14/04/2012 17:23 GMT+7

"Mở đường" tự lập cho con

HOÀNG THANH
HOÀNG THANH

TTO - Con đi chơi xa cùng bạn bè, con ở nhà một mình… những lúc “thả” con như vậy không ít ba mẹ lo sợ “thiên thần nhỏ” dù đã lớn nhưng chưa thể tự chăm sóc, tự bảo vệ bản thân.

Trong buổi chuyên đề “Bạn có muốn con tự lập không?” vào sáng nay 14-4 tại Nhà Thiếu nhi Q.1, TP.HCM, các phụ huynh đã cùng chuyên viên tư vấn tâm lý Võ Thị Minh Huệ tìm hướng xây dựng tính tự lập cho con cái.

lDcu9lvu.jpgPhóng to

Chuyên viên tư vấn tâm lý Võ Thị Minh Huệ trao đổi với phụ huynh về việc cùng con tự lập - Ảnh: Hoàng Thanh

Chừng nào con mới tự lập?

Ai cũng muốn con mình tự lập, nhưng từ ý muốn cho đến hành động thì khoảng cách dường như khá xa đối với ba mẹ. Bởi nhiều việc xoay quanh vấn đề tự lập của con vây lấy ba mẹ không khác gì ma trận.

M.Đ. (lớp 9, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) mỗi khi đi học về là chạy vù vào phòng chơi game. Mỗi khi M.Đ. thay đồ thì y như rằng quần áo nằm ngay dưới chân. Cả khi đến giờ cơm, người giúp việc đem thức ăn đến tận nơi và phải ép M.Đ. ăn. Cả nhà lo lắng không biết đến bao giờ M.Đ. mới có thể tự lo cho mình!

Còn anh N.T.H. (Q.8, TP.HCM) thì chưa dám để đứa con trai học lớp 8 tự đạp xe đi học. Ngoài việc lo chuyện đi đứng, xe cộ đông đúc thì anh không thể nào an tâm vì mỗi khi con tự đạp xe đi học thêm là con lại trốn học đi chơi. Anh lo lắng: "Mình đâu thể suốt đời đưa đón con, làm sao để con tự giác đây?".

Dạy con tự phục vụ bản thân

Chuyên viên tư vấn tâm lý Võ Thị Minh Huệ chia sẻ: “Để con tự lập từ ở nhà, ra đường cho đến lớp đòi hỏi ba mẹ hợp tác nhiều lắm. Không phải hét to “con tự lập đi” là con bạn tự lập ngay. Như việc em M.Đ. không thèm dẹp gọn quần áo vừa thay ra vì trong đầu em nghĩ đã có người dọn cho mình thì làm chi cho mệt?”.

"Để dạy con tính tự lập, cha mẹ nên có những hướng dẫn, gợi mở về những việc cụ thể cho con từ việc đơn giản như rửa bát, phơi quần áo, sắp xếp đồ đạc… đến tặng quà, tiếp khách... Từng bước nhỏ như thế thì con trẻ mới thật vững vàng tự lập" - chuyên viên tư vấn tâm lý Võ Thị Minh Huệ.

Một trong những cách giúp con tự lập là giao việc cho con. Khi giao việc, ba mẹ cũng giao một cách cụ thể, quy định thời gian hoàn thành (tránh trường hợp con lánh việc). Ba mẹ kiên quyết không làm thay việc cho con vì như vậy sẽ phản tác dụng.

Hầu hết phụ huynh ít khi nào an tâm để con tự quyết định vì ba mẹ có thể dự đoán được những việc không hay nếu con làm. Nhưng đôi khi suy nghĩ của phụ huynh lại “chạy” không kịp suy nghĩ của con cái. Vì vậy, việc giao quyền quyết định cho con cũng là cách hướng con đến con đường tự lập. Tuy nhiên, không phải giao quyền là để mặc con làm gì thì làm. Ba mẹ nên song hành cùng con để biết khi nào con “lệch đường ray” thì chỉnh cho con vào đúng hướng.

Anh N.T.H. nhờ song hành cùng con nên kịp thời biết rằng con trốn học khi tự chạy xe đi học thêm. Chị Minh Huệ gợi ý: “Trẻ rất thích tìm cảm giác lạ nên đôi khi làm những việc không vừa ý với người lớn. Thay vì la rầy, ba mẹ nên khơi gợi cho con tìm được cảm hứng với công việc và học tập”.

Các bậc phụ huynh cũng đồng thuận rằng cha mẹ không nên quyết định thay con vì như thế con trẻ rất dễ bị phụ thuộc. Trong cuộc sống sẽ có lúc con phải ở nhà một mình, đi cắm trại cùng bạn bè, du học... và chắc chắn không bố mẹ nào muốn thấy cảnh con mình khổ sở khi không thể tự phục vụ bản thân.

Dịp này, cuốn sách Con muốn tự lập (tác giả Võ Thị Minh Huệ, Nhà xuất bản Tổng Hợp TP.HCM) được ra mắt. Nội dung cuốn sách xoay quanh kỹ năng sống dành cho trẻ như: quản lý thời gian, chọn sách, gửi email, ở nhà một mình, thăm người bệnh…

HOÀNG THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên