10/05/2012 06:49 GMT+7

Đa sắc thái Robocon 2012

PHƯỚC TUẦN
PHƯỚC TUẦN

TT - Bước sang tuổi 11, sân chơi Robocon vẫn còn đó sự háo hức, hấp dẫn, gay cấn trong mỗi trận thi đấu...Cơn sốt Robocon đã lan nhanh khắp các trường ĐH-CĐ và TCCN trên toàn quốc.

1dXhTOPh.jpgPhóng to

Nữ sinh viên Tuyết Hải (ĐH Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên) cùng các thành viên đội SPH PIC kiểm tra robot lần cuối trước khi thi đấu - Ảnh: PHƯỚC TUẦN

Nhiều sắc thái thú vị đã xuất hiện ở Robocon 2012: sân chơi Robocon không còn là độc quyền của các chàng trai, những robot làm từ phế liệu đã góp mặt một cách đầy tự hào tại vòng chung kết Robocon năm nay...

Làm robot từ... phế liệu

Năm nay số lượng đội và trường đăng ký tham gia Robocon tăng lên đáng kể. Nhiều đại diện khu vực miền Trung và miền Bắc mang đến vòng chung kết những chú robot được làm từ các vật dụng tái chế gây ấn tượng mạnh cho các đối thủ. Xuất quân thi đấu đêm đầu tiên, đội Robocon ATR (ĐH Công nghiệp Hà Nội) trình làng ba chú robot được làm bằng những tấm gỗ tận dụng từ bàn xếp sinh viên, bánh xe được cắt ra từ lốp xe đạp hỏng, xích xe máy cũ từ các tiệm sửa xe...

Hãy biến Robocon là một khóa học công nghệ

Theo GS.TSKH Nguyễn Thiện Phúc - chủ tịch Hội Khoa học công nghệ robot VN, dù sân chơi Robocon đã bước sang tuổi 11 nhưng sự hấp dẫn của nó vẫn luôn được thể hiện qua các trận thi đấu. Đó là sự chuẩn bị, đầu tư và tổ chức rất tốt của các trường, giúp sinh viên chủ động hơn khi tiếp cận sân chơi trí tuệ này. Các trường nên biến sân chơi Robocon như một khóa học công nghệ kỹ thuật, là khóa đào tạo giúp sinh viên có nhiều cơ hội cọ xát thực tế, thực hành sáng tạo robot và tiếp cận sâu ngành kỹ thuật công nghiệp tự động.

Bạn Khương Mạnh Hà, thành viên đội ATR, cho biết: “Tham gia sân chơi Robocon là cơ hội giúp mình rèn thêm nhiều kỹ năng thực hành kỹ thuật công nghệ tự động, kỹ năng làm việc nhóm. Kinh phí làm robot chủ yếu do tụi mình đóng góp nên mọi bo mạch, chip điện tử, động cơ, nhôm... đều mua tại chợ trời Phố Huế. Như thế không chỉ giúp đội tiết kiệm được kinh phí mà còn giúp các thành viên tập thói quen sáng tạo thêm cho robot hoàn thiện”.

Những cô gái mê robot

Cứ tưởng những công việc nặng nhọc, vất vả, phải ăn ngủ trong xưởng chế tạo robot chỉ dành cho các chàng trai, nhưng vài mùa Robocon gần đây những bóng hồng của hai trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên và ĐH Lạc Hồng đã xuất hiện ngày càng nhiều hơn.

Không trực tiếp ra sân thi đấu nhưng nhiệm vụ của Trần Thị Tuyết Hải, thành viên đội SPH PIC (ĐH Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên), lại rất quan trọng. Trong đêm thi thứ nhất, cô gái nhỏ nhắn này luôn cặm cụi, liên tục điều chỉnh lệnh di chuyển của robot sau mỗi trận thi đấu. Năm thứ hai tham gia vòng chung kết cuộc thi Robocon, Hải đã quá quen cảnh thức khuya dậy sớm điều chỉnh robot khi gần đến ngày thi đấu, rồi sự căng thẳng tột cùng khi phải điều chỉnh robot ngay trên sân thi đấu.

Đam mê Robocon từ thời THPT, ngay từ những năm đầu vào ĐH, Hải đã xin đi theo các anh chị để học việc. Với đam mê công nghệ, từ năm 3 Hải đã cùng đội Robocon của mình vào vòng chung kết tại Đà Nẵng, và năm nay Hải vẫn tiếp tục góp sức cùng đội nhà có mặt tại TP.HCM. “Dù robot đã lập trình sẵn, nhưng khi thi đấu rất nhiều yếu tố tác động đến kết quả như sân thi đấu, màu sắc, các sóng điện từ, sự va chạm... nên mình phải thường xuyên quan sát kỹ để có sự điều chỉnh lệnh di chuyển kịp thời. Có khó khăn, vất vả mình mới trưởng thành hơn chứ”, Hải cười.

Còn với Nguyễn Ngọc Mai Thanh Mỹ, thành viên nữ của đội LH ZO2T (ĐH Lạc Hồng), tham gia Robocon cũng là một trải nghiệm khó quên với cô sinh viên năm 3 khoa điện tử - viễn thông này. Với Mỹ, khó khăn lớn nhất khi con gái tham gia Robocon là phải thức khuya, cặm cụi trong xưởng cơ khí để làm robot, khuân vác những chú robot khá nặng. “Dù vất vả nhưng mình đã học được rất nhiều thứ từ Robocon. Đó là kiến thức được vận dụng vào thực tế, tinh thần đoàn kết, hỗ trợ cùng nhau khi làm việc nhóm”.

PHƯỚC TUẦN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên