Kỳ 1: Bơ vơ kiếm từng đồng tiền
Phóng to |
Kiến thức về sức khỏe sinh sản tình dục của công nhân hiện còn nhiều hạn chế. Trong ảnh: bà Nguyễn Thị Lệ (trái), giám đốc phòng khám Marie Stopes Bình Dương, hướng dẫn, tư vấn cho nữ công nhân cách dùng thuốc tránh thai - Ảnh: BÌNH THANH |
Sau những cuộc tình đó, nhiều nữ công nhân chấp nhận nuôi con một mình hoặc phải nạo phá thai khi người yêu chia tay. Có nữ công nhân có tới sáu lần phá thai, nhiều người mắc bệnh qua đường tình dục.
Một mình nuôi con
Học xong lớp 12, Liễu (quê Hưng Nguyên, Nghệ An) vào TP.HCM làm cho Công ty Freetrend - Khu chế xuất Linh Trung I (Q.Thủ Đức). Cũng như nhiều bạn bè, Liễu cứ sáng đi tối về. Rồi có vài chàng trai ghé thăm... Một năm sau, Liễu yêu một anh công nhân cùng dãy trọ. Sau giờ làm họ thường gần gũi nhau, bất cứ lúc nào. Vì thu nhập thấp, họ ít khi vi vu bên ngoài như những cặp đôi công nhân khác.
Và Liễu mang thai. Cái thai không mong đợi làm Liễu lo lắng. Rồi cô công nhân trẻ bàng hoàng, khóc hết nước mắt khi lúc này chàng trai dứt áo ra đi. Đó là những tháng ngày khó khăn đến vật vã của cô gái trẻ. Bạn bè khuyên Liễu bỏ cái thai rồi làm lại từ đầu nhưng Liễu quyết định chờ ngày sinh nở. Nhọc nhằn mang bụng bầu đi làm, đến tháng gần sinh Liễu về quê để được mẹ chăm sóc. Con được hơn 1 tuổi, Liễu gửi con cho bà ngoại nuôi, một mình vào lại Sài Gòn làm công nhân, dành dụm tiền gửi về nuôi con.
Ba tháng quan hệ tình dục với 15 nữ công nhân Một điều rất dễ thấy ở khu vực thị xã Dĩ An, Bình Dương là nơi đây có rất nhiều phòng khám tư nhân. Tại phòng khám sản phụ khoa - kế hoạch hóa gia đình Marie Stopes International (khu phố Thống Nhất, thị xã Dĩ An, Bình Dương), trung bình có hơn 1.000 lượt người tới khám/tháng. Bà Nguyễn Thị Lệ, giám đốc phòng khám, cho biết: “Gần 90% người tới khám là đối tượng nữ công nhân, chủ yếu khám bệnh phụ khoa và một số bệnh lây truyền qua đường tình dục. Ngoài ra, nhu cầu phá bỏ thai cũng khá cao”. Bà Lệ cho biết có trường hợp nữ công nhân bỏ thai tới... sáu lần. Chuyện quan hệ với nhiều bạn tình cùng thời điểm cũng không phải hiếm trong đời sống tình dục công nhân. “Trong một cuộc điều tra kín về mức độ quan hệ tình dục, có nam công nhân thừa nhận từng quan hệ với 15 nữ công nhân cùng nhà máy trong thời gian ba tháng” - bà Lệ cho biết và chính bà cũng ngỡ ngàng trước trường hợp này. |
Ở khắp các khu công nghiệp lớn nhỏ, ở các khu xóm trọ công nhân, những cảnh đời mẹ công nhân đơn độc nuôi con không còn là hiếm.
Yêu người đồng giới
Sự mất cân đối giới tính trong công nhân còn đưa đến một hệ lụy khác mà các chuyên gia về xã hội học đã lên tiếng cảnh báo: lệch lạc giới tính, yêu người đồng giới.
Có thời gian làm việc trực tiếp và nhiều năm với công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất về vấn đề sức khỏe sinh sản tình dục, bà Phạm Thị Ngoan (điều phối viên khu vực phía Nam Tổ chức kế hoạch hóa gia đình và chăm sóc sức khỏe sinh sản Marie Stopes International VN) chia sẻ câu chuyện dở khóc dở cười của cặp đôi đồng tính nữ tại một công ty trong lĩnh vực may mặc ở Khu công nghiệp Sóng Thần (Dĩ An, Bình Dương).
Là đồng nghiệp nữ làm việc chung trong xưởng may, P. theo đuổi M. - một cô gái dễ thương yếu đuối. Và chỉ sau một thời gian ngắn, được P. chiều chuộng, nào đưa đón, nấu nướng, giặt giũ... M. chấp nhận yêu P., bỏ ngoài tai mọi lời xì xào bàn tán của bạn bè đồng nghiệp. Chia sẻ về mối tình này, M. không thể lý giải vì sao cô dễ xiêu lòng trước người cùng giới trong khi là một cô gái với tâm sinh lý bình thường, đã từng yêu. “Tan giờ làm, ít chỗ vui chơi nên tôi quanh quẩn ở phòng trọ, chẳng mấy khi giao du, gặp gỡ người khác phái. Vậy nên khi được chăm sóc tận tình, tôi cảm động rồi rung động và... yêu lúc nào không hay”, M. bày tỏ với bà Ngoan về mối tình ngang trái của mình. Chuyện yêu nam giới với M. giờ thật khó, vì cô còn cảm thấy... ghen khi P. có dấu hiệu để ý tới ai đó.
Cùng chung hoàn cảnh là cặp đôi M.Hà và V.Diệp, công nhân một công ty dệt may tại Q.Tân Phú (TP.HCM). Ở chung phòng trọ, sinh hoạt gần như khép kín, Hà và Diệp kè kè bên nhau cả ngày không rời nửa bước. Trước đây Diệp cũng có bạn bè nhưng từ ngày “yêu” Hà, cô gái này bị “cấm vận” mọi mối quan hệ. “Không ai theo đuổi, lại được người cùng giới yêu thương, chiều chuộng hết mức nên tôi coi đó là tình yêu” - Diệp bày tỏ. Dù vậy, Diệp cho biết sự quan tâm từ “người yêu” quá mức khắt khe khiến bây giờ cô không còn coi đó là niềm vui mà trở thành nỗi sợ hãi.
“Dễ nảy sinh hiện tượng đồng tính” Ông Lê Văn Thành, trưởng ban văn hóa - xã hội Viện Nghiên cứu và phát triển TP.HCM, nhìn nhận: có hiện tượng đáng lo ngại là đồng tính thứ sinh trong nữ công nhân. “Trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, do tỉ lệ lao động nữ tuổi từ 18-25 chiếm đến hơn 60% số công nhân (chưa kể nữ ngoài độ tuổi này) nên dễ nảy sinh hiện tượng đồng tính thứ sinh nếu các bạn không chú ý đề phòng. Tác hại của quan hệ đồng tính ngoài việc dẫn đến tâm lý không thích người khác giới, hạn chế quan hệ hôn nhân, sau này còn có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe sinh sản”. Ông Thành cũng cho rằng ở các nước phát triển, người ta hạn chế chuyện chung đụng nữ - nữ hơn cả chung đụng nam - nữ, bởi đồng tính thứ sinh là trạng thái tâm lý nhất thời, sau này gặp được đối tượng khác giới phù hợp sẽ tự nhiên biến mất nhưng để lại nhiều đổ vỡ và mặc cảm. Trong khi đó, để hạn chế tối đa quan hệ nam - nữ, văn hóa và giáo dục VN lại khuyến khích theo chiều ngược lại. “Chính vì vậy, đa số công nhân nữ trong mối quan hệ thân mật với bạn cùng giới thường không chú ý điểm dừng, điều này trong xã hội học rất nguy hiểm” - ông nhìn nhận. |
______________
Kỳ tới: Với tay hạnh phúc
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận