Tập 3: Người truyền lửa
Ở Bản Mạy, ai cũng biết đến ông bà Cựu Tuấn là người đã khai hoang lập trại cày giúp bà con người Việt có chỗ an cư và cũng chính là cha mẹ nuôi của anh Lý Tự Trọng.
Ông bà Cựu Tuấn hay di chuyển chỗ ở để đảm bảo công tác hoạt động cách mạng thời bấy giờ. Ông Cựu Tuấn mất từ năm 1928. Sau khi ông mất, tất cả các con đều qua Trung Quốc theo Bác Hồ, bà Cựu Tuấn đến ở nhờ trong nhà người họ hàng là bà Nguyễn Thị Địch rồi mất luôn ở đó. Vì thế, không ai biết ngôi nhà thời anh Lý Tự Trọng qua làm con nuôi và sinh sống là ngôi nhà nào.
Chúng tôi đi hỏi “dây chuyền” gần khắp làng mới biết được mảnh đất có ngôi nhà thời ấy bây giờ là nghĩa trang Bản Mạy. Ông Cựu Tuấn khi sống lập trại cày cho bà con an cư, còn khi chết lại dùng chính mảnh đất của nhà mình để làm nghĩa trang cho người dân khi trở về với đất.
Xác định được điều này, chúng tôi lập tức đến nghĩa trang. Thế nhưng những ngôi mộ cũ thì không ghi tên, không một dấu tích gì cho thấy có sự xác thực, một số ngôi mộ có tên thì không phải tên Cựu Tuấn hay Hà Huy Tuấn (tên cúng cơm của ông). Nhiều người suy đoán thời ấy ông Cựu Tuấn mang nhiều tên để hoạt động nên rất có thể không để tên chính xác khi lập mộ. Cả đoàn bán tín bán nghi nhưng không dám chắc là ngôi mộ nào. Đang phân vân thì anh Vân gặp một người đang làm mộ gần đó bèn hỏi thử. Hóa ra mộ của ông bà Cựu Tuấn được chôn cất trang trọng ở một khu đất riêng, được sửa sang và xây cất đàng hoàng nên trông rất mới.
Sống trong một môi trường mà cha ruột, cha nuôi, tất cả người dân đều một lòng hướng về quê cha đất tổ, đều mong muốn có dịp được trở về quê báo thù nên cậu bé Lê Hữu Trọng có suy nghĩ yêu nước từ rất sớm. Anh cố gắng học giỏi đều các môn, say mê luyện tập võ thuật, tuổi nhỏ nhưng anh định hướng rất rõ mình cần phải làm gì, học gì để có thể về quê giúp nước. Chính vì thế anh luôn cố gắng và anh đã được chọn đi Trung Quốc học ngay khi ông Hồ Tùng Mậu là người của Bác Hồ sang Thái Lan tìm học sinh đi đào tạo.
12 tuổi rời xa gia đình để đến đất nước xa lạ, anh Lý Tự Trọng hiểu là mình phải kiên cường, không khóc, phải tập trung học để mong có ngày về nước.
Và trong ngôi nhà số 13 ở khu phố Văn Minh bên dòng Châu Giang ở đất Quảng Châu, Lý Tự Trọng từng ngày được Bác Hồ phát hiện năng lực, bồi dưỡng và rèn luyện để anh trưởng thành trong từng nhiệm vụ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận