04/11/2012 07:09 GMT+7

Chất của giới trẻ phải là xông pha

Ông NGUYỄN VĂN ĐUA (phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM)
Ông NGUYỄN VĂN ĐUA (phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM)

TT - “Đất dụng võ của các bạn rất nhiều. Chất của giới trẻ phải là xông pha, tình nguyện, cống hiến”. Đó là phát biểu của phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Đua tại cuộc đối thoại của lãnh đạo thành phố.

Cuộc đối thoại của lãnh đạo TP.HCM với 449 đại biểu dự Đại hội Đoàn TP.HCM lần IX diễn ra ngày 3-11. Và đó cũng là hoạt động mở đầu của đại hội, chính thức khai mạc hôm nay 4-11.

Khai mạc Đại hội Đoàn TP.HCM lần IX

4303S5Cv.jpgPhóng to
Các đại biểu đến từ các trường ĐH trên địa bàn TP.HCM tham dự Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh TP.HCM lần IX, nhiệm kỳ 2012-2017 sáng 3-11 - Ảnh: Minh Đức

Đại hội Đoàn TP.HCM lần IX đã bắt đầu bằng cuộc đối thoại giữa 449 đại biểu dự đại hội cùng lãnh đạo TP với chủ đề “Chung sức trẻ vì TP văn minh, hiện đại”, diễn ra ngày 3-11.

“Chúng tôi đến đây với mong muốn được lắng nghe không chỉ là ý kiến mà còn là hiến kế của những đại biểu ưu tú nhất của Đại hội Đoàn TP, đại diện cho tuổi trẻ TP.HCM” - Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Đua mở lời cuộc đối thoại.

Chân trời cho nhà khoa học trẻ

"Ngay sau đại hội, Ban thường vụ Thành đoàn nên ngồi lại với các sở ngành để xem các chương trình liên tịch còn gì chưa đầy đủ, cần bổ sung gì mới. Đất dụng võ của các bạn rất nhiều. Chất của giới trẻ phải là xông pha, tình nguyện, cống hiến. Không phải chỉ là chất vấn các cơ quan, ban ngành mà phải là đóng góp, hiến kế, xây dựng"

Vừa trở về với bằng tiến sĩ chuyên ngành hóa tại Đan Mạch, tiến sĩ Nguyễn Tuyết Phương (ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM) hỏi:

“TP.HCM đang sở hữu số lượng không ít nhà khoa học trẻ, nhiều thạc sĩ, tiến sĩ các lĩnh vực khoa học cao và chuyên sâu từ nước ngoài về nhưng cơ chế làm việc chưa đảm bảo. Chúng ta có hệ thống giải pháp thế nào quy tụ đội ngũ này để đi tắt đón đầu trong khoa học?”.

Dẫn ra các chính sách thu hút cán bộ khoa học công nghệ, chuyên gia Việt kiều trở về đóng góp cho khoa học TP, giám đốc Sở Khoa học công nghệ Phan Minh Tân cho biết TP luôn có cơ chế đặc thù thu hút người làm khoa học. Chẳng hạn, Viện Khoa học công nghệ tính toán thu hút khoảng 15 giáo sư, tiến sĩ là Việt kiều về làm việc mỗi năm vài tháng. “Nhiều bạn tiến sĩ trẻ đang là cộng tác viên của viện. Chúng tôi sẵn sàng trao đổi và tạo điều kiện nếu các bạn có nhu cầu tham gia nghiên cứu tại đây” - ông Tân mời gọi.

Cùng quan tâm vấn đề này, thạc sĩ Lê Hoàng Minh (ĐH Bách khoa TP.HCM) nêu ý kiến: “Chúng ta còn thiếu môi trường để công bố các kết quả nghiên cứu khoa học. Ngay cả việc tham gia hội nghị khoa học quốc tế hoàn toàn tự túc kinh phí. TP có chính sách đột phá nào để khuyến khích nghiên cứu khoa học?”. Đáp lời, ông Phan Minh Tân mong muốn mỗi nhà khoa học trẻ khi tham gia nghiên cứu hãy lưu ý nâng cao chất lượng, ứng dụng vào phục vụ xã hội, tìm hiểu vấn đề đó gắn với thực tiễn thế nào khi đề xuất.

Ông cho biết chương trình vườn ươm do Sở Khoa học công nghệ phối hợp với Thành đoàn nhiều năm qua đã cấp 11,7 tỉ đồng cho hơn 200 đề tài. Trong đó nhiều đề tài đã chuyển giao kết quả, ứng dụng thực tiễn và nhiều nhà khoa học trẻ trưởng thành từ chính môi trường này. “Các đãi ngộ hiện chưa cao nhưng chúng tôi quan niệm các nhà khoa học phải được hưởng lợi ích chính đáng từ kết quả nghiên cứu, phân chia lợi ích khi có hiệu quả kinh tế” - ông nói.

Có lãng phí nguồn nhân lực?

UwRwmjXT.jpgPhóng to
Lãnh đạo TP.HCM trò chuyện với các đại biểu Đại hội Đoàn TP lần IX - Ảnh: Thuận Thắng

Tiến sĩ ĐH Harvard Trần Phương Ngọc Thảo (ĐH Kinh tế TP.HCM) đề xuất: “Chúng tôi muốn được nghe đơn đặt hàng của TP với du học sinh, cựu du học sinh để có thể phục vụ, tham mưu sáng kiến cụ thể trong ngành nghề, lĩnh vực nào vì sự kết nối giữa doanh nghiệp với du học sinh tốt hơn các cơ quan nhà nước trong khu vực hành chính công?”. Phó chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận khẳng định trong sáu chương trình đột phá của TP, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng là nhiệm vụ đầu tiên. Ông Thuận phát biểu: “Ngoài chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, TP còn mời gọi nhiều chuyên gia nước ngoài, các đối tượng đáp ứng điều kiện, trình độ làm việc. Điều chúng tôi cần là có trong tay danh sách những du học sinh ngành nào, ở đâu để giới thiệu với các ngành đang cần”.

Trưởng Ban tổ chức Thành ủy Võ Tiến Sĩ bổ sung: TP có thể hoàn trả kinh phí đào tạo cho những thạc sĩ, tiến sĩ tự đào tạo ở nước ngoài về tham gia các cơ quan nhà nước. Tuy vậy, ông Sĩ thừa nhận dù cơ chế, chính sách của TP ngày càng hoàn thiện cũng không thể cạnh tranh trong thị trường nguồn nhân lực của TP. “Việc hoàn trả kinh phí không mới nhưng sẽ khuyến khích, trọng dụng các nhân tài được đào tạo, thu hút nguồn được xã hội đào tạo thời gian tới” - ông nói.

Lý giải băn khoăn của chị Trương Thị Hoài Nghĩa (Đoàn khối dân - chính - đảng TP) về những bất cập trong chính sách tạo nguồn và giữ chân nhân lực chất lượng cao vì điều này một số nơi chưa đánh giá đúng tầm quan trọng, ông Hứa Ngọc Thuận cho rằng không phải bây giờ mà từ sau giải phóng, lãnh đạo TP luôn dành tình cảm đặc biệt, vị trí xứng đáng để tạo điều kiện cho lớp trẻ. “Nghị quyết của Bộ Chính trị về việc xây dựng TP đến năm 2020 có rất nhiều việc, với mục tiêu xây dựng TP ngày càng văn minh hiện đại, đi trước cả nước là vùng đất màu mỡ để thanh niên TP cống hiến, trưởng thành” - ông Thuận gợi mở.

Thông tin thêm về chương trình đào tạo cán bộ quản lý xuất thân từ công nhân mà nhiều đại biểu đặt ra, ông Võ Tiến Sĩ cho biết hiện đang đào tạo 110 bạn đầu tiên, trong đó khoảng 50% là công nhân trực tiếp sản xuất. “Sắp tới sẽ đẩy mạnh chương trình này để mỗi năm có thể tuyển 100 ứng viên với những chính sách, bố trí công tác hợp lý để có được cán bộ quản lý của TP xuất thân từ công nhân” - ông Sĩ nói.

Đi cùng người trẻ

BWaFUYor.jpgPhóng to
Đại biểu Lê Quang Liêm, đến từ Trường ĐH Sài Gòn, đặt câu hỏi với lãnh đạo TP.HCM tại buổi gặp gỡ sáng 3-11 - Ảnh: Minh Đức

Anh Phan Lê Hoài Phong (huyện Cần Giờ) cho rằng thời gian qua việc hỗ trợ thanh niên làm kinh tế đã được một số ban ngành cùng Đoàn thanh niên thực hiện nhưng chưa bao quát. “Tôi đề nghị các sở ngành hỗ trợ để thanh niên tham gia xúc tiến giới thiệu sản phẩm, quản lý nguồn vốn” - anh nói. Trả lời, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Hồng Hoanh cho rằng TP có chủ trương hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, chú trọng lĩnh vực mang lại hiệu quả kinh tế cao. Riêng việc hỗ trợ thanh niên nông thôn làm kinh tế, sở có những trung tâm tư vấn, hỗ trợ vốn vay, chuyển giao khoa học và xúc tiến thương mại sẵn sàng hỗ trợ khi các bạn có nhu cầu.

Mong có nhiều hơn hoạt động chăm lo cho công nhân, anh Cao Văn Đức (Đoàn khối doanh nghiệp công nghiệp T.Ư tại TP.HCM) nêu vấn đề: “Công nhân sau giờ làm còn thiếu sân chơi giải trí văn hóa tinh thần, rất dễ dẫn đến các tệ nạn khác. Nên tận dụng các trung tâm văn hóa quận huyện để tổ chức hoạt động miễn phí hoặc trợ giá cho công nhân”. Giám đốc Sở Văn hóa - thể thao & du lịch Nguyễn Thành Rum cho biết không thiếu những điểm phục vụ hoạt động thể thao, giải trí nhưng chất lượng phục vụ cần nỗ lực nhiều hơn. “Mỗi năm có 600 chương trình phục vụ vùng sâu vùng xa, công nhân và các chương trình đột xuất khác. Tuy nhiên, đúng là vẫn chưa thường xuyên và đáp ứng được nhu cầu. Chúng tôi sẽ phối hợp để có thể phục vụ công nhân tốt hơn thời gian sắp tới” - ông Rum cho biết.

Đại kiện tướng cờ vua Lê Quang Liêm đề nghị quan tâm chế độ đãi ngộ với vận động viên đỉnh cao, tài năng thể thao ngay khi còn thi đấu, đến lúc kết thúc sự nghiệp thi đấu chuyển qua làm huấn luyện viên để không lãng phí nguồn lực. Ông Nguyễn Thành Rum cho rằng chế độ đối với vận động viên của TP là cao so với các tỉnh thành khác, song cũng thừa nhận đúng là khó xác định được chính sách đãi ngộ thế nào cho tương xứng với sự hi sinh, cống hiến của tài năng thể thao. “Trong mặt bằng chung cả nước, chúng tôi đề xuất TP có thêm chính sách riêng cho vận động viên nếu có thành tích cao trong các giải đấu khu vực, quốc tế” - ông Rum nói.

Bức xúc với vấn đề xã hội

Đại biểu Đoàn Trần Vĩnh Khánh (ĐH Nông lâm TP.HCM) thẳng thắn: “Nhiều người bức xúc trước sự suy thoái đạo đức, xa hoa lãng phí, thoái hóa biến chất của một bộ phận đảng viên. Điều đó càng phải đẩy mạnh cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và phải làm một cách thiết thực, đi vào chiều sâu, tránh hình thức, chiếu lệ”. Đồng tình, Ủy viên T.Ư Đảng - Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thị Thu Hà cho biết qua kiểm điểm theo nghị quyết T.Ư 4 còn một bộ phận đảng viên suy thoái làm mất niềm tin trong quần chúng. “Thành ủy xác định phải đầu tư hơn cho công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tinh thần phê và tự phê trong đảng viên. Tôi mong các bạn tích cực tham gia xây dựng Đảng, góp phần làm trong sạch đội ngũ đảng viên” - bà Hà đề nghị.

Bất bình trước thực trạng tội phạm ngày càng trẻ hóa, sự bất an của người dân khi ra đường, anh Nguyễn Xuân Ngọc (Đoàn khối Bộ Xây dựng) nêu: “Hiện nay tội phạm dùng hàng nóng, cướp giật lộng hành, Công an TP có giải pháp gì để trấn áp tội phạm?”. Chia sẻ bức xúc này, thiếu tướng Nguyễn Chí Thành - giám đốc Công an TP.HCM - thông tin tình hình, số vụ phạm pháp trên địa bàn TP năm năm trở lại đây đã giảm đáng kể so với trước. Tuy nhiên, tội phạm ngày càng nguy hiểm, sử dụng vũ khí nóng.

Ông Thành nói: “Thời gian qua, Công an TP đẩy mạnh việc tuần tra trấn áp tội phạm. Riêng tình trạng trẻ hóa tội phạm là vấn đề cả xã hội quan tâm. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có tính chủ quan là trách nhiệm giáo dục của gia đình - nhà trường - xã hội là điều cần xem xét”. Ông cho rằng chống tội phạm là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, trong đó công an làm nòng cốt và kêu gọi Đoàn tăng cường giáo dục thanh thiếu niên và chủ động hơn trong tham gia phòng chống tội phạm.

Ông NGUYỄN VĂN ĐUA (phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên