểm sáng duy nhất trong căn nhà tối tăm ấy có chăng là bức tường với vô số bằng khen các cấp của hai anh em được treo kín. “Từ cấp II, cả hai đứa đã học giỏi nổi trội môn vật lý nên thành tích môn này là nhiều nhất”, gương mặt bà Tuyết ánh lên vẻ tự hào.

Tuy vậy, ít ai biết rằng do chểnh mảng, Mạnh Tuấn từng bị điểm 1 trong bài kiểm tra môn này vào đầu năm lớp 8. Sức học luôn nằm trong tốp đầu lớp, lại phận làm anh nên con điểm trên như “gáo nước lạnh” buộc Tuấn từ đó học tập trung hơn, để theo Tuấn, “ít ra còn làm gương cho em”.

Và minh chứng là Tuấn và Tú liên tiếp đoạt nhiều giải thưởng vật lý các cấp. Gần đây nhất là cả hai đều đoạt giải nhất vật lý học sinh giỏi thành phố (lớp 12), huy chương vàng, bạc và đồng kỳ thi Olympic 30-4 (lớp 10, lớp 11)...

Không đầu hàng số phận

“Thấy con học giỏi nhưng sớm chịu cảnh thiếu thốn mà thương. Nhớ ngày đó hai đứa từng thi đậu vào trường cấp III chuyên của TP nhưng ngặt nỗi nhà thường chuyển nay đây mai đó, lại thêm mẹ và ông ngoại bệnh tật nhiều nên hai đứa đành học trường gần nhà” - bà Tuyết nghẹn giọng.

Người cha rượu chè, bài bạc đến mức đồ đạc lần lượt đội nón ra đi, căn nhà chung cũng phải bán lấy tiền trả nợ. Ngày cha mẹ ra tòa ly dị, bốn chị em (10-14 tuổi) bấu víu nhau khóc...

"Tôi quý hai em ở chỗ dù nghèo nhưng luôn nghĩ cho người khác trước và rất lạc quan, tự trọng. Tôi mong hai em sẽ thi đậu ĐH như mong muốn"

Nguyễn Hoàng KIM Trâm

Biết sức khỏe mẹ ngày một sa sút mà lại phải luôn túc trực chăm người ông bị tâm thầm nhẹ, đi học về là Tuấn, Tú bắt tay vào lau nhà, nấu cơm, giặt giũ và trông ông, từ lớp 11 thì tranh thủ đi dạy kèm kiếm tiền phụ mẹ. Hiện tại, do bà Tuyết bị mất sức lao động, thu nhập duy nhất từ gia đình là tiền hỗ trợ từ người dì ở nước ngoài đủ trả tiền nhà (3 triệu đồng/tháng) và tiền dành dụm từ khoảng thời gian đi làm trước đây của bà Tuyết.

“Nhìn hai đứa đang tuổi ăn, tuổi lớn đạp xe chở nhau đi học mà chỉ quanh quẩn ăn sáng với xôi, bánh mì... thực lòng tôi thấy xót lắm” - cô Trâm chia sẻ.

Thiếu thốn là vậy nhưng cả hai chưa từng than phiền, mặc cảm về gia đình. Được chọn là đại diện duy nhất đọc lá thư tri ân thầy cô, cha mẹ trong lễ trưởng thành của trường vào giữa tháng 5 vừa qua, bài văn chỉ gói gọn trong 2 trang giấy học trò của Tuấn dành cho người mẹ tần tảo bao năm đã làm rất nhiều học sinh cảm động.

“Tôi đã khóc từ khi đọc duyệt thư của hai em. Khóc vì sự chân thành, cầu tiến và khóc vì hai em không một dòng oán thán người cha đã nhẫn tâm bỏ cả gia đình ra đi” - cô Trâm nhớ lại.

Chiếc máy tính... chỉ còn nửa màn hình

Nhắc về kỷ niệm với hai học trò cũ, cô Trâm cho biết Tuấn - Tú đã nhiều lần làm cả lớp khó xử vì sự khiêm tốn của mình.

“Trao học bổng cho hai đứa mà không biết cách thuyết phục, lựa lời thì chắc chắn cả hai sẽ không nhận vì luôn cho rằng còn rất nhiều bạn có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Cả hai từng thẳng thắn từ chối việc trường tài trợ chuyến đi chơi xa lớp 11 cũng như việc học thêm miễn phí ở nhà thầy cô vào đầu năm lớp 12” - cô Trâm kể.

Cầm chiếc máy tính cũ và đầy vết trầy trụa trên tay, cô Trâm hì hục bấm nút khởi động và màn hình máy chỉ hiện ra... phân nửa. “Học lớp chọn ban A, ai cũng có máy xịn vậy mà hai đứa lại dùng máy “siêu cổ” này. Nhờ có “mật thám” trong lớp mà tôi mới biết được và thuyết phục hai đứa nhận máy mới là quà nhà trường tặng” - cô Trâm cho biết.

Tới đầu hè vừa rồi, khi trường tổ chức thi ĐH thử và kết quả chưa đạt được như mong muốn thì cả hai mới chịu đi học thêm miễn phí ở nhà thầy cô với quyết tâm thi đậu ĐH Bách khoa TP.HCM và ĐH Kinh tế TP.HCM.

“Do tụi em chỉ mạnh phần tự luận, còn phần trắc nghiệm vẫn rất bỡ ngỡ và cần luyện tập nhiều” - Tuấn giải thích khi đang ngồi làm bài tập trên căn gác xép 15m2, cạnh “hồ cá” được làm từ... chậu nước. Không có giường, cả ba anh em thường trải chiếu ngủ ngay dưới bàn học.

Đơn vị tài trợ

cV4uXYP1.jpg

CÔNG NHẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên