26/05/2013 16:07 GMT+7

"Mẹ ơi, con sai rồi! Con yêu mẹ nhiều lắm"

THÚY HẰNG
THÚY HẰNG

TTO - Nước mắt của học trò lẫn các bậc sinh thành đều tuôn rơi nơi sân trường khi hàng ngàn học sinh lớp 12 các trường THPT ở tỉnh Tiền Giang viết thư tri ân cha mẹ, thầy cô của mình trước niên học kết thúc.

Hãy phấn đấu để trưởng thànhNhân rộng những buổi lễ tri ânNước mắt rơi ở lễ tri ân

v9o7aSml.jpgPhóng to
Niềm vui của một phụ huynh Trường THPT chuyên Tiền Giang khi trao món quà và nhận lại lá thư tri ân từ con gái
uRDK7Doh.jpgPhóng to
Chị Trần Kim Phượng nghẹn ngào khi đọc bức thư tri ân của con trai là Lê Minh Trung. Em Trung cũng không cầm được dòng nước mắt
FgBr93ZJ.jpgPhóng to
Lá thư tri ân của Đặng Thị Thùy Trang (Trường THPT Chợ Gạo)

Nhiều lá thư tay được viết bằng cả trái tim khiến rất nhiều giọt nước mắt rơi xuống trong lớp học hay ở sân trường. Khó mà diễn tả được cảm xúc của các bậc cha mẹ, thầy cô khi nghe nhiều bạn nói: “18 tuổi đầu con mới dám nói với cha mẹ lời cảm ơn và hai chữ “xin lỗi”. Giờ này con mới hiểu hết ý nghĩa của những từ ngữ ngắn gọn đó”.

"Con xin lỗi vì đã quá vô tâm..."

Trong bức thư của mình, bạn Trần Thị Minh Anh (Trường THPT Chợ Gạo) viết: “Chúng con có thể viết những dòng tâm sự trên email, trên Facebook ngọt ngào với ai kia nhưng chưa một lần chúng con viết rằng: “Con yêu cha, mẹ”. Không phải con không yêu cha, mẹ, nhưng vì tình yêu mà cha, mẹ dành cho chúng con quá lớn. Con nghĩ những câu chữ ngắn ngủi đó không đủ để nói hết những gì con suy nghĩ. Giờ con đã 18 tuổi rồi, nhưng cũng không thể nghĩ ra được từ ngữ gì hay hơn, đầy đủ ý nghĩa hơn mấy chữ “Con thương cha, mẹ nhiều lắm!””.

“Hành trình con đến trường đánh đổi bằng sự hi sinh cả cuộc đời mẹ! Có lẽ người ta đã quen với hình ảnh người phụ nữ nơi ngã tư đường với những thau cá. Con xin lỗi mẹ vì trong thời gian dài con đã từng mặc cảm vì điều đó! Con từng không muốn nói về mẹ trước chúng bạn. Giờ con xin mẹ nhận ở con hai tiếng xin lỗi" - trích thư gửi mẹ của bạn Bùi Minh Thư.

Còn bạn Đặng Thị Thùy Trang (Trường THPT Chợ Gạo) dũng cảm nhắc lại lỗi lầm không thể nào quên được mà bạn gây ra khiến cha mẹ đau lòng, lo lắng đến mức phải nhập viện. Bạn viết: “Áp lực học tập khiến con cảm thấy mệt mỏi, con muốn vui chơi thế là con bỏ bê việc học, học theo bạn bè ăn chơi, đua đòi. Cha biết chuyện la con, thậm chí đánh con nhưng lúc đó con chỉ bướng bỉnh cãi lại, con đâu biết rằng những lời con nói lúc đó đã làm đau lòng cha. Con bỏ nhà đi, cha tìm con suốt nhiều ngày đến nỗi ngã bệnh nhưng con nào biết. Lúc con chạy vào bệnh viện thăm cha, con thật sự hối hận… Khi cha mở mắt nhìn thấy con đang khóc, cha chỉ cười và nói: “Đừng khóc con gái, cha không sao”. Lòng con đau lắm, con thật sự muốn cha đánh con, mắng con để có thể chuộc lại lỗi của mình nhưng cha không làm điều đó”.

Không gian lắng đọng, nhiều cặp mắt đỏ hoe khi nghe bạn Thùy Dương (Trường THPT Chợ Gạo) đọc thư tri ân, xin lỗi mẹ về sự vô tâm của mình mà mãi đến hơn 15 năm sau bạn mới hiểu tình thương của mẹ lớn nhường nào. Bạn tâm sự: “Tôi nhớ như in một cuộc thi hồi tôi học mẫu giáo, có cả mẹ tham gia. Cuộc thi đó tôi không đạt giải vì phần thi của mẹ không tốt. Hôm đó mắt mẹ đỏ hoe. Mẹ mua cho tôi cái bong bóng bay to và đẹp lắm. Suốt quãng đường về thấy người ta nhìn hai mẹ con chăm chăm. Tôi nghĩ người ta thấy cái bong bóng của tôi đẹp nên nhìn. Nhưng mãi sau này tôi mới biết người ta nhìn vì mẹ tôi khóc suốt quãng đường đưa tôi về nhà. Rồi mẹ ôm tôi vào lòng khóc nức nở nói rằng mẹ có lỗi vì con gái mất biết bao ngày tập hát, tập múa nhưng không đạt giải. Đứa bé ngốc nghếch Thùy Dương tôi khi ấy chẳng hiểu gì, cũng chẳng nói được câu nào làm mẹ vui”.

Bức thư tri ân của bạn Bùi Minh Thư cũng là lời xin lỗi của một đứa con từng mặc cảm với bạn bè về nghề bán cá của mẹ mình. Mãi gần đây bạn mới nhận ra rằng mình đã lớn lên, được đi học là nhờ cái thau cá mà mẹ bán mỗi buổi sáng. Thư đã cảm ơn mẹ và xin lỗi một cách chân thành: "Mẹ ơi, con sai rồi! Con yêu mẹ nhiều lắm. Con ghét những cơn mưa bất chợ lúc nửa đêm vì lúc đó mẹ lặng lẽ đi lấy cá về bán phiên chợ sáng mai”.

Tại buổi lễ tri ân của học sinh Trường THPT chuyên Tiền Giang có rất nhiều phụ huynh ở các huyện xa xôi bỏ công việc đồng áng, vượt quãng đường dài để tham dự buổi lễ quan trọng của con. Khi nghe những tâm tình mà trước nay con mình chưa từng tâm sự lần nào, nhiều phụ huynh vui đến nỗi không thể cầm được nước mắt. Chị Trần Kim Phượng (mẹ của bạn Lê Minh Trung, lớp 12 chuyên toán) cho biết để đi dự lễ trưởng thành của con trai, chị phải thức từ 3g sáng để làm việc nhà. Cầm bức thư của con trên tay, chị đọc đi đọc lại mấy lần.

Đọc xong, chị nghẹn ngào: “Mình là nông dân, ít chữ nghĩa nên mẹ con cũng ít khi tâm sự. Không đọc được lá thư này chắc chẳng nghĩ là con mình đã lớn thật rồi. Cái thằng kín tiếng, trước giờ cứ thấy nó im im nên nghĩ là nó vô tâm, ai dè nó sâu sắc, biết lo biết nghĩ như thế”. Chị đọc thư của con cho chúng tôi nghe: “Ba à! Với ba, con hay ít chuyện trò nhưng không phải vì lẽ đó mà con ít thương ba. Ba đừng giận con nha... Con nhớ mãi cái ngày ba vật vã vì nọc độc của loài rắn dữ và phải mất vĩnh viễn hai lóng tay chai sạn vì nắng mưa, sương gió. Ngày đó con đã khóc rất nhiều nhưng con không biết nói câu gì để động viên, an ủi cha. Con xin lỗi vì đã quá vô tâm, xin ba đừng buồn con… Giờ con xin cảm ơn ông bà nội, người đã thổi vào con lẽ sống ở đời, cách đối nhân xử thế; người rất mực chăm chút từng mảnh vá trên áo quần con. Và cả đứa em, thằng Cu Tính đáng yêu, đảm đang, giỏi giang, tháo vát thay anh quán xuyến việc nhà giúp mẹ”.

Thư gửi người đã khuất

Tại những buổi lễ tri ân, chúng tôi bắt gặp không ít bạn buồn rười rượi khi cầm lá thư trong tay. Trong khi bạn bè hạnh phúc trong vòng tay của cha mẹ thì các bạn ngồi bất động vì cha mẹ không còn.

Lá thư rất đời, rất thật mà bạn Ngô Thị Út Hương (Trường THPT Chợ Gạo) mất mấy đêm để viết nhưng không thể trao cho người thân trong buổi lễ tri ân. Trong thư có đoạn: “Đối với mọi người, có lẽ lá thư này đều dành cho ba, mẹ. Nhưng tôi không biết trao nó cho ai. Con rất may mắn phải không nội. Nếu không có nội, hôm nay con cũng không thể lớn khôn và trưởng thành. Nội trong con là tất cả. Tay trái nội là sự yêu thương âu yếm của mẹ. Tay phải nội làm nên tất cả những gì mà một người cha dành cho con. Dù bệnh tật nhưng nội vẫn cố gắng để dành dụm cho con đến trường. Lúc nào nội cũng bảo con thi rớt đi rồi nghỉ đi làm. Câu đùa vui của nội nhưng con hiểu nội bảo con cố lên, con học đến đâu thì nội sẽ ráng lo đến đó!”.

Bạn Võ Điền Bút sớm thiếu vắng tình thương của mẹ, nhưng khi viết thư tri ân, bạn lại nhắc nhiều về mẹ: “Mẹ thân yêu, đã 18 năm rồi, có lẽ 18 năm đối với mẹ là một thời gian ngắn nhưng đối với con đó là cả một cuộc đời với bao chuyện vừa ái oăm vừa ngang trái. Đôi lúc con cảm thấy rất buồn và cô đơn nhưng rồi trong những giọt nước mắt không biết là có nên có của một thằng con trai hay không thì con cũng thấy mình thật hạnh phúc. Và mẹ ơi, dù con không biết vì lý do gì mà mẹ không tiếp tục chăm sóc con, yêu thương con. Suốt mười năm qua, dù mỗi năm con chỉ gặp mẹ một lần nhưng cũng chẳng bao giờ mẹ nói chuyện với con và ôm con vào lòng. Mẹ biết không, con rất buồn nhưng con biết rằng mẹ có lý do riêng của mẹ. Nhưng mẹ ơi, dù sao mẹ cũng đã là niềm tin, là động lực cho con phấn đấu, biết tự chăm sóc mình và trở thành một người tốt để mẹ an tâm và tự hào về con”.

Trong hàng trăm lá thư tri ân của học sinh Trường THPT Chợ Gạo, có một lá thư với tiêu đề “Kính gửi thầy xưa”. Lá thư của bạn Cao Thị Thùy Trang (lớp 12KA12) thay cho lời xin lỗi muộn màng của học sinh cả lớp gửi đến người thầy vì “đã không ít lần làm thầy tổn thương”. Thùy Trang viết: “Thầy còn trẻ, thầy chủ nhiệm cái lớp ương bướng, quậy phá đủ trò. Để rồi đến ngày hôm nay con vẫn không biết lý do vì sao lại đổi chủ nhiệm. Tại lớp hay tại lý do gì, hả thầy? Có lẽ thầy đã yêu thương lớp thật sự, thầy đã quan tâm lớp như những đứa em của thầy, nhưng sự vô tình của lớp lại làm thầy mệt mỏi, làm thầy phải khóc. Lời xin lỗi chúng con gửi đến thầy nhưng có lẽ không thể nào xóa nhòa vết thương đó, mặc dù ngày hôm nay tất cả chỉ là quá khứ. Và con biết thầy vẫn lặng lẽ nhìn theo bước chân của lớp con đi, đôi lúc gục ngã thầy hỏi han, đôi lúc nản lòng thì thầy an ủi”.

Thầy Nguyễn Phú Cường, hiệu trưởng Trường THPT Chợ Gạo, nói: “Những buổi lễ tri ân ở Trường THPT Chợ Gạo luôn đầy ắp tình yêu thương với những giọt nước mắt hạnh phúc của cha mẹ, thầy cô, bạn bè. Ai cũng nhìn những tình cảm rất thật xuất phát từ trái tim của học trò chúng tôi chứ không phải là buổi lễ hình thức, là dịp để nói những lời văn hoa, bóng bẩy mà sáo rỗng. Nhà trường rất tự hào vì đã đào tạo ra những thế hệ học sinh nhận thức và hiểu rõ giá trị thật của cuộc sống; biết chăm chút, nâng niu tình cảm gia đình để làm bệ phóng cho các em bước vào tương lai”.

THÚY HẰNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên