02/08/2012 06:25 GMT+7

Một cách trải nghiệm Việt Nam

CÔNG NHẬT
CÔNG NHẬT

TT - Đoàn 30 sinh viên đến từ Học viện Hoàng gia London, Anh (Imperial College London - ICL) vừa có chuyến trải nghiệm hai tuần đầy thú vị tại Việt Nam.

07KNto0c.jpgPhóng to

Nhóm 4 căng thẳng giải mật mã để tìm đường đến địa điểm kế tiếp - Ảnh: Công Nhật

Không tìm đến những danh lam thắng cảnh và cũng không ở khách sạn, họ tự tìm hiểu Việt Nam theo một cách rất riêng...

Giải mật thư, tìm hiểu TP.HCM

7g30. “Bắc kim... à ồ thang, à... cà lang bí rợ...”, khu vực hồ Con Rùa (TP.HCM) sớm chủ nhật bỗng chộn rộn khi đây đó đồng loạt vang lên lời bài hát Bắc kim thang đầy ngọng nghịu.

“Chúng ta có năm nhóm, nhóm nào tập bài hát xong thì sẽ nhận mật thư trước” - Danh, một thành viên ban tổ chức (BTC), hô to bằng tiếng Anh.

7g41, nhóm bốn (gồm năm thành viên ICL và hai tình nguyện viên người Việt) đã giơ tay giành quyền “trình diễn” trước. Hát xong, nhận được cái gật đầu từ BTC, cả nhóm hét vang, cười toe.

Nhưng những nụ cười đó không kéo dài được lâu. Anh bạn David chau mày, vẻ mặt đầy căng thẳng với nhiệm vụ xoay cục rubik để tìm địa điểm kế tiếp. Trong lúc đó, Jonathan vừa cầm bút vừa cầm bản đồ, mắt liên tục dò tìm các tuyến xe buýt trên địa bàn TP. Các thành viên khác thì lướt phím thoăn thoắt trên điện thoại, dò tìm thông tin bằng Google và GPS.

7g55. Mật thư đã được hóa giải. Các tình nguyện viên cười khúc khích. Địa điểm thực chất chỉ cách đó vài phút đi bộ.

8g10. Công viên 30-4. “Hãy tìm cách để kiếm được 10.000 đồng từ người lạ”, thông báo mới từ BTC.

Làm sao đây? Nhóm bốn quyết định sẽ đi bán... khăn giấy. Không nói được tiếng Việt, Fiona và David phải dùng tiếng Anh thật chậm để giải thích cho một nhóm bạn trẻ đang ngồi cà phê bệt gần đó.

“Hát một bài tiếng Việt đi”, nghe mọi người yêu cầu, Fiona cười như mếu. Cô không hát lại được bài Bắc kim thang vì “tiếng Việt khó quá”. Cuối cùng, Jonathan phải trổ tài nhảy breakdance để “chữa cháy”.

Mồ hôi túa ra như tắm, Jonathan vẫn không giấu được nụ cười bẽn lẽn khi nhận được tờ 10.000 đồng từ “khách hàng” trong tiếng vỗ tay của mọi người.

8g31. Nhận được mật thư mới từ BTC, cả nhóm tiếp tục hí hoáy với bút, bản đồ và điện thoại. “Công viên. Góc đường Trương Định”, cả nhóm gom đồ chạy đi ngay khi mật thư được giải ra.

“Cà phê Highland có ngon bằng cà phê Việt?”, “Sao TP.HCM có nhiều xe máy thế?”... vừa đi dọc theo con đường Nguyễn Du, cả nhóm vừa tranh thủ tìm hiểu TP.HCM.

10g30, ở Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, hầu hết thành viên các nhóm đều bị rộp da do thời tiết ở TP.HCM quá nóng so với London. Dẫu vậy sự hăng hái đi tìm giải mật thư của các nhóm đều chưa có dấu hiệu giảm nhiệt...

“Sẽ rất khó quên!”

Đó là khẳng định của cô bạn Holly Wilson (sinh năm 1992, ngành sinh học) về thời gian hoạt động hè tại VN theo chương trình do ICL phối hợp cùng nhóm tình nguyện Frogsleap (thuộc Hội Du học sinh Việt ở Anh) tổ chức.

Trước khi đến TP.HCM, cả đoàn đã đi dạy học, trao tặng máy tính và lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời ở Trà Vinh. “Holly cũng như nhiều thành viên khác trong đoàn đã phải đi làm thêm và dành dụm tiền từ lâu để có thể tham gia chuyến đi này”, Lê Quang Huy (chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại ICL) nói.

Holly thật thà chia sẻ: “Khoảng thời gian đầu sống trong điều kiện thiếu điện, nước, điều kiện vệ sinh kém khiến chúng tôi sốc nặng”. Còn với Benjamin Edward (sinh năm 1992, sinh viên y khoa) thì việc chứng kiến người dân ở cù lao Cồn Hô trước giờ sống không có điện là “khó thể tin nổi”.

Benjamin cũng không giấu được vẻ bất ngờ khi thấy sự chịu khó, lạc quan của người dân ở Cồn Hô. “Khi tiếp xúc với người Việt, tôi thấy họ luôn mỉm cười trong mọi hoàn cảnh”, Manuel David (sinh năm 1991, ngành kỹ sư công) nói. Đối với Holly, việc chứng kiến sự vượt khó của người dân Trà Vinh khiến cô bạn băn khoăn về cuộc sống quá tiện nghi của mình ở London. Benjamin cũng khẳng định qua chuyến đi ở Việt Nam, bạn sẽ phải nhìn lại việc bản thân đã có và đòi hỏi quá nhiều thứ không cần thiết trong cuộc sống.

Đón “khách Tây” về ở chung

Thông qua các chương trình đưa sinh viên nước ngoài đến Việt Nam tình nguyện, học tập, nhiều sinh viên tại TP.HCM đã mạnh dạn đăng ký đón các bạn nước ngoài này về ở chung.

Suốt một tháng nay, căn phòng trọ của Đinh Thị Hồng Hảo (SV năm 3 ĐH Kinh tế - luật ĐH Quốc gia TP.HCM) rộn ràng hơn khi cô sinh viên Czech đến ở chung. Hảo tình cờ biết đến chương trình Homestay (du lịch ở nhà dân) của Tổ chức Access từ một người bạn, thấy thú vị nên đã đăng ký tham gia. “Ngoài việc chia sẻ thông tin, văn hóa Việt Nam cho bạn, mình còn học được cách sống, làm việc, cách thích ứng môi trường từ bạn. Cũng nhờ bạn, tiếng Anh của mình cải thiện hơn rất nhiều”.

Còn Phạm Thanh Quang (SV năm 3 ĐH Ngân hàng TP.HCM) thấy rất vui khi hơn một tháng qua có thêm người bạn Hong Kong đến ở nhà mình. “Từ khi có Ron, bữa ăn trong gia đình vui hơn, cả nhà chia sẻ về các nét văn hóa độc đáo của VN. Mình còn chỉ Ron cách ăn bằng đũa và nấu vài món ăn Việt đơn giản”, Quang cho biết.

Duy Minh (ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) và nhóm bạn đang ở trọ trên đường Đinh Tiên Hoàng (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) lại thay phiên nhau dẫn những người bạn quốc tế đi chơi, tham quan, đi chợ...

Chúng tôi không ngăn nổi xúc động...

“Lần chúng tôi làm việc tại một trường tiểu học ở Trà Vinh, một chủ quán tạp hóa gần đó luôn đợi chúng tôi làm xong công việc để mời vào nhà uống nước. Ông nói ông là Út Nghé và chúng tôi cũng nói tên mình cho ông biết. Từ đó, mỗi lần thấy chúng tôi ngoài đường là ông lại í ới vẫy tay và gọi tên từng đứa thật to, rõ. Chỉ vậy thôi mà chúng tôi thấy cảm động ghê gớm...”.

“Lần cuối cùng quay trở lại Cồn Hô, tôi không ngăn nổi sự xúc động khi thấy cù lao đã sáng đèn nhờ hệ thống điện năng lượng mặt trời mà cả nhóm lắp đặt. Chúng tôi và trẻ em, người lớn trên cù lao đã quây quần, hát hò cùng nhau dưới cơn mưa không dứt...” .

CÔNG NHẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên