20/04/2012 06:33 GMT+7

Công nhân "khát" sân chơi

GIA PHONG - TRẦN HƯNG - NG.NAM
GIA PHONG - TRẦN HƯNG - NG.NAM

TT - Nhiều sân chơi văn hóa, thể thao dành cho công nhân không thu hút công nhân vào sinh hoạt vì nội dung hoạt động nghèo nàn. Một số điểm thu phí khá cao khiến công nhân đứng ngoài rìa sân chơi của mình.

GUZRgvod.jpgPhóng to
Công nhân Khu chế xuất Tân Thuận đá bóng tại một bãi đất trống gần Trung tâm Sinh hoạt công nhân viên Khu chế xuất Tân Thuận - ẢNH: TRẦN HƯNG

Trước thực trạng trên, nhiều điểm sinh hoạt công nhân tại Hà Nội và TP.HCM đã chuyển sang mục đích hoạt động khác như cho thuê mặt bằng, kinh doanh...

Công nhân chê sân chơi

Hơn 60% công nhân lao động không xem truyền hình, 85% không đọc sách báo, 80% không tập thể dục, 65% không tham gia các hoạt động văn hóa. Đó là thống kê mới nhất của Liên đoàn Lao động TP Hà Nội qua điều tra tại 45 doanh nghiệp trên địa bàn. Nguyên nhân được đưa ra là do thiếu những điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao dành cho công nhân. Nhưng nghịch lý là TP Hà Nội đã xây dựng thí điểm bốn điểm sinh hoạt văn hóa công nhân năm 2011 nhưng công nhân không mặn mà vào chơi.

17g, công nhân Khu công nghiệp Bắc Thăng Long tan ca đông nghịt nhưng ít có ai ghé vào điểm sinh hoạt văn hóa trong khu công nghiệp. Điểm sinh hoạt rộng gần 200m2 này vắng hoe, chỉ có hai bảo vệ đang chơi bóng bàn phía trong.

Một nửa diện tích của điểm sinh hoạt trên đã được cho các công ty thuê làm phòng họp, hội nghị. Nửa còn lại kê hai bàn bóng bàn, một kệ sách nhỏ với những đầu sách chủ yếu là luật lao động, lịch sử công đoàn. Báo chí thì có vài tờ báo cũ từ cuối năm 2011. Hai máy tập thể dục đa năng được kê phía trong cùng đã phủ bụi lâu ngày.

Theo ban quản lý Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, hiện có 35.000 công nhân đang làm việc tại khu công nghiệp nhưng chỉ có 20 người nộp đơn xin đăng ký sinh hoạt tại điểm sinh hoạt văn hóa. Ông Nguyễn Văn Quản, thành viên ban quản lý điểm sinh hoạt văn hóa công nhân (thuộc Công ty TNHH một thành viên Quản lý và phát triển nhà Hà Nội), cho biết những ngày đầu mới thành lập sân chơi này có hàng ngàn lượt công nhân tìm đến chơi, nhưng về sau càng thưa dần và hiện tại mỗi ngày chỉ đón 10-15 người đến đọc báo là chính.

“Trong đó chỉ có mấy cuốn sách, vài tờ báo với một hai máy tập thể dục. Vào chẳng biết xem gì, chơi gì. Thà ra ngoài hóng mát còn hơn” - Trần Minh Anh, công nhân Công ty Panasonic - cho hay. “Sang nhất ở đây là hai máy tính nối mạng. Thỉnh thoảng muốn vào mạng đọc tin tức nhưng chờ mãi mạng không có” - Nguyễn Đình Hòa, công nhân Công ty Canon, phàn nàn. Còn Trần Hoàng Anh, công nhân Công ty Denso, cho biết điểm sinh hoạt chỉ mở cửa từ 16g30-21g30 hằng ngày, anh em lại đi làm ca tối nên không vào được.

Chơi bên ngoài sân chơi của mình

Tại TP.HCM, nhiều trung tâm sinh hoạt công nhân, khu hoạt động thể thao công nhân được xây dựng tại các khu chế xuất - khu công nghiệp nhưng lại không thu hút đối tượng chính là công nhân đến sinh hoạt thường xuyên.

Trung tâm Sinh hoạt công nhân viên Khu chế xuất Tân Thuận (Q.7) được xây dựng khang trang gồm một dãy nhà hai tầng và khu thể thao liền kề. Khu thể thao này có một hồ bơi, một sân quần vợt và hai sân bóng đá mini. Có mặt nhiều ngày liền tại hồ bơi trung tâm này, chúng tôi nhận thấy chỉ vài công nhân tìm đến đây, còn lại là học sinh, sinh viên và đối tượng khác. Giá vé hồ bơi ở đây được bán với giá 15.000 đồng (gồm cả đồ bơi).

Chị Nguyễn Thị Loan, công nhân Công ty TNHH Dệt GN Vina, tâm sự: “Một bữa ăn tụi mình đi chợ chỉ hết khoảng 30.000 đồng là đủ cho ba người ăn. Nhiều hôm bọn mình còn nhịn cả ăn sáng hoặc ăn gói xôi 4.000 đồng lót dạ. Trong khi đi bơi phải trả từng ấy tiền, còn chưa tính tiền gửi xe mất 2.000 đồng. Làm gì tụi mình dám “xài sang” như vậy được”.

Hai sân bóng mini tại trung tâm này được cho thuê với giá 200.000- 250.000 đồng/giờ lúc nào cũng đông sinh viên đến chơi. Còn chỗ chơi thể thao thường xuyên của công nhân làm việc trong Khu chế xuất Tân Thuận là những bãi đất trống cạnh khu chế xuất. Sau giờ tan ca, nhiều nhóm công nhân chia nhau các bãi đất trống, lề đường vắng người qua lại để chơi đá bóng, đá cầu, cầu lông...

Anh Tài (quê Quỳnh Lưu, Nghệ An), công nhân ở đây, cho biết: “Làm gì có nhiều tiền để thuê sân bóng chơi mỗi ngày được, nên chiều nào mấy anh em cùng dãy trọ cũng kéo nhau ra bãi đất trống này đá cho khỏe người”.

Tại Khu chế xuất Linh Trung 1 (Q.Thủ Đức) có khu hoạt động thể thao với hồ bơi, hai sân quần vợt và một sân bóng chuyền nhỏ. Nhưng sau những giờ tan ca, số công nhân đến đây vui chơi chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay.

Nữ công nhân Nguyễn Thị Toàn (quê Thanh Hóa) tính toán suất đi bơi ở đây gần bằng bữa ăn của một gia đình, nên các gia đình công nhân lâu lâu mới đi được một lần. Còn anh Lê Ngọc Linh, công nhân Công ty Nissei, cho biết: “Muốn chơi bóng chuyền ở sân buổi tối sau khi đi làm về phải thuê 60.000 đồng/giờ. Tụi mình thường rủ đông người vào chơi để chia tiền ra cho nhẹ”.

Nhìn sang sân quần vợt kế bên, anh Linh nói: “Sân đó buổi tối cho thuê với giá 90.000 đồng/giờ. Nhưng chỉ có các chủ doanh nghiệp hoặc những người có tiền mới chơi nổi thôi, chứ công nhân tụi mình làm gì có tiền mà chơi loại đó”.

GIA PHONG - TRẦN HƯNG - NG.NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên