06/05/2011 06:22 GMT+7

PA - nghề hỗ trợ cá nhân

NGỌC TRƯỜNG
NGỌC TRƯỜNG

TT - Sau một thời gian sử dụng dịch vụ PA (personal assistant - nghề hỗ trợ cá nhân), cuộc sống của chị Lê Thị Muội (TP.HCM) - một người bị yếu tứ chi phải ngồi xe lăn - đã thay đổi hẳn. Chị tự tin sắp xếp được cuộc sống của mình và dám bước ra sinh hoạt với cộng đồng.

Read this on Tuoitrenews.vn

BPE4dY5K.jpgPhóng to
Chị Muội (ngồi xe lăn) đã có thể tự đi chợ với sự giúp đỡ của PA Nguyễn Thụy Tố Trâm - Ảnh: NGỌC TRƯỜNG

“Tôi đã tự làm được những điều mà trước đây tưởng chừng không thể như tự mình đi dạo hoặc đi học mà không làm phiền người thân”, chị Muội nói. Điều khác biệt nhất đến lúc này là Muội dám một mình cùng bạn đi xe đò về thăm quê. “Sợ cái nhìn của người khác nên tôi ít muốn ra khỏi nhà, nhưng với sự giúp đỡ của Trâm - PA của Muội - tôi thấy cuộc sống gần gũi và thân thiện hơn”.

Quá mới

Dịch vụ PA mà chị Muội sử dụng là do dự án “Sống độc lập” của Trung tâm Khuyết tật và phát triển TP.HCM (DRD) cung cấp. Đây là chương trình nhằm giúp người khuyết tật thay đổi cuộc sống và có thể tự mình hòa nhập với cộng đồng. Tuy nhiên, theo nhận định của anh Nguyễn Thanh Tùng - người phụ trách dự án: “Nhu cầu người cần sử dụng dịch vụ PA khá lớn nhưng nghề này lại khó có thể phát triển”.

Anh Tùng, từng tham gia chương trình tập huấn Sống độc lập cho người khuyết tật do Hiệp hội Chăm sóc con người Nhật Bản tổ chức, cho biết nghề PA tại Nhật Bản được xem như một nghề nghiệp được nhiều người lựa chọn. Chính phủ Nhật cũng quan tâm hỗ trợ phát triển nghề này để nâng cao mức an sinh xã hội trong cộng đồng. Người khuyết tật sử dụng dịch vụ chỉ chi trả 10% chi phí các dịch vụ hỗ trợ. Nhưng tại Việt Nam nghề này còn khá xa lạ và chưa được hỗ trợ.

Chị Dương Đình Thảo Phương - một người bị bại liệt hai chân trong một tai nạn hơn 10 năm trước - đã sử dụng dịch vụ PA gần bốn tháng qua, thừa nhận không có thông tin về nghề PA trước khi tham gia dự án “Sống độc lập”. “Tôi tình cờ thấy được thông tin về dịch vụ PA trên website của DRD”, chị Phương cho biết.

Chị chia sẻ: “Trước đây, sau khi bị tai nạn, tôi không dám tự quyết định làm điều gì. Làm gì tôi cũng phải chờ đợi và phụ thuộc các thành viên khác trong gia đình”. Nhưng bây giờ thì khác, Thảo Phương đã tự mình làm một số việc cá nhân.

Là bạn, là trợ lý

Tuy nhiên, do nghề này còn mới mẻ và không phải ai cũng có điều kiện sử dụng dịch vụ PA nên người khuyết tật chưa tiếp cận dịch vụ được nhiều. Chị Phương chia sẻ: “Với mức thu nhập của tôi hiện nay từ công việc nhận kết cườm tại nhà sẽ không đủ để có thể chi trả cho PA nếu không nhận được sự hỗ trợ từ dự án Sống độc lập”.

Hầu hết người có nhu cầu được hỗ trợ cá nhân lại phụ thuộc khá nhiều vào sự giúp đỡ của người thân mà chưa tiếp cận được với thông tin dịch vụ PA.

Với những người khuyết tật dạng nặng như chị Muội, nhu cầu cần người hỗ trợ để phát triển cuộc sống rất cao. Tuy nhiên, phần lớn người cần hỗ trợ chưa đảm bảo về kinh tế để sử dụng dịch vụ.

Mặt khác, cách nghĩ đánh đồng PA là người giúp việc khiến nhiều người không chú trọng nghề này. Nguyễn Thụy Tố Trâm - PA đang hỗ trợ chị Muội - cho biết làm PA không đơn giản là phụ giúp người sử dụng dịch vụ mà còn phải trở thành một người bạn tỉnh táo của họ.

“Đôi khi bạn phải giúp người sử dụng đưa ra những quyết định nhưng không quyết định giùm họ. Công việc của PA không phải là chỉ làm những việc được nhờ vả mà còn phải hiểu thân chủ để hỗ trợ những hoạt động giúp họ phát triển” - Tố Trâm nói.

Hỗ trợ nhiều đối tượng khác

Nghề làm người hỗ trợ cá nhân được hiểu như một dịch vụ mà người sử dụng nhằm tìm kiếm sự trợ giúp từ PA để thuận tiện hơn trong cuộc sống. Thông thường nghề này được hiểu chỉ đáp ứng nhu cầu cho người khuyết tật, người già...Tuy nhiên, người làm nghề hỗ trợ cá nhân còn hướng tới nhiều đối tượng khách hàng khác. Bài viết này chỉ tập trung vào nhu cầu sử dụng PA của người khuyết tật tại TP.HCM hiện nay.

NGỌC TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên