Cuộc thi do Hội đồng Vương quốc Anh, Trường ĐH Bristol và Trung tâm Quốc gia nghiên cứu về động đất Đài Loan tổ chức.
Phóng to |
Mô hình nhà chống động đất của SV Đà Nẵng - Ảnh do nhóm cung cấp |
Mô hình nhà chống động đất của bốn sinh viên Trường ĐH Duy Tân (gồm Nguyễn Văn Tiền, Trương Văn Bách, Châu Quang Huy, Vũ Đăng Biên) thực hiện đã được ban tổ chức đánh giá rất cao, có thể nghiên cứu, áp dụng cho việc xây dựng tại khu vực động đất Sông Tranh của Quảng Nam (VN).
Một tuần ròng rã, bốn chàng trai tự thiết kế, xây dựng mô hình ngôi nhà bảy tầng bằng giấy ép có trọng lượng 1kg. Tuy nhiên, không có máy móc và cũng không có động đất ở nước ta vào thời điểm đó để có các căn cứ, thông số làm nhà nên dự án của cả nhóm thất bại, Tiền cho biết.
Sau đó, Trường ĐH Duy Tân đã cho nhóm qua Singapore để thực nghiệm vì tại đây có máy tạo ra động đất với các dư chấn như thật. Tiền cùng các bạn mới vỡ lẽ: “Động đất không chỉ tác động theo phương giật ngang như sàng lúa mà còn tác động theo dạng xoắn”. Nắm được vấn đề, nhóm suy nghĩ và quyết định lấy kết cấu chịu lực của cây tre VN để áp dụng cho ngôi nhà chống động đất. “Cây tre dẻo dai, dù gió bão giật mạnh cũng không gãy. Vì thế tụi mình chọn kết cấu dạng mềm của cây tre để chống chọi với động đất” - Tiền cho hay.
Ngày nhóm sinh viên của VN cùng hơn 100 đội tuyển đang tham quan Trung tâm Quốc gia nghiên cứu về động đất Đài Loan thì tại khu vực Trà My (Quảng Nam) xảy ra động đất. Đại diện ban tổ chức đã nói với các đội thi: “Chúng tôi hi vọng từ cuộc thi này sẽ chọn ra những mô hình tốt nhất nhằm ứng phó với thảm họa động đất tại các nước”.
Dự kiến tới đây nhóm sinh viên này sẽ lên vùng động đất Bắc Trà My (Quảng Nam) để đi thực tế về ảnh hưởng của động đất đến nhà cửa của người dân. Theo Tiền, để mô hình nghiên cứu bước ra đời sống thực thì cần nghiên cứu thêm. Nhưng chắc chắn là các nguyên lý xây dựng có thể áp dụng cho cuộc sống của người dân vùng động đất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận