30/01/2012 06:34 GMT+7

Thưa thầy, em đã thuộc!

(Danh ngôn)
(Danh ngôn)

TT - Thời gian qua đi, có những thứ bị rơi vào quên lãng, có những thứ đổi thay... Tôi và các bạn phòng G401 niên khóa 1999-2002 giờ đã là cô giáo, còn thầy tôi đã ở trên cao xanh. Dẫu biết rằng thời gian có thể làm lãng quên nhiều thứ nhưng những gì thầy dạy, tôi vẫn ghi lòng tạc dạ...

OhbwzejM.jpgPhóng to
Ảnh: NGUYỄN NGỌC THUẦN

Ngày đó, phòng G401 là tổng hợp các lớp: tiểu học, cao đẳng văn, sử, sinh... Chúng tôi mỗi đứa một giọng quê, tuổi sinh viên không lo nghĩ. Ở được một học kỳ, cả phòng đều bị mất trộm, những thứ rất lặt vặt. Mua chai dầu gội về, sáng lấy ra gội chỉ thấy nước, chai kem đánh răng cũng bị vắt cạn, bỏ 100.000 đồng trong túi thì mất 20.000 đồng, mất một chiếc áo lót... Cả phòng đứa nào cũng là bạn bè, suốt ngày nói cười, biết nghi ai bây giờ!

Năm đó trường tổ chức cắm trại, Hà làm thủ quỹ. Tối lấy ra săm soi ngồi đếm, hí hửng bàn tính món này món kia. Sáng, xấp tiền không cánh mà bay. Mất tiền, Hà khóc than thảm thiết. Bác bảo vệ nội trú và thầy cô vào hết lời giảng giải, đề nghị bạn nào lỡ lấy thì im lặng gửi tiền lại ở phòng trực nội trú hoặc đưa cho thầy cô, sẽ không ai biết việc này, thời hạn là hết buổi chiều. Chờ đợi mãi vẫn không có kết quả gì. Có đề nghị nhất định phải khám phòng, tất cả đều gật đầu, đứa nào cũng hăng hái xách đồ mình ra đợi lục, cứ như cả phòng không đứa nào là thủ phạm. Vừa lúc đó bỗng nhiên thầy Vân bước vào và bảo:

- Không phải khám xét gì hết, có một bạn ở lớp thấy Hà bỏ quên xấp tiền trên hộc bàn kìa. Cẩn thận khi giữ tiền em nhé!...

"Thành công, đó không chỉ là những gì ta có, mà còn ở chỗ ta trở thành người như thế nào "

Cả phòng thở phào nhẹ nhõm. Tôi bỗng nghĩ sao Hà học lớp sinh, thầy dạy sử mà lại bảo thấy xấp tiền bỏ quên trên lớp? Ôi! Không tra cứu nữa, bởi nếu sự việc bại lộ chắc bạn nào lỡ làm chuyện đó cũng sẽ nghỉ học vì xấu hổ mất.

Là một thạc sĩ xuất thân từ đồng ruộng, tri thức của thầy có mùi rơm rạ, mùi mồ hôi của ba mẹ, của quê hương, thầy hay nói như vậy. Thầy luôn giữ cho mình nét chân chất, giản dị của một “trí thức nông dân”. Bộ quần áo đơn sơ nhưng gọn gàng sạch sẽ, một phong thái thân thương, mộc mạc. Có lần tôi “ngạo mạn”, ngồi trong lớp nhưng miệng nói huyên thuyên. Thầy không một lời, một tay cốc vào đầu và một tay đặt lên môi. Cái cốc đầu đó làm tôi nhớ mãi.

Cuối học kỳ I, mấy bạn đi nhận học bổng về bảo: “Thấy tên cậu cũng có, học bổng loại giỏi, mau lên nhận đi!”. Tôi lắc đầu bảo mình dư điểm giỏi nhưng môn đại cương tâm lý học chỉ có 4 điểm. Thi lại thì làm sao có học bổng? Mấy bạn kêu “cứ đi nhận đại, trường cho mình mới nhận chứ bộ, mình có sai đâu mà sợ”. Là một cô sinh viên nghèo, mỗi tuần mẹ cho đúng 20.000 đồng đi học, chưa bữa nào dám ăn đĩa cơm 2.000 đồng, hỏi làm sao không ham khi 180.000 đồng của tháng học bổng đầu tiên đang chờ mình. Tôi liều mạng đi nhận, tay run run khi nhận được một quý học bổng. Mùa đông năm đó, tôi có chiếc áo ấm mới, một bộ áo dài mới chứ không phải rầu rĩ khi mặc bộ áo dài mà mẹ xin lại từ một cô giáo trong xóm.

Hai tuần sau tôi bị phòng giáo vụ gọi lên. Lần đó tôi đã khóc vì cô giáo la: “Em là cô sinh viên sư phạm không thật thà. Tại sao biết nội quy xếp loại học lực rồi mà vẫn cố tình vi phạm?”. Tôi cúi gằm mặt và khóc. Tôi khóc không phải vì ấm ức, vì bị oan mà khóc vì xấu hổ, vì nghèo. Chỉ vì nghèo tôi mới ham tiền. “Đói cho sạch rách cho thơm”, thầy luôn nhắc chúng em như vậy. Tôi khóc còn vì lo lắng tiền đâu để trả lại trường đây, nỗi lo đó làm tôi như muốn ngất. Thầy lại ngồi bên cạnh, rất nhẹ nhàng bảo: “Em sai, nhà trường cũng sai. Thôi thì thầy mong rằng đây là bài học mà em cần phải nhớ. Chỉ nên hưởng những gì mà mình xứng đáng được nhận em nhé. Thầy sẽ giúp em đưa lại số tiền này cho trường”. Thầy bảo sẽ cho mượn, sau này đi làm có tiền trả thầy sau cũng được.

Nét bút tri ân lần 3

Cuộc thi Nét bút tri ân lần 3 bắt đầu từ ngày 20-11-2011 và kéo dài đến 20-4-2012, do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục - đào tạo, Ngân hàng TMCP Đông Á, Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM, báo Tuổi Trẻ, Ban thanh thiếu niên VTV6 phối hợp tổ chức. Tham khảo thông tin về cuộc thi trên website www.netbuttrian.vn hoặc tuoitre.vn.

Buổi học hôm sau, thầy kết thúc bằng một câu chuyện về loài hươu. Hươu mẹ đứng sinh con, đứa con phải rơi từ trên cao và nằm đơ dưới đất. Hươu mẹ đá vào con, chú hươu con run rẩy đứng lên, sau khi hươu con đã đứng được rồi, hươu mẹ lại hất để hươu con ngã xuống, lại phải cố gắng đứng lên lần nữa. Thầy bảo khó khăn sẽ làm ta trưởng thành, có ai đó từng nói: “Cuộc sống như đại dương, ai không bơi người đó sẽ chìm”, vậy nên, chỉ có khi chúng ta vượt qua khó khăn, khi đó chúng ta mới thành công. Thầy đọc câu danh ngôn của Jim John: “Thành công, đó không chỉ là những gì ta có, mà còn ở chỗ ta trở thành người như thế nào”. “Các em sẽ là người cầm phấn, là những kỹ sư tâm hồn, các em là người chèo đò trên dòng tri thức và sẽ đưa những tâm hồn đến những triền sông đầy hoa nắng. Hãy là những thầy cô giáo mẫu mực. Khi các em thiết kế nên những tâm hồn đẹp thì lúc đó các em sẽ là những người thành công”. Đó cũng là lần cuối cùng tôi nghe thầy giảng...

Ngày tôi trở thành cô giáo, thật bàng hoàng khi nghe tin thầy đã ngủ một giấc dài. Tôi thả rơi viên phấn khi nghe tin dữ, chỉ muốn bỏ lớp để đi tiễn thầy một đoạn nhưng lời thầy đã thức tỉnh tôi. Tôi nuốt nước mắt, tiếp tục tiết học.

Xin mượn mây nhờ gió mang giùm đến thầy tôi những lời này: “Thầy ơi! Em thật vô tâm khi không nhớ đầy đủ tên họ của thầy. Chưa một lần em đến thăm thầy, lần đầu em định đi thăm thầy cũng là ngày thầy về cõi vĩnh hằng.

Thưa thầy, em giờ đã là một cô giáo đam mê nghề nghiệp, bước vào lớp là em gạt hết tâm trạng của đời thường để sống trong tiết giảng, để học trò hứng thú với bài giảng. Em luôn cố gắng để mình sẽ là một tấm gương cho học trò noi theo. Em đã là một cô học trò ngoan, đúng không thầy?”.

(Danh ngôn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên