11/08/2004 06:02 GMT+7

"Bước chân" vững vàng của ông chủ trẻ

ĐÀO NGUYÊN THUẬN
ĐÀO NGUYÊN THUẬN

TT - Trước mặt chúng tôi là một thân hình bé tẹo và mất khả năng vận động. Hùng ngồi mà đầu gối quá tai, lúc nào cũng chực ngã ra giường. May mà còn có cái xương bả vai bên phải bạnh ra sau, to lớn bằng phân nửa cơ thể vừa thay cho xương sống vừa làm “giá đỡ”.

oQtng8BY.jpgPhóng to
Nguyễn Công Hùng - Ảnh: Đào Nguyên Thuận

Hoàn cảnh bi đát, cuộc sống đau thương đã bị chàng trai này bỏ sau lưng để trở thành một chuyên gia máy tính, cộng tác viên thường xuyên và có nhiều bài viết về lĩnh vực phần mềm cho tạp chí E.Chip.

Từ tuổi thơ bất hạnh đến ông chủ cửa hàng Internet

Năm 1982, tai họa bất ngờ ập xuống gia đình anh Nguyễn Công Lịch (Nghi Lộc, Nghệ An): đứa con đầu lòng là Nguyễn Công Hùng vừa sinh ra đã bị dị dạng nặng nề. Không thể tin vào mắt mình khi chứng kiến một hài nhi như thế, nhưng gạt nước mắt, vợ chồng anh chăm sóc, nuôi nấng con bằng tất cả tình yêu thương của mình.

Anh chị đưa Hùng đi chữa rất nhiều nơi, hết bệnh viện tỉnh đến bệnh viện Nhi Thụy Điển, Viện Y học cổ truyền T.Ư... nhưng không mang lại kết quả. Giáo sư Nguyễn Tài Thu đã trực tiếp châm cứu cho Hùng nhưng cũng đành bất lực trước căn bệnh quái ác. Năm năm sau khi Hùng đang bất động trên giường thì một đứa con gái nữa chào đời.

Tưởng sẽ là niềm an ủi nhưng Nguyễn Thị Vân sinh ra vẫn “sao y bản chính” anh nó. Chị khóc nhiều đêm đến khô nước mắt, cuộc sống vốn đau thương càng thêm vất vả và buồn tủi. Làng xóm ái ngại, thương cảm không dám nhìn lâu.

Mỗi ngày anh Lịch vẫn cần mẫn hai buổi đưa con đến trường. Học đến lớp 7 thì Hùng không thể theo kịp được nữa vì ốm đau liên miên. Hằng ngày nhìn qua ô cửa sổ, nghe tiếng gọi nhau đến trường mà Hùng buồn vời vợi, mắt nhìn xa xăm. Hùng lao vào tự học vẽ và vẽ rất đẹp, rồi đọc truyện và sáng tác...

Xem trên VTV2 thấy người ta nói nhiều về máy vi tính, Hùng ước mong một ngày nào đó mình cũng được tiếp cận. Mong ước đó ngày càng cháy bỏng. Bố mẹ Hùng hiểu điều đó và âm thầm thực hiện ý nguyện cho con. Quần quật suốt ngày, thức khuya dậy sớm, nhịn ăn nhịn mặc, họ tích cóp từng đồng tiền có được nhờ bán rổ khoai, con gà, thúng lúa...

Hùng nhớ như in hôm đó là ngày 2-9-2001 bố mẹ đã sắm được chiếc máy vi tính cho Hùng: một chiếc máy tuy cũ nhưng là phần thưởng quá lớn đối với cậu. Linh mục Trần Xuân Nhàn là người đầu tiên dạy Hùng thao tác bật, tắt máy và sử dụng những chương trình ứng dụng cơ bản. Song kiến thức về tin học của ông không đáp ứng nổi khát khao tìm hiểu về thế giới máy vi tính của Hùng nên mỗi lần đi Hà Nội và TP.HCM, ông tìm mua cho Hùng những cuốn sách, đĩa CD về tin học.

Càng tìm hiểu máy vi tính Hùng càng thấy chân trời rộng mở trước mắt mình, càng cháy bỏng khao khát được khám phá. Đến khi tiếp cận với Internet, một chân trời mới lại ùa về làm Hùng choáng ngợp và say sưa. Nhờ học và đọc từ sách, đĩa CD và một số website trên Internet, Hùng đã có được một vốn kiến thức kha khá và trở thành “bác sĩ” của máy vi tính, hướng dẫn mọi người dùng máy vi tính, sử dụng Internet.

Trong những người tìm đến nghe Hùng hướng dẫn thao tác với các phần mềm mới có cả linh mục Nhàn. UBND xã Đoài cũng đã có lần phải cầu viện đến Hùng khi máy vi tính mắc lỗi và khai báo sai thông số máy in. Từ những chương trình nguyên bản, Hùng đã làm cho đơn giản hóa để những người học máy vi tính ở trình độ thấp cũng có thể sử dụng, rồi Hùng sắp xếp, tuyển chọn các phần mềm này một cách hợp lý, ghi vào đĩa CD, cung cấp cho học sinh sinh viên.

Hùng còn lập nhóm “Nối vòng tay lớn” ở xã Nghi Diên. Thanh thiếu niên tụ tập về đây rất đông, khuyết tật có, lành lặn có... tất cả đều được Hùng hướng dẫn sử dụng máy vi tính. Đặc biệt, Hùng còn tự tạo một website cho riêng mình, đó là: www.conghung.com.

Bắt đầu từ tháng 10-2003, bài báo đầu tiên của Hùng gửi tạp chí E.Chip được đăng. Rồi cứ đều đều mỗi tuần Hùng cho ra 1-2 “quả trứng” gửi E.Chip. Không dừng ở đó, Hùng còn suy nghĩ đến một điều lớn hơn là phải làm được hàng chục máy tính kết nối Internet để phục vụ mọi người học tập.

Hùng đề xuất với bố mẹ mượn nhà của người dì ruột nằm ngay sát quốc lộ 1A để mở cửa hàng Internet. Bố mẹ Hùng vã mồ hôi hột. Tiền đâu để mua máy vi tính? Quản lý như thế nào cho phù hợp? Một bài toán tưởng như không có lời giải nhưng một lần nữa đã trở thành hiện thực.

Nhờ có sự giúp đỡ, cho vay mượn của nhiều người; nhờ bán hàng trả chậm của Công ty máy tính Thái Bình, đến tháng 5-2004 hơn 30 chiếc máy vi tính được lắp đặt trong nhà dì Hoan tại xã Diễn Ngọc, Diễn Châu, Nghệ An.

Thế là cả gia đình lục tục chuyển anh em Hùng vượt 30km ra Diễn Ngọc. Một sự trùng lặp: ngày anh Lịch đăng ký sử dụng Internet, Đài viễn thông Diễn Châu cũng bắt đầu đưa Internet băng thông rộng, đường truyền tốc độ cao ADSL vào hoạt động.

Chắp cánh cho những mảnh đời...

QBwDhGug.jpgPhóng to
Em gái Hùng - Nguyễn Thị Vân (người ngồi trên xe lăn) - đang hướng dẫn trẻ khuyết tật học tin học - Ảnh: Đào Nguyên Thuận
Anh Nguyễn Công Lịch tâm sự: “Tôi hiểu và thông cảm với những đứa trẻ bị tật nguyền. Mong ước của tôi là đưa được nhiều trẻ khuyết tật về nuôi cho ăn học và dạy các cháu chuyên về vi tính, vừa có kiến thức, sau này còn có một tay nghề vững chắc”.

Hùng càng vui hơn khi bố mẹ đón nhận thêm một số trẻ em khuyết tật và bị di chứng chất độc da cam về nuôi dưỡng. Trong 10 trẻ khuyết tật đang được gia đình Hùng chăm bẵm và ăn ở như con trong nhà, có bốn liệt hẳn chỉ nằm một chỗ, sáu cháu lành lặn hơn được cắp sách đến trường và được Hùng huấn luyện tin học.

Hiện nay các em đều rất thành thạo vi tính, từ các ứng dụng cơ bản cho đến mạng Internet. Đặc biệt, trong đám học trò đó có em gái của Hùng là Nguyễn Thị Vân. Suốt ngày phải ngồi trên xe lăn nhưng Vân đã học hết lớp 11 và học rất giỏi. Năm học 2001-2002 Vân đạt học sinh giỏi môn Anh văn của tỉnh. Trong cuộc thi Hội khỏe Phù Đổng của tỉnh Nghệ An vừa qua, Vân đoạt giải nhất môn cờ tướng.

Nhìn cảnh Vân ngồi trên xe lăn hướng dẫn các em nhỏ đến đây học vi tính; nhìn cơ thể Hùng như đổ rạp xuống chiếu trong khi mắt dán lên màn hình, nước mắt chúng tôi cứ chực trào ra. Hùng bảo: “Tay em đã yếu đi rồi, tay trái phải hỗ trợ tay phải, không dùng bàn phím được như trước nữa, tất cả chỉ nhờ vào con chuột mà thôi”.

Hướng dẫn sử dụng vi tính cho đám trẻ em ở địa phương là những giáo viên khuyết tật đã từng “xách tráp” theo Hùng ra Diễn Ngọc. Trong đó có Võ Minh Thương, quê ở xã Nghi Hoa (Nghi Lộc), tay trái bị cụt hẳn, tay phải chỉ còn nửa ngón út và một đốt ngón cái nhưng rất giỏi vi tính.

Thương kể với chúng tôi: “Hôm đó đang trên đường đi học về thì nghe bác Lịch gọi vào bảo: “Có muốn ở với ông không? Nếu ưng thì về xin phép bố mẹ”. Được bố mẹ đồng ý rứa là cháu ở với bác Lịch luôn đến chừ”. Còn Thắng đã học hết lớp 12 mà chiều cao chưa đầy 85cm, nhưng kiến thức về tin học thì làm nhiều người phải ngạc nhiên. Thắng bảo: “Nhờ anh Hùng dạy đó”.

Người khuyết tật - những đứa trẻ thiếu may mắn như con trai con gái của chính mình - cũng là mối quan tâm của người cha. Anh Lịch đưa cho tôi xem tờ trình gửi UBND xã Diễn Ngọc bày tỏ ý muốn nhận trẻ em khuyết tật, bị ảnh hưởng của chất độc da cam của xã về đây để gia đình nuôi nấng và đào tạo tin học miễn phí, “để sau này các cháu có được cái nghề tự nuôi sống bản thân. Và điều quan trọng là để các cháu bớt đi mặc cảm, sống tự tin bởi mình là người có ích cho xã hội”.

ĐÀO NGUYÊN THUẬN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên