15/12/2012 01:23 GMT+7

Tuổi trẻ phải là rường cột đất nước

Thủ tướng NGUYỄN TẤN DŨNG
Thủ tướng NGUYỄN TẤN DŨNG

TT - Sáng 14-12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng một số thành viên Chính phủ đã có cuộc đối thoại với các đại biểu dự Đại hội Đoàn toàn quốc lần X.

8IvZyH3a.jpgPhóng to

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chúc mừng anh Nguyễn Đắc Vinh tái cử Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

“Trong bối cảnh suy thoái kinh tế đòi hỏi sự chung sức chung lòng, Chính phủ phải làm gì và làm thế nào để thế hệ trẻ phát triển nhanh hơn, toàn diện hơn, Đoàn hoạt động thiết thực, hiệu quả hơn? Và thế hệ trẻ chúng ta cần làm gì, làm thế nào để thật sự là rường cột của đất nước, là lực lượng xung kích, đội hậu bị tin cậy của Đảng, xứng đáng với Tổ quốc?” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mở đầu cuộc đối thoại.

Thầy thợ đều thiếu

"Dù ở đâu, làm gì, hãy phấn đấu tốt nhất, làm việc tốt nhất để trở thành công chức trẻ giỏi, doanh nhân trẻ giỏi, chiến sĩ trẻ giỏi, nhà văn hóa trẻ giỏi”

Đại biểu Đào Xuân Yên (Thanh Hóa) hỏi Thủ tướng: “Chúng ta đào tạo đại học tràn lan, mất cân đối nên thừa thầy thiếu thợ, sinh viên không có việc làm, tạo cơ hội cho tiêu cực. Thủ tướng cho biết ý kiến về vấn đề này?”.

Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói nền kinh tế nước ta hiện đang thiếu cả thầy và thợ chứ không phải thừa thầy thiếu thợ. Thủ tướng còn cho biết cơ cấu đào tạo của VN chưa hợp lý. Có 46% tổng số lao động đã qua đào tạo các cấp nhưng chỉ 8% trong số này có trình độ đại học, cao đẳng, trong khi ở Malaysia là 20,1%, Thái Lan 14,2%.

Đến cuối năm 2011, VN mới có 250 sinh viên/1 vạn dân, thấp hơn nhiều so với các nước. “Có nhiều cách để học tập. Đậu đại học, cao đẳng là tốt nhưng vừa học vừa làm, học nghề cũng rất đáng hoan nghênh. Con đường khẳng định mình của mỗi bạn trẻ rất rộng mở. Vấn đề là phải thực chất, học thật, tài năng thật” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Tiếp cận từ góc khác, đại biểu Bùi Thế Duy (Học viện Thanh thiếu niên VN) nêu vấn đề nhiều bạn trẻ đi học nước ngoài phân vân chuyện trở về vì không biết có được trọng dụng hay chỉ để “trưng bày, cất vào ngăn tủ”. Thủ tướng trả lời: “Chính phủ đã thấy và đang rà soát bổ sung cơ chế chính sách. Chúng tôi mong mọi công dân, đồng bào chúng ta cùng chia sẻ khó khăn với đất nước, trường hợp giáo sư Ngô Bảo Châu là một ví dụ. Giáo sư Ngô Bảo Châu nói với tôi dù lương VN rất thấp so với các nước nhưng vẫn trở về vì muốn đóng góp cho đất nước”.

LnaGH566.jpgPhóng to
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các đại biểu tham dự cuộc đối thoại - Ảnh: Nguyễn Khánh

Không để sinh viên bỏ học vì nghèo

Đại biểu Phạm Liên Hà (Học viện Ngoại giao) băn khoăn số tiền vay học tập của sinh viên nghèo còn khá thấp, ký túc xá không đủ chỗ ở. Đáp lời, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân công bố trước đây chỉ có 300.000 sinh viên vay vốn đi học nhưng sau khi Thủ tướng chỉ đạo thiết kế lại chương trình hỗ trợ sinh viên vay vốn, con số này là 2,8 triệu người chỉ trong năm năm, với mức vay hiện nay là 1,5 triệu đồng/tháng.

“Thủ tướng chỉ đạo dù khó khăn đến mấy cũng không được dừng chương trình này. Không để ai phải bỏ học vì thiếu tiền” - ông Nhân nói.

Ông Nhân cũng cho biết Thủ tướng đã yêu cầu phải đáp ứng tối thiểu 60% sinh viên được ở ký túc xá và phấn đấu đến năm 2020 sẽ đạt con số này. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bổ sung: “Chính phủ sẽ làm hết sức mình kể cả trong khó khăn vẫn đảm bảo đủ kinh phí để sinh viên vay học tập. Cách đây một tuần, tôi vừa ký quyết định phân bổ ngân sách đến năm 2015, ưu tiên đầu tiên là xây dựng kinh phí xây ký túc xá”.

Chăm lo cho thế hệ trẻ

Có niềm tin, hoài bão sẽ làm được tất cả

“Thời thanh niên cô có nghĩ mình sẽ làm bộ trưởng?” - đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) hỏi Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh & xã hội Phạm Thị Hải Chuyền. Nhắn nhủ với các bạn trẻ, bà Chuyền nói: “Tôi theo sự phân công của Đảng và dù ở vị trí nào cũng luôn cố gắng. Môi trường Đoàn sẽ rất tốt để bạn trưởng thành, là bàn đạp tiến lên. Tuổi trẻ có hoài bão, niềm tin, nghị lực thì sẽ làm được tất cả”.

Kết thúc cuộc trò chuyện, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng nội dung các đại biểu trao đổi cho thấy thanh niên có nhận thức tốt, sâu sắc các vấn đề của đất nước, dân tộc, quốc tế, không chỉ băn khoăn mà còn là gợi mở để Chính phủ cân nhắc trong điều hành đất nước.

Thủ tướng nói đại bộ phận thanh niên có niềm tin đúng đắn vào tương lai dân tộc và đề nghị mỗi bạn trẻ cùng chung sức chung lòng, nỗ lực phấn đấu thực hiện bằng được mục tiêu, lý tưởng này. Ông khẳng định: “Chính phủ, các cấp chính quyền luôn phối hợp chặt chẽ với Đoàn chăm lo giáo dục, hỗ trợ thanh niên. Cả hệ thống chính trị cần làm tốt hơn trọng trách này với thế hệ trẻ”.

Thủ tướng mong muốn việc chăm lo học tập, phát huy tài năng trẻ cần làm tốt hơn. Làm sao để thế hệ trẻ tiếp tục phát huy truyền thống các thế hệ đi trước, luôn xung kích đi đầu trong các hành động, thi đua yêu nước, đóng góp xây dựng đất nước. Thủ tướng tâm tư: “Nguồn nhân lực trẻ dồi dào, năng động, sáng tạo nhưng chất lượng còn thấp, một bộ phận thiếu việc làm, thu nhập thấp”.

Từ đó, Thủ tướng gợi ý Đoàn cần sâu sát để tìm hiểu khó khăn của thanh niên hoặc những bất cập của chính sách, nhằm phối hợp các cơ quan chính phủ, kiến nghị giải pháp thiết thực để giải quyết ngay khúc mắc ấy.

“Chính phủ luôn nhận rõ trọng trách trước đất nước và thế hệ trẻ, sẽ làm hết sức mình cùng toàn Đảng, toàn dân chăm lo cho thanh niên phát triển nhanh hơn, toàn diện hơn, được học tập, giải trí, có môi trường sống ngày càng văn minh, tiến bộ, công bằng, để thế hệ trẻ mãi mãi sống trong độc lập, tự do, bình yên, hạnh phúc” - Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng NGUYỄN TẤN DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên