Lý do trường cấm học sinh dùng Facebook chửi bậyXôn xao với 4 điều "cấm kỵ" khi lên Facebook
Mượn mạng xã hội để cập nhật tâm trạng bản thân Theo ThS tâm lý Đào Lê Hòa An, giới trẻ hiện có khuynh hướng mượn mạng xã hội để tự do bày tỏ quan điểm và cập nhật tâm trạng bản thân, từ đó nhận được sự phản hồi, sẻ chia từ mọi người. Việc văng tục trên mạng của một cá nhân, trong một chừng mực nào đó, nhằm thông báo cho mọi người biết về sự bất ổn trong cuộc sống của họ. |
Chỉ mới đưa lên mạng từ ngày 15-1, nhưng quy định trên đã thu hút hàng ngàn ý kiến tranh luận trái chiều.
Những tranh cãi
Trên trang Facebook của Trường Lương Thế Vinh có hơn 80% trong gần 2.000 ý kiến phản hồi thể hiện sự bất bình trước quy định và cho rằng bản quy định “quá khô cứng”, “gây ngột ngạt”. Nick RexV bức xúc: “Facebook là trang cá nhân, người ta thích làm gì thì làm. Sao lại quản?”.
“Chia buồn với học sinh Trường Lương Thế Vinh” là một trong những phản hồi lặp đi lặp lại nhiều nhất trong dằng dặc ý kiến về bản quy định nói trên. Lý do để “chia buồn” được đưa ra là “học sinh Lương Thế Vinh không được nói bậy nữa”, “mất tự do ngôn luận”... “Thật không hiểu nổi, khi quy tắc để giúp học sinh văn minh hơn lại bị đem ra bàn luận như một hình thức cấm đoán tự do” - PGS Văn Như Cương - hiệu trưởng nhà trường - than.
Sự cấm đoán có thể gây tác động ngược Cô Vũ Ngọc Thùy - giảng viên Phân viện Báo chí và tuyên truyền - cho rằng việc đưa ra quy định khi lên Facebook như Trường Lương Thế Vinh là không nên. “Cũng là quy định, nhưng nên thực hiện dưới hình thức phong trào như “Phong trào dùng Facebook văn minh” sẽ tác động dễ dàng, nhẹ nhàng hơn. Sự cấm đoán có thể gây tác động ngược, học sinh bị nhắm tới đang ở tuổi “mới lớn” dễ xù lông để thể hiện cho bằng được “cái tôi”, bất chấp quy định, lại thành phản kháng” - cô Thùy phân tích. |
Minh Hùng (28 tuổi, Q.1) thú nhận có sở thích văng tục trên mạng mỗi khi tức giận. Theo Minh Hùng, thế giới mạng hiện là nơi người trẻ sống thật nhất và chia sẻ những điều phải nén trong đời thực... nên cần được tôn trọng. Lập luận của Minh Hùng được nhiều bạn gật đầu tán đồng.
Một số bạn trẻ khác lại cho rằng sẽ rất khó kiểm tra danh tính thật của chủ tài khoản Facebook. Nick NguyenDacT phân tích: “Hiện nay tình trạng hack tài khoản để cố tình bêu xấu ai đó, tạo Facebook giả rất phổ biến hoặc các bạn viết lên những lời tục tĩu rồi xóa ngay, chối tội... thì làm sao xử?”.
Dưới góc nhìn của một du học sinh, bạn Sỹ Huy (SV cao học ĐH APU, Nhật Bản) cho rằng việc Trường Lương Thế Vinh đưa ra bản quy tắc ứng xử trên mạng xã hội dành cho học sinh là cần thiết, nhằm kịp thời uốn nắn những hành vi chưa phù hợp. Tuy nhiên, Huy lưu ý: “Suy cho cùng việc giáo dục ý thức ở các bạn trẻ mới là quan trọng nhất”.
Ngọc Thanh (21 tuổi, SV ĐH KHXH&NV TP.HCM) lại cho rằng những nguyên tắc ứng xử trên mạng giúp mọi người có dịp nhìn lại và chỉnh sửa bản thân. “Ở đâu không có luật lệ, ở đó sẽ tồn tại sự bất ổn”. Và Ngọc Thanh dẫn chứng những trường hợp bạn trẻ gặp hậu quả nghiêm trọng vì vô tư văng tục, thóa mạ người khác trên mạng thời gian qua.
Theo ThS xã hội học Trần Thị Ngọc Nhờ, thanh thiếu niên là đối tượng thường có khuynh hướng muốn khẳng định mình. Để nổi bật hoặc khi nhận được sự cổ vũ quá khích, các bạn thường làm điều gì đó gây sốc và chính điều này khiến các bạn rơi vào tình trạng lệch lạc trong việc bày tỏ quan điểm cá nhân, bộc lộ cảm xúc trên mạng.
Ảo nhưng rất thực
“Những điều này sẽ khiến hình ảnh giới trẻ Việt xấu xí trong mắt mọi người. Cá nhân tôi sẽ không bao giờ tôn trọng và kết bạn với những người như vậy”, Anh Thư (Học viện Báo chí tuyên truyền) nói.
“Không chỉ làm xấu hình ảnh bản thân trong mắt cộng đồng mà một số trường hợp khi bị “ném đá” sẽ rơi vào trạng thái ức chế, trầm cảm hoặc khủng hoảng”, ThS tâm lý Nguyễn Hữu Long bổ sung. Ông khuyên bạn trẻ luôn suy nghĩ thật cẩn trọng trước khi thể hiện bản thân trên thế giới mạng.
“Trong thế giới phẳng, chỉ cần một cú click chuột cả thế giới đều có thể biết về bạn. Và cũng chỉ một phút nông nổi, những câu nói xấu xí của bạn trên mạng sẽ không bao giờ xóa hết được”, ThS tâm lý Đào Lê Hòa An chia sẻ. Theo ông, sự vô tư trên có khi phải trả giá bằng việc những cơ hội tốt đẹp ở hiện tại lẫn tương lai bị tước mất.
Còn theo ThS Nhờ: “Mạng xã hội không phải là “thế giới ảo” mà rõ ràng đây là một thế giới rất thực bởi có sự tương tác giữa người và người. Chúng tạo cảm giác “ảo” bởi sự tự do ngôn luận nhưng những hậu quả, nếu có, sẽ khó thể ngờ. Nếu nặng thì phải chịu trách nhiệm về mặt pháp lý, còn nhẹ phải xin lỗi, bồi thường. Nhưng hậu quả nặng nề nhất không đến từ nhà trường - lấy ví dụ từ bản quy định của Trường Lương Thế Vinh - mà chính là những phán xét từ dư luận xã hội, sự tổn thương từ bản thân, gia đình”.
Làm gì khi tay lỡ “nhúng chàm”? ThS xã hội học Trần Thị Ngọc Nhờ(giảng viên ĐH KHXH&NV TP.HCM): Phải dũng cảm sửa lỗi Nếu biết dằn vặt, xấu hổ nghĩa là bạn trẻ đã nhận ra đây là sự lệch lạc cần thay đổi. Cá nhân nào đã tạo sự “phá cách” thì cũng nên dũng cảm uốn mình vào quy cách. Cộng đồng mạng nghiêm khắc nhưng sẽ bao dung nếu người trẻ biết khắc phục, thể hiện rõ sự hối lỗi bằng các hành động trên mạng lẫn trong cuộc sống. ThS tâm lý Nguyễn Hữu Long (giảng viên Trường CĐ Sư phạm T.Ư TP.HCM): Nhanh chóng xử lý khủng hoảng Theo tôi, hai khái niệm vô tình hay cố tình “nhúng chàm” sẽ có hướng giải quyết khác nhau. Nếu đã cố tình làm thì hiển nhiên các bạn đã sẵn sàng đón nhận hậu quả. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng đôi khi bạn khó thể lường trước được mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Nếu chỉ là vô tình mà bị “ném đá” thì các bạn nên nhìn thẳng vào vấn đề để giải quyết. Ngay lập tức tháo thông tin phản cảm khỏi trang cá nhân và lên tiếng giải thích, nhận lỗi một cách thẳng thắn. Cần thiết tìm một vài người thân để nhận sự sẻ chia, đồng cảm kịp thời. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận