Bài dự thi Người con hiếu thảo - Mã số: 033
Lúc đó tôi chưa biết tên anh, chỉ nghe bọn trẻ trong xóm trêu đùa gọi là “ông Ba Bị”.
“Ông Ba Bị” ngày nào cũng đi ngang nhà tôi với một… cái bị đầy bí ẩn trên lưng. Một bên chân và tay có tật khiến anh không thể đi nhanh cũng như dễ dàng xoay trở vật nặng đang mang, có lẽ vì thế mà anh hay chọn bóng cây đối diện nhà tôi làm nơi nghỉ chân, dù ở đó anh thường bị đám trẻ vây quanh chọc phá.
Khác với vẻ ngoài hơi “ngầu”, bình thường anh rất hiền. Nhưng có một lần tôi tình cờ chứng kiến cơn giận dữ đáng sợ của anh khi đám trẻ mon men khám phá chiếc “túi càn khôn” (cách bọn trẻ gọi chiếc bị) mà anh luôn ôm chặt trong lòng cả khi ngồi nghỉ. Lần đó nếu không có người hàng xóm cạnh nhà tôi can ngăn chắc bọn trẻ đã bị nếm đòn, nhưng cũng nhờ đó tôi có dịp hiểu thêm về “ông Ba Bị” hiếu thảo này.
Anh tên thật là Nguyễn Văn Vinh (sinh năm 1959) nhưng mọi người hay gọi là “Quynh”, cũng không ai biết từ này được gọi trại ra từ tên thật hay do bàn tay bị tật của anh. Vinh là con duy nhất trong gia đình cha mất sớm còn mẹ già năm nay đã 78 tuổi đang bệnh nặng.
Dù bị thiểu năng trí tuệ từ nhỏ nhưng anh lại là người con rất mực hiếu thảo. Lòng hiếu thảo ấy những người xung quanh và đa số bà con tiểu thương ở chợ Tân Phú 2 đều biết. Do bệnh tật không thể lao động như những người bình thường nên cách kiếm sống và nuôi mẹ của Vinh là lân la mỗi ngày ở chợ. Ai cho gì anh nhận nấy: chút tiền lẻ hoặc ít rau củ, bánh trái buổi chợ trưa… Thỉnh thoảng có tí gì ngon anh gói ghém cẩn thận “để dành cho má!”. Đó cũng là lý do Vinh quý cái “túi càn khôn” đến vậy.
Lòng hiếu thảo của anh khiến nhiều người thương mến, nhưng cũng có những người vô tâm đem ra làm trò đùa rất lố. Tính anh vốn lành, bị chọc phá thế nào anh cũng nhẫn nhịn, nhưng nếu ai đó xúc phạm đến mẹ dù chỉ một lời anh cũng phản ứng rất dữ.
Lợi dụng điểm yếu này thỉnh thoảng họ lại tìm cách chọc anh nổi cơn tam bành để được dịp cười thỏa thích.
Thậm chí có lần họ còn phao tin là má anh... đã chết. Thế là anh vứt hết tất cả, vừa khóc vừa chạy trên đôi chân khập khiễng, miệng luôn gọi “má ơi”…
Với Vinh, má là tất cả, còn với người mẹ già gần 80 tuổi thì Vinh như đứa con nhỏ mới lên 5. Đi đâu về Vinh cũng sà xuống bên cạnh má kể đủ thứ chuyện, ai cho tiền anh cũng đưa má hết không giữ lại đồng nào.
Hôm rồi tôi đến chơi, trong căn nhà nhỏ trên đường Phú Thọ Hòa (quận Tân Phú), Vinh đang mải kể với má chuyện lò muối nào đó hứa cho anh mười ký gạo dịp rằm tháng 7 khiến anh quên cả chào khách, đến khi bà cụ nhắc anh liền quay sang tôi khoanh tay lễ phép “chào cô” như một đứa trẻ.
Má Vinh kể: "Cách đây mấy tháng trong lúc lên chùa thắp nhang cho linh vị của ba, Vinh đã đi lạc hơn hai mươi ngày. Thấy xe nào chạy ngang anh cũng quá giang về nhà, nhưng không hiểu tên đường Phú Thọ Hòa được anh “minh họa” thế nào mà người ta chở anh đến tận… Biên Hòa, rồi ngược lên Đức Hòa (Long An)… May sao gặp được một người trước kia buôn bán ở chợ Tân Phú có biết Vinh nên đã giúp đỡ đưa anh về. Khi về đến nhà trên tay anh còn nắm chặt một túi gạo khoảng 5 ký của nhà chùa cho (đã lưu lạc theo anh gần trọn tháng), hỏi anh sao không vứt đi cho nhẹ, anh lắc đầu cương quyết: “Phải đem về cho má”.
Cái gì cũng cho má! Chợt nghĩ không biết “đứa trẻ” hơn 50 tuổi này sẽ sống ra sao nếu mai đây không còn mẹ. Bởi hiện tại sức khỏe má anh rất kém, bác sĩ phát hiện một khối u ở phổi bà cách nay hơn sáu tháng nhưng không thể phẫu thuật vì tuổi cao, sức yếu…
Bản thân Vinh cũng đang mang trong mình căn bệnh tiểu đường, nhưng dường như anh không ý thức được về sức khỏe bản thân mà chỉ lo cho má.
Lòng hiếu thảo của một người thiểu năng trí tuệ như “ông Ba Bị” này tuy chỉ có thể thể hiện đơn sơ, mộc mạc nhưng đủ khiến những người bình thường phải mến phục và nhìn lại “chữ hiếu” của bản thân.
1. Chủ đề: viết về chân dung những người con có hiếu mà tác giả là người chứng kiến và biết rõ. Câu chuyện kể phải chứa đựng những giá trị nhân văn sâu sắc, cảm động về cách ứng xử, hành xử của người con với cha mẹ. 2. Đối tượng tham gia: tất cả bạn đọc trong và ngoài nước, không giới hạn độ tuổi, nghề nghiệp. 3. Thể lệ: - Bài viết bằng tiếng Việt, thể loại văn xuôi, tối đa 1.000 chữ, đánh máy rõ ràng trên một mặt giấy A4 hoặc gửi bằng thư điện tử, chưa từng được đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng. - Một tác giả có thể gửi tối đa ba tác phẩm dự thi. Dưới bút danh (nếu có) xin ghi rõ tên thật, địa chỉ và số điện thoại liên lạc. Mỗi bài viết cần kèm theo ít nhất một tấm ảnh của nhân vật và địa chỉ cụ thể nhân vật trong bài. - Bài viết gửi về báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận, TP.HCM), ngoài bì thư ghi rõ tham gia cuộc thi viết Người con hiếu thảo hoặc gửi email theo địa chỉ: toam@tuoitre.com.vn. 4. Giải thưởng: * Dành cho tác giả bài viết - 1 giải I: 10 triệu đồng - 1 giải II: 8 triệu đồng - 1 giải III: 5 triệu đồng - 5 giải khuyến khích: 3 triệu đồng * Dành cho nhân vật: - Nhân vật xúc động nhất do ban giám khảo bình chọn: 20 triệu đồng. - Nhân vật xúc động nhất do bạn đọc bình chọn: 20 triệu đồng. - Giải cho bạn đọc bình chọn đúng nhất nhân vật xúc động nhất do bạn đọc bình chọn: 3 triệu đồng. - Tác phẩm có nhân vật được bình chọn (nhân vật do ban giám khảo hoặc bạn đọc bình chọn) sẽ được trao thưởng thêm 1 triệu đồng. 5. Thời gian nhận bài dự thi: từ ngày 17-6 đến hết 20-9-2012. Dự kiến công bố kết quả vào cuối tháng 9-2012. Rất mong được bạn đọc hưởng ứng và tham dự cuộc thi. |
Phóng to |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận