19/07/2011 06:15 GMT+7

Một buổi học giao thông ở Úc

HUY TƯỜNG
HUY TƯỜNG

TT - Tuần rồi, trường tôi - Adelaide High School (Nam Úc) - tổ chức một buổi học về tai nạn giao thông cho học sinh khối 12. Buổi học này được tổ chức bởi lực lượng cứu hỏa đô thị.

2j1xjwBf.jpgPhóng to
Trực quan với những chiếc xe bị tai nạn giao thông dúm dó

Năm 2008, số người chết vì tai nạn giao thông (TNGT) ở Nam Úc là 99 người. Một năm sau, số người tử nạn vì TNGT tăng lên 119. Dân số ở Nam Úc khoảng 2 triệu người, bằng 1/40 Việt Nam.

Có thể tránh được TNGT

Người hướng dẫn buổi học là một lính cứu hỏa có biệt danh Rocket (tên lửa). Ở đây, lính cứu hỏa là người phải có mặt đầu tiên tại hiện trường một vụ TNGT. Rocket mở đầu buổi học bằng câu hỏi: “Bạn muốn trở thành một người lái xe như thế nào? Có ba lựa chọn: một là có trách nhiệm, hai là liều lĩnh và ba là hoàn toàn không có trách nhiệm”.

Có ba nhóm chọn các phương án tương đương nhau. Rất nhiều học sinh không thấy được tính nghiêm trọng của câu hỏi mà chỉ cho là một câu nói vui. Tuy nhiên, chẳng ai phê phán các học sinh chọn phương án 2 và 3.

Chuyển sang hướng khác, một câu hỏi được đặt ra: Thế nào là tai nạn? Hầu hết học sinh cho rằng tai nạn là những điều không may mắn xảy ra mà không thể tránh khỏi. Từ đây, vấn đề TNGT được gợi lên rằng liệu đó có thật sự là tai nạn hay không. Màn hình chiếu hai clip ngắn về hai vụ TNGT để học sinh cùng phân tích. Không thể tranh cãi: tất cả học sinh đều chấp nhận hai vụ TNGT đều có thể tránh khỏi được.

Thế thì tại sao “tai nạn” lại xảy ra? Một clip nữa được chiếu lên màn ảnh với tất cả hình ảnh chụp lại từ những vụ TNGT, lồng vào đó là bài nhạc Black Dress của Kisschasy về cảm xúc đau đớn khi một người thân mà mình yêu thương mất đi. Đến lúc này một số học sinh bắt đầu khóc.

Đó chỉ mới là khúc dạo đầu của buổi nói chuyện. Tiếp sau đó, học sinh được yêu cầu nhắm mắt lại và suy nghĩ về lý do của những cái chết không đáng có: nghe nhạc, nói điện thoại khi lái xe chẳng hạn. Bản danh sách các lý do cứ kéo dài ra mãi và thật sự làm nhiều học sinh hoảng hốt.

Chúng tôi bắt đầu nhận ra chỉ một hành động thiếu suy nghĩ, một quyết định sai lầm là có thể lấy đi một mạng người.

Điều còn lại là nước mắt!

Có cảm xúc sẽ có trách nhiệm

Khi còn học ở VN (đến nửa năm lớp 11), tôi đã có vài lần được học về Luật giao thông do trường tổ chức. Tuy nhiên, các buổi học còn thiếu hấp dẫn và lý thuyết khô cứng. Tôi nghĩ muốn “chặn đứng thảm họa giao thông” (tên một chiến dịch truyền thông của Tuổi Trẻ), ngành giáo dục phải phối hợp cùng cảnh sát giao thông để tổ chức thử nghiệm những buổi học sao cho có cảm xúc hơn.

Phần thứ hai của buổi học là hậu quả và ảnh hưởng của TNGT, được chia làm ba phần: cộng đồng và gia đình, người gây tai nạn và nạn nhân. Câu hỏi được đưa ra: sau một TNGT có bao nhiêu người bị ảnh hưởng?

Chúng tôi đoán già đoán non chừng mười mấy người. Nhưng phân tích cho thấy số người bị ảnh hưởng lên đến hơn 200 người! Này nhé, một vụ tai nạn xảy ra nào chỉ có gia đình, người thân mà cả cảnh sát, lính cứu hỏa, y bác sĩ... đều phải vào cuộc. Rồi cảnh sát gõ cửa báo cho cha mẹ cái chết của con cái họ. Lại nhiều giọt nước mắt của học sinh.

Một đoạn clip khác được chiếu lên, một cô gái gốc Ấn với mái tóc đen và dày, đôi mắt thật sâu và đẹp. Nhưng đó chỉ là tấm hình của 10 năm trước.

Khi tấm hình hạ xuống ai cũng sốc. Vì đằng sau tấm hình ấy là một gương mặt dị dạng, không tóc, trắng bệch, một mắt đã mất và chiếc mũi bên cao bên thấp. Vào một kỳ nghỉ, cô đi dự tiệc với bạn mình và bị một chàng trai trẻ say xỉn tông phải. Anh ta không bị gì nhưng cái giá phải trả là phí hết 20 năm tiếp theo của cuộc đời trai trẻ trong nhà tù. Nạn nhân khóc và người gây tai nạn cũng khóc. Trong TNGT chẳng ai hơn ai thua, tất cả chỉ còn lại nước mắt!

Tôi muốn là người lái xe trách nhiệm

Ryan là một người đàn ông 32 tuổi - đã có một vợ hai con - di chuyển khó nhọc lên bục. Từng lời chia sẻ của Ryan nặng trịch những tiếc nuối, hối hận. Chỉ vì quá tự tin vào khả năng điều khiển môtô của mình, lái xe lúc 4 giờ sáng mà trong người còn chút hơi men của đêm hôm trước, Ryan đã vĩnh viễn trở thành người tàn tật vì mất hai chân.

Anh diễn tả sự khó khăn khi không thể kiểm soát được các cơ từ bụng trở xuống của mình. Mỗi buổi sáng, Ryan phải dậy sớm hơn mọi người một giờ chỉ để đi vệ sinh. Anh mang tới và đưa cho mọi người xem cả những đồ bơm và ống cần phải đưa vào hậu môn mỗi lần đi vệ sinh mới đại tiện được. Ryan minh họa việc trèo lên - xuống ghế khó khăn như thế nào, trong khi chúng tôi chỉ cần thực hiện trong một cái chớp mắt động tác bình thường ấy.

Nhưng chừng ấy chưa phải là điều tồi tệ nhất. Ryan tâm sự anh mang một cảm giác tội lỗi khi nhìn vào mắt cha mẹ, sự dằn vặt khi thấy vợ thui thủi làm vườn một mình, nỗi buồn của một người cha khi thấy con gái nói chuyện với mẹ (anh phải nằm viện suốt một năm) chính là điều làm cho cuộc sống của anh thêm đau khổ. Chúng tôi cảm nhận được sự kinh hoàng do TNGT để lại là như thế nào.

Để kết thúc buổi nói chuyện, một clip cuối cùng được chiếu lên. Đây là clip mà ai cũng phải xem khi học lấy bằng lái xe ở Anh: Một nhóm bốn cô gái trên một chiếc xe hơi. Cô gái đang lái xe đã nhắn tin, rồi cười đùa với ba cô bạn của mình. Cô bị lạc tay lái, chiếc xe lệch qua một bên. Tai nạn. Cả ba cô bạn đều chết, riêng cô gái lái xe chỉ bị thương. Cô hét lên thất thanh rồi khóc. Tất cả từng cử động trong vụ tai nạn được chiếu chậm. Máu thịt nhầy nhụa. Nhưng vẫn chưa hết. Một chiếc xe khác theo sau chiếc xe của bốn cô gái đã không thắng kịp húc vào và phần đầu xe gần như nát bét. Khi lính cứu hỏa mở cửa ra, một cô bé khoảng 5, 6 tuổi liên tục hét lên: “Con muốn bố mẹ thức dậy”. Cô bé không biết rằng bố mẹ đã chẳng còn ở bên em kể từ giây phút đó. Bên cạnh, đứa em mới vài tháng tuổi cũng đã chết với đôi mắt mở to.

Buổi học kết thúc. Đến lúc này người ta hỏi trở lại câu hỏi ban đầu Bạn sẽ là người lái xe như thế nào trong tương lai? Tất cả các cánh tay giơ lên: có trách nhiệm!

HUY TƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên