01/04/2013 06:30 GMT+7

Phụ nữ không nên tự giam hãm mình

HẢI THI
HẢI THI

TT - Luôn có một “bức trần vô hình” ngăn cản các nữ chính khách, nữ doanh nhân vươn tới vị trí cao nhất trên bước đường sự nghiệp.

Thực trạng và các biện pháp “phá trần” là nội dung trao đổi của buổi tọa đàm “Phụ nữ lãnh đạo và bức trần vô hình” diễn ra tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng (Q.7, TP.HCM) cuối tuần qua.

pD912gKE.jpgPhóng to
Đại biểu nữ dự và phát biểu. Hầu hết đều nhận thấy tự bản thân phụ nữ còn chưa giải phóng mình - Ảnh: HẢI THI

Nhìn lại chặng đường lập nghiệp của mình, nhiều phụ nữ ưu tú, thành đạt cho rằng thiên chức vừa là khái niệm tôn vinh, vừa là chiếc lồng giam hãm cơ hội phát triển của phụ nữ.

Phụ nữ làm lãnh đạo: đủ đường khó!

“Ở quê tôi, mỗi lần có kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội là các chú lại kháo nhau: gạch tên đại biểu nữ với lý do “đàn bà mà tham chính nỗi gì”!” - bạn Huỳnh Phước Hồng (sinh viên ĐH Tôn Đức Thắng) góp chuyện với gần 400 sinh viên và các nữ diễn giả tham dự tọa đàm. Phước Hồng cũng thắc mắc về sự xuất hiện quá ít các gương lãnh đạo nữ trong sách giáo khoa các cấp, cụ thể là: “Hồi cấp I chúng tôi còn được biết đến Bà Trưng, Bà Triệu, từ cấp II trở đi lật sách chẳng thấy bóng dáng phụ nữ đâu”.

"Hồi cấp I chúng tôi còn được biết đến Bà Trưng, Bà Triệu, từ cấp II trở đi lật sách chẳng thấy bóng dáng phụ nữ đâu"

Câu chuyện và thắc mắc của bạn đã góp phần minh chứng cho những số liệu bà Đinh Thị Bạch Mai (chủ tịch Hội LHPN, đại biểu Quốc hội TP.HCM) công bố tại buổi tọa đàm. Theo bà, số lượng nữ đại biểu trong Quốc hội Việt Nam luôn thấp hơn mức 30% chỉ tiêu (chỉ đạt chỉ tiêu vào hai nhiệm kỳ IV, V) và càng lên cấp cao, cấp trung ương, sự góp mặt của nữ trong bộ máy lãnh đạo càng thưa thớt.

Theo các nữ diễn giả tham gia chương trình, có hàng trăm chất liệu xây nên bức trần ngăn cản bước thăng tiến của phụ nữ, trước tiên là quan niệm nên an phận làm “nội tướng” do những người mẹ, người bà truyền lại cho con cháu. “Tôi quan sát thấy nhiều gia đình khuyên nhủ con gái chỉ học tối đa hết chương trình thạc sĩ bởi học càng cao càng có nguy cơ “ế”, không người đàn ông nào muốn cưới một cô vợ giỏi hơn mình” - bà Nguyễn Thị Hạnh, tổng giám đốc Saigon Co.op, chia sẻ. Bà cũng kể câu chuyện thường xảy ra ở đơn vị: nhiều phụ nữ có chồng làm chung bộ phận từ chối nhận đề bạt thăng tiến vì không muốn “vượt mặt” chồng.

Bà Vũ Kim Hạnh, chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, cũng băn khoăn cho biết gần đây bà vẫn bắt gặp những người phụ nữ nông thôn - vợ của cán bộ các phòng ban địa phương - nhưng mù chữ, trong căn nhà ba gian hai chái vẫn không được ngồi bàn giữa nhà, không được phép tham gia đóng góp ý kiến, quyết định những vấn đề gia đình. Ngược lại, ở thành thị, ngay cả khi phụ nữ được tạo điều kiện phát huy hết khả năng, khẳng định chỗ đứng thì hàng trăm khó khăn vẫn bủa vây: lời ra tiếng vào của hai họ khi thường xuyên vắng nhà, mất đà công việc sau kỳ thai sản, bị đồng nghiệp nữ ganh ghét, đồng nghiệp nam nghi ngờ thực lực... “Để đạt được thành công như đàn ông, phụ nữ phải nỗ lực gấp đôi” là khẳng định của bà Hà Thu Thanh, tổng giám đốc Deloitte Việt Nam.

Tự “phá trần”

Trước thực trạng trên, bà Tôn Nữ Thị Ninh, viện trưởng Viện Liên kết và trao đổi quốc tế Trí Việt, đặt vấn đề: phải chăng chính phụ nữ chọn lựa không “phá trần” để bảo vệ nền tảng hạnh phúc gia đình, bảo vệ hình mẫu phái đẹp, phái yếu theo quan niệm truyền thống? Bà cũng đưa ra hàng loạt báo cáo chỉ ra rằng giới trẻ Việt, cả nam lẫn nữ, vẫn tồn tại quan niệm bảo thủ trong vấn đề bình đẳng giới. “Phụ nữ Việt Nam vẫn tự hào làm cái bóng, sân sau của người đàn ông. Họ giam hãm cơ hội phát triển bản thân trong một cái lồng và yêu thích cái lồng đó” - bà nhận định.

Nhiều đề xuất hỗ trợ “phá trần” cho phụ nữ đã được đông đảo sinh viên và các nữ diễn giả trình bày tại tọa đàm. Trong đó có đề xuất bỏ chênh lệch tuổi hưu và ươm mầm cán bộ nữ tạo nguồn quy hoạch vào cơ cấu lãnh đạo. Bà Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng đề xuất bỏ chênh lệch tuổi hưu là cụ thể, khả thi, cần làm ngay chứ không chờ một kỳ Quốc hội nữa xem xét.

Trong khi đó, bà Vũ Kim Hạnh nhấn mạnh việc ươm mầm cán bộ nữ là tối cần thiết để tạo nguồn cán bộ chất lượng bổ sung cho cơ cấu, giúp tránh tình trạng thiếu chỉ tiêu nữ cán bộ tham gia bộ máy lãnh đạo hoặc để có con số cơ cấu “đẹp” mà nhiều địa phương, phòng ban bổ nhiệm bừa.

Ngoài ra, vai trò của phái mạnh cũng được nhắc đến trong việc điều chỉnh cán cân bình đẳng giới. Mặc dù còn ngập ngừng nhưng nhiều sinh viên nam cũng tỏ ý đồng tình nếu Việt Nam áp dụng chính sách thai sản của các nước phát triển: cho phép chồng nghỉ thai sản cùng vợ. Các sinh viên nam tham dự tọa đàm cũng đóng góp ý kiến giúp giảm gánh nặng gia đình cho phụ nữ như tăng chất lượng giáo dục mầm non để phụ nữ an tâm công tác, cha mẹ giáo dục hướng nghiệp và khuyến khích con gái lập nghiệp như con trai, bỏ dần quan niệm “con gái học ít dễ lấy chồng”...

Phụ nữ ngoan không làm nên lịch sử

Trên hết và trước hết, phụ nữ phải có gan phá dỡ “bức trần vô hình” để khai thông cơ hội phát triển bản thân là điều bà Tôn Nữ Thị Ninh đúc kết. “Phụ nữ ngoan không làm nên lịch sử - bà Võ Thị Hoàng Yến (Trung tâm khuyết tật DRD) kể về dòng chữ in trên chiếc áo bà được tặng - Nếu phụ nữ mãi ngoan ngoãn ngồi trong những chiếc lồng thì không những bản thân chúng ta bị trì trệ, mà kéo theo đó là sự đình trệ của cả xã hội khi không có sự đóng góp của tố chất nữ như một điều kiện của sự phát triển bền vững”.

HẢI THI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên