02/11/2011 09:09 GMT+7

Muốn sống yên phải làm người "lành"?

CÔNG NHẬT
CÔNG NHẬT

TT - Để thích nghi và tồn tại trong môi trường làm việc nhiều thị phi và cạnh tranh, không ít người trẻ chọn cách sống “lành” - dĩ hòa vi quý trong mọi trường hợp.

YXHayq9z.jpgPhóng to

“Luôn im ỉm trong các cuộc họp, ngại va chạm, thiếu thẳng thắn trong công việc và luôn hùa theo số đông bất kể đúng sai”, là những đặc điểm dễ nhận ra của những người “lành” này, theo nhận xét của không ít nhà quản lý.

Khi “im lặng là vàng”

H.Nguyên (25 tuổi) cho biết: “Thời đi học tôi học giỏi nhưng ít khi giơ tay phát biểu trong lớp. Lớn lên đi làm, nhiều lần tôi biết chắc cách lập luận của mình là đúng, nhưng chẳng bao giờ tôi có đủ tự tin tranh cãi với đồng nghiệp, sếp”. Đi làm ngân hàng được bốn năm, H.Nguyên tự nhận bản thân chưa từng đưa ra một ý kiến nào trong các cuộc họp phòng, ban. Bị đồng nghiệp chèn ép, H.Nguyên tự an ủi: “Chắc tại mình xui!”.

Tốt nghiệp cao học kinh tế từ Mỹ về, Q.Cường (30 tuổi) được nhiều người đánh giá cao về khả năng làm việc cũng như vốn ngoại ngữ đáng nể. Tuy nhiên, năm năm qua, khi bạn bè cùng trang lứa đã dần có vị trí ổn định trong xã hội thì Q.Cường vẫn bằng lòng với vị trí nhân viên bình thường. “Làm càng cao thì càng phải gánh nhiều trách nhiệm và dễ bị nhòm ngó”, anh giải thích lý do nhiều lần từ chối việc được cơ quan cất nhắc.

Trái ngược hai trường hợp trên, từ lúc được đưa vào danh sách cán bộ nguồn của một tổ chức, B.Thanh (27 tuổi) trở nên ít nói đến kỳ lạ, trong khi trước đây B.Thanh luôn được coi như đầu tàu năng nổ trong mọi hoạt động. Hiện tại, trong các buổi họp ở cơ quan, B.Thanh ngồi yên hoặc chỉ phát biểu những ý kiến dạng vô thưởng vô phạt...

Sống thẳng, nói thật: làm lính cả đời!

Đó là đúc kết của B.Thanh sau khoảng thời gian dài liên tiếp bị chơi xấu trong công sở.

Từ khi được cất nhắc, thông tin về công việc lẫn đời tư của B.Thanh bỗng dưng trở thành đề tài nóng trong giờ ăn trưa, chuyện tán gẫu của nhiều đồng nghiệp trong cơ quan. “Cá tính thẳng thắn của tôi kéo theo bao nhiêu là phiền phức, bởi điều đó đụng chạm ít nhiều cái tôi của một số người. Khi thấy tôi có cơ hội thăng chức, họ sẵn sàng đặt điều và tìm cách tẩy chay, bôi xấu tôi bằng mọi cách. Bị vài lần như thế tôi đâm sợ và đành chọn cách sống dĩ hòa vi quý trong cơ quan, dù rất tự tin vào năng lực của mình”, B.Thanh giải thích.

Nhớ lại thời cấp II, H.Nguyên kể: “Tôi từng bị điểm 2 môn văn vì không viết theo dàn bài có sẵn. Lần đó, khi lên tranh luận với giáo viên về điểm số và bị phán là vô lễ, tôi bị ám ảnh mãi về chuyện phản biện...”. Nhiều lần bị cảnh cáo ở trường học vì cái tội “hay lý sự quanh co” khiến H.Nguyên chọn cách sống co mình lại khi đi làm để tránh đụng chạm.

Được gia đình bao bọc từ nhỏ, Q.Cường chỉ cần học, không phải lo lắng bất kỳ điều gì khác. “Học trường nào tại Mỹ, làm việc ở đâu, lập gia đình với ai... gia đình thay tôi quyết định hết. Tôi dần không tự tin làm những việc lớn và rất sợ đương đầu với thử thách”, anh thú nhận.

“Rất nguy hiểm”, tiến sĩ Lukas M. (người Thụy Sĩ, nguyên giám đốc trực tuyến Tập đoàn Cimigo tại VN) đã đúc kết như thế khi nói về thói quen hay im lặng, thích sống yên phận của một bộ phận lao động trẻ Việt.

Trong công sở, ông Lukas cho rằng chuyện nhân viên có tâm lý “cố giữ im lặng, nhắm mắt làm đại để mọi chuyện tới đâu thì tới còn hơn là nêu góp ý, phản bác với đồng nghiệp, sếp” là một tác động xấu đến hiệu quả công việc. “Sếp cũng là người và cũng có những sai lầm như bất kỳ ai khác. Sự phản biện của nhân viên giúp chúng tôi đưa ra những quyết định đúng đắn hơn”, ông nhấn mạnh.

Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ lại cho rằng lời khuyên nên nói thẳng, sống thật của ông Lukas chỉ phù hợp với một số môi trường làm việc nhất định. Q.Nghi (25 tuổi, nhân viên một tập đoàn lớn của Hàn Quốc) khẳng định: “Tôi không muốn là người “lành” trong công ty. Như thế tẻ nhạt lắm. Nhưng trong công ty tôi từ lâu đã tồn tại công khai nguyên tắc “chỉ nghe, không được lên tiếng” với các sếp, đồng nghiệp có thâm niên. Ai đi ngược lại với nguyên tắc này chắc chắn sẽ khó có thể yên thân”. Q. Nghi cho biết thêm nhiều công ty mà bạn biết cũng có kiểu văn hóa doanh nghiệp “im lặng thì sống, nói nhiều thì chết”. Bạn băn khoăn: “Chúng tôi biết phải làm sao?”.

CÔNG NHẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên