Phóng to |
Đội BK Power of love (ĐH Bách khoa TP.HCM) - Ảnh: BÌNH THANH |
Sinh viên các đội dự thi tất bật ngày đêm chỉnh sửa và hoàn thiện các con robot trước ngày xuất quân thi thố. Những ngày cuối luyện tập tại xưởng với ngổn ngang thiết bị, máy móc, lao động cật lực giữa mùa nắng nóng, rất nhiều bạn sụt cân, hốc hác nhưng vẫn “cháy” hết mình với công việc.
Làm việc 17-18 giờ/ngày
Càng khó càng thích Theo đánh giá từ các bạn SV dự thi, đề thi năm nay với chủ đề về lễ hội Loy Krathong của người Thái khá hóc búa. (Xem chi tiết trên trang web http://robocon.vtv.gov.vn/). Mục tiêu cuối cùng trong cuộc chơi là robot tự động mang ngọn lửa đèn đặt lên trên đỉnh cây đèn có lẽ là công việc khó khăn nhất. Nhưng “đích đến càng khó càng kích thích đam mê để chinh phục” - Võ Bảo Vinh, chàng trai đến từ đội UT - FORCE 1 (ĐH Giao thông vận tải TP.HCM) lần đầu tiên dự thi Robocon, khẳng định. |
Mỗi một con robot sẵn sàng thi đấu là thành quả của quá trình làm việc cật lực của các bạn trẻ. Chỉ đến khi thấy robot ra hình ra dạng, thử chạy được theo điều khiển lúc đó mới tạm yên tâm. “Nhưng cũng có những con phải thử đi thử lại hơn chục lần vẫn chưa ăn thua. Mỗi lần robot chạy thử thất bại là thêm một thách thức mới cho toàn đội để tìm phương pháp cải tiến, sáng tạo kỹ thuật phù hợp hơn” - Phạm Thái Vương Nam (đội HITC -32 Trường CĐ Công thương) chia sẻ.
Nhiều thiết bị chế tạo robot các bạn phải lùng sục mỗi ngày tại chợ hàng điện tử. Có những loại vi điều khiển hay các thiết bị điện tử tương đối hiếm và khó kiếm tại thị trường trong nước thì các bạn buộc phải nhập hàng từ nước ngoài về.
Có đội được thuận lợi, có đội gặp thách thức
Trong cuộc chơi này, lợi thế của những bạn, những đội từng tham gia thi robocon rất rõ. Đó là các đội đến từ ĐH Bách khoa TP.HCM, ĐH Sư phạm kỹ thuật hay ĐH Lạc Hồng chẳng hạn.
Nguyễn Văn Ngọc đến từ đội LH - 3F (ĐH Lạc Hồng) tham gia thi robocon từ khi là sinh viên năm nhất và đây là năm thứ tư bạn đến với sân chơi này. Với thuận lợi đó, Ngọc có nhiều kinh nghiệm trong việc lùng các loại linh kiện điện tử, thành thạo thực hiện các thao tác khi làm về phần điện và nhất là khá tự tin khi thi đấu.
Như vậy, các đội lần đầu tiên tham dự có nhiều thách thức hơn. Sáu chàng sinh viên năm nhất của đội THVT (Trường trung cấp Công nghệ tin học viễn thông Đồng Nai) còn khá bỡ ngỡ khi trực tiếp chế tạo robot. Một thành viên trong đội, bạn Đỗ Văn Quân, bày tỏ: phần thiết kế mạch điện hay lập trình “không thành vấn đề” nhưng về phần cơ khí vì không ai có chuyên môn nên việc sử dụng các loại máy tiện, phay, cắt... hay lắp ráp, vận hành động cơ thì cả nhóm lúng túng. Nhưng niềm say mê khoa học không làm các bạn chùn bước.
Và những tiếc nuối
Cuộc thi robocon năm nay tại TP.HCM thiếu vắng nhiều đội từng tham gia ở năm ngoái và số lượng đội dự thi cũng ít đi nhiều. Trong đó, ngoài lý do bận học tập thì vấn đề tài chính, kinh phí là lý do quan trọng khiến nhiều bạn từ giã cuộc chơi. Để chế tạo và hoàn thiện các con robot dự thi, tính sơ sơ chi phí một đội phải bỏ ra có khi lên tới 20-25 triệu đồng, thậm chí nhiều hơn. Giá cả leo thang, các vật dụng, thiết bị, linh kiện điện tử tăng giá cũng làm các đội hết sức vất vả. Một bạn cho biết: so với cùng kỳ năm 2010, các loại chip, vi điều khiển, động cơ điều khiển... đều tăng 20-40%, có linh kiện điện tử còn tăng gấp đôi, gấp ba. Đây thật sự là một trở ngại lớn cho những người say mê khoa học nhưng... nghèo. Như Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, năm 2010 có tới 11 đội tham gia thi robocon vòng loại phía Nam nhưng năm nay rút xuống chỉ còn một đội chính thức tham gia (một đội còn lại đã đăng ký tham gia nhưng bỏ cuộc). Bạn Mai Việt Trường (sinh viên khoa điện tử hệ cao đẳng Trường ĐH Công nghiệp), một thành viên trong đội robocon dự thi năm ngoái, cho biết: lý do chính khiến năm nay đội của bạn không tham gia là vì thiếu tiền. Và vì vậy, cuộc chơi năm nay các bạn trở thành... khán giả, “sẽ đến cuộc thi để ủng hộ bạn mình”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận