Phóng to |
Vẫn là các dịch vụ việc làm tết như mọi năm: cho thuê và chăm sóc cây kiểng, dọn nhà, chăm sóc người bệnh và cả cắt lông tỉa móng cho thú cưng đón tết; tiếp thị sản phẩm, giúp việc nhà, phục vụ quán... Nhưng năm nay dịch vụ sửa quần áo đắt hàng.
Tiệm sửa đồ đắt khách
Trên đường Lý Chính Thắng (Q.3), đoạn từ đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa tới Hai Bà Trưng chưa đầy 500m đã có tới gần chục tiệm may, sửa đồ. “Lượng việc tính từ đầu tháng 1 tới giờ tăng gấp ba lần so với trước đó. Cứ vào dịp tết là thợ làm việc không ngơi tay”, chị Nguyễn Phương Thảo Trang (nhà may Hùng) chia sẻ.
Bạn Nguyễn Thu Hồng (25 tuổi, quê Thừa Thiên - Huế), là một trong 21 thợ may tại tiệm, cho biết ngoài may mới thì nhu cầu sửa đồ của khách khá cao. Bình thường chỉ làm việc từ 8g-19g nhưng suốt hai tuần nay, Hồng cùng các thợ tại tiệm thường xuyên làm việc tới 22g-23g mới kịp giao hàng cho khách. Tiền công nhờ đó cũng khá theo.
Ở vỉa hè góc đường Nguyễn Đình Chiểu- Trương Định (Q.3), chỉ với một máy may cũ, anh Phan Phú Quý (46 tuổi) thoăn thoắt sửa quần áo cũ cho khách hàng. Chỉ tay vào đống quần áo xếp chồng ở góc tường, anh cho hay từ đầu tháng 1 tới giờ, lượng quần áo anh nhận để sửa tăng gấp năm lần so với trước đó. “Nhưng chủ yếu là sửa đồ cũ, đồ mới ít lắm, khác hẳn mọi năm - anh Quý nói - Chắc do khó khăn, người ta tiết kiệm không sắm đồ mới”. “Ngồi gốc cây” như anh bình thường kiếm được 3-4 triệu đồng/tháng nhưng vào mùa tết có thể kiếm được 13-15 triệu đồng. “Chỉ được vài tuần thôi” - anh cười.
Tại các con đường có nhiều shop quần áo như Nguyễn Đình Chiểu (Q.3), Nguyễn Trãi (Q.1, Q.5), Lê Văn Sĩ (Q.3, Q.Tân Bình)... thợ sửa quần áo vỉa hè khá đông và mùa này thợ nào cũng có khách.
Việc làm tết rộng cửa
Nhận định thị trường lao động thời vụ cuối năm hiện nay tại thành phố, ông Trần Anh Tuấn - phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhân lực và thị trường lao động TP.HCM - cho biết cần khoảng 6.000 người. Các nhóm công việc tập trung vào các ngành, nghề như: quảng bá sản phẩm, tổ chức sự kiện, dịch vụ sửa chữa - vệ sinh, dịch vụ phục vụ và tham gia sản xuất. Trong đó, nhóm việc tổ chức sự kiện và dịch vụ phục vụ sôi động nhất. Theo ông Tuấn, không chỉ thông qua các trung tâm giới thiệu việc làm, hiện nay người lao động, đặc biệt là lao động trẻ còn tự giới thiệu mình thông qua các mạng xã hội như Facebook để kiếm được việc.
Được biết, tại Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP hiện có khoảng hơn 3.500 đầu việc cho các bạn trẻ, tập trung chủ yếu là nhân viên bán hàng tết tại siêu thị, bảo vệ tại các khu vui chơi, nhân viên thu ngân, bán hàng tại quán ăn, quán cà phê...
Theo ông Nguyễn Văn Sang - phó giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm Thanh Niên TP.HCM - hiện có hơn 3.000 đầu việc tại trung tâm. Các công việc chủ yếu là bán hàng, phục vụ hay làm kẹo mứt, bảo vệ đường hoa...
Ông Sang cho biết thêm thu nhập làm ngày cận tết cũng không tăng nhiều so với ngày thường, khoảng 12.000-20.000 đồng/giờ, ngày tết tăng gấp đôi. Một số công việc yêu cầu ngoại hình hay kỹ năng ngoại ngữ thì lương có thể cao hơn 4-5 lần so với việc bình thường nhưng lại rất kén người và cũng ít việc. “Chiếm gần 70% lao động tìm việc thời vụ là sinh viên, số còn lại là lao động phổ thông nhàn rỗi. Năm nay nhu cầu tìm việc của người lao động tăng lên khoảng 20%” - ông Sang nói.
Dịp để sinh viên làm thêm Ngoài lao động tự do thì cánh sinh viên là lực lượng gia nhập đội ngũ lao động dịp tết đông đảo. Đỗ Thành Long (SV năm 3 Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, người Thanh Hóa) cho biết đã được nhận làm bảo vệ công ty suốt mùa tết này. “Tiền tàu xe quá tốn kém. Mình ở lại đi làm được trả công khoảng 300.000 đồng/ngày, tăng gấp ba lần so với ngày thường”. Đây là năm thứ tư Long ở lại thành phố làm thêm dịp tết. Theo Long, việc ngày tết “có ăn nhất” vẫn là phục vụ quán hoặc dọn dẹp nhà cửa. “Thường cả hai công việc này được tính công theo giờ, vào thời điểm tết thù lao có thể tăng từ 25.000-30.000 đồng/giờ lên đến 60.000-70.000 đồng/giờ” - Long nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận