Phóng to |
Với họ, những nông dân nghèo này, con cái được đi học là niềm hạnh phúc vô bờ bến. Có người đã bán cả máu để con đi học, nhiều người không chút do dự khi bán hết đất đai cho con được đến trường.
Bán 3 công đất cho con đến giảng đường
Trao vốn cho 120 hộ dân Ngày 7-4, tại Bến Tre, báo Tuổi Trẻ cùng Công ty cổ phần GreenFeed Việt Nam sẽ trao vốn cho 120 hộ nông dân hai tỉnh Bến Tre và Trà Vinh. Mỗi hộ sẽ nhận được vốn vay không lãi suất trong hai năm là 12 triệu đồng tiền mặt và thức ăn chăn nuôi (trị giá 2 triệu đồng), được tư vấn kỹ thuật chăn nuôi miễn phí trong hai năm. Ngoài ra, mỗi gia đình có con em học giỏi sẽ được nhận một phần thưởng 500.000 đồng. Lễ trao vốn sẽ được truyền hình trực tiếp trên Đài truyền hình Bến Tre và Trà Vinh. |
Dọc đường, ông Đức nói rất nhiều về hoàn cảnh gia đình và sự chí thú làm ăn của anh Hớn. Ông kể: “Anh Hớn là nông dân giỏi chính hiệu. Nuôi heo, gà vịt hay làm ruộng đều hiệu quả. Tuy nhiên, mới đây anh đã bán hết 3 công ruộng của mình để có tiền cho con học ĐH. Đứa con gái lớn đang học năm 3 ĐH Kiến trúc TP.HCM, đứa út đang học ĐH Trà Vinh năm 1. Cả xóm đều nể hai vợ chồng này”.
Đang cho heo ăn, anh Hớn cười tươi rói: “Đàn heo này sẽ nuôi hai đứa con học ĐH đó. Con heo nái vừa rồi đẻ được mười heo con, định bán để con đóng học phí ĐH Trà Vinh, nhưng nghe thông báo được trao vốn 12 triệu đồng nên để lại nuôi. Kỳ này được làm ăn lớn rồi”.
Hỏi vì sao bán hết ruộng, anh Hớn kể: “Tiền lãi từ làm ruộng mỗi năm chỉ vài ba triệu đồng, không đủ cho con đóng học phí ĐH Kiến trúc. Rồi đứa út mới đậu ĐH Trà Vinh nữa, thấy đuối quá nên phải bán”. Anh Hớn còn kể khi đứa con trai út đậu ĐH, vợ chồng anh thấy không lo nổi nên đề nghị con tạm ngưng học, sau này có điều kiện học tiếp. Thằng nhỏ buồn khóc suốt cả ngày. Thấy vậy, vợ chồng anh bảo sẽ cố gắng lo cho con vào giảng đường ĐH.
Bán đất, anh Hớn bắt heo con về nuôi. Vợ anh theo con út lên TP Trà Vinh thuê phòng trọ rồi ngày ngày đi cắt tóc, làm móng dạo kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống. Anh Hớn chỉ mấy chục tờ giấy khen của con dán đầy trên tường, nói: “Mình nghèo mà nuôi con ăn học giỏi thế này thì còn gì bằng phải không? Con bé học ĐH Kiến trúc hát hay, vẽ đẹp, học giỏi. Còn thằng út rất có hiếu. Bây giờ ráng làm để lo cho tụi nhỏ. Vài năm nữa hai đứa nó ra trường, đi làm thì hai vợ chồng tôi có điều kiện làm lụng mua lại đất”.
Không đất cũng chẳng hề gì
Hoàn cảnh gia đình anh Đỗ Thành Cuộc và chị Hồ Thị Bé Oanh ở xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm (Bến Tre) thì gian nan hơn, không có tấc đất sản xuất, được công nhận là hộ nghèo ở địa phương. Gần đây chị Oanh lại bị bệnh viêm dạ dày mãn tính phải nằm Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị dài hạn. Anh Cuộc vừa chăm sóc con, vừa đi phụ hồ kiếm sống và lo thuốc men cho vợ. Mục tiêu của anh là mỗi ngày phải có việc để làm chứ không thể thất nghiệp ở nhà. Nhờ tính tình hiền lành, chịu khó nên bà con chòm xóm thương mến, thường gọi làm giúp công việc ruộng vườn. Những lúc vợ anh tái phát bệnh, hàng xóm còn giúp ít tiền đi bệnh viện.
Dù hoàn cảnh như vậy nhưng anh Cuộc vẫn quyết tâm cho ba đứa con ăn học. Anh bảo niềm vui lớn nhất là mỗi sáng nhìn ba con Đỗ Thành Huy (11 tuổi), Đỗ Thị Thanh Trúc (8 tuổi) và Đỗ Thành Tri (5 tuổi) dắt nhau đến trường. “Nhìn tụi nó lạc quan, ham học, thương yêu nhau là tui vui lắm. Làm cha mẹ sao bắt con nghỉ học cho được” - anh Cuộc tâm sự.
Bé Huy là anh lớn, sau giờ học đã biết nấu cơm, chăm sóc và dạy em học bài. Nhờ vậy mà anh Cuộc an tâm đi khắp xóm làm thuê mỗi ngày. Những hôm mưa dầm không ai thuê, anh cởi trần lao xuống mương móc đất bồi thêm cho vườn dừa hoặc làm cỏ vườn.
Hỏi ước mơ của mình sau này, bé Huy nói: “Con muốn học giỏi để làm bác sĩ chữa bệnh cho mẹ con. Mẹ nằm bệnh viện hoài, con nhớ mẹ quá!”. Nói đến đây bé Huy nhìn ra cửa như ngóng chờ mẹ...
Anh Cuộc bày tỏ: “Vợ chồng tui ít học nên mới nghèo thế này. Còn sức khỏe, tui sẽ ráng làm cho ba đứa nhỏ ăn học đàng hoàng để sau này không khổ như cha mẹ chúng. Thằng Huy học giỏi lắm, nó muốn làm bác sĩ. Làm bác sĩ không phải chỉ chữa bệnh cho mẹ mà còn chữa bệnh cho nhiều người nữa. Tui mong tới ngày đó lắm...”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận