Phóng to |
Sinh hoạt tập thể ngoài trời, một bài trị liệu trong khóa cai nghiện game online của Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam - Ảnh: MAI VINH |
Các em học sinh của tôi do học ngoài giờ, không bị giám thị, cán bộ lớp “dòm ngó” nên có phần cởi mở hơn. Nhờ vậy tôi được biết rất nhiều tâm sự của các em. Có nhiều em tôi rất thích, khen hết lời, tôi ganh tị với các giáo viên dạy em chính khóa có những học sinh thông minh, ham học như vậy.
Nhưng không, các em cho biết mình là những học sinh cá biệt tại trường. Đọc những lời phê cùng điểm số trong phiếu liên lạc, tôi thật ngỡ ngàng. Tại sao các em không thích chính khóa?
Bài vở trong trường quá nhiều, có những ngày học năm tiết, năm môn, thầy cô nào cũng cho môn mình quan trọng nên mặc sức cho bài về làm, soạn. Nếu lỡ không thuộc bài, chưa soạn đủ bài, thế là chép phạt. Chép phạt không kịp, số lượng tăng lên, bị mời cha mẹ, thế là “xù” luôn, không thèm học nữa.
Có em thấy những tiêu cực trong nhà trường như hiện tượng nâng điểm, tiêu cực trong các kỳ thi. Lỗi từ giáo viên nhưng nhà trường không xử lý, còn khi các em chỉ hỏi han chút xíu thôi là bị ghi tên, kiểm điểm. Rồi giáo viên cư xử bất công với những học sinh không học thêm mình.
Có nhiều em gia đình ly tán, có nhiều em cha đi đường cha, mẹ lo hướng mẹ. Có những em quá chán ngán phải thực hiện giấc mơ mà ngày xưa cha mẹ không đạt, giờ đặt lên vai mình...
Nói chung đa dạng và các em thường không dám nói với ai hay được nói lên suy nghĩ của mình. Tôi đề nghị em hãy nói với giáo viên chủ nhiệm, các em cười to: “Giáo viên chủ nhiệm chỉ có nhiệm vụ thu tiền”. Tôi hỏi sao không tìm đến tổ chức Đoàn, các em cười to hơn, chán ngán: “Trong lớp tụi em là học sinh cá biệt. Đoàn chỉ quan tâm tới học sinh giỏi, khá, ai thèm nghe tụi em!”.
Hình như tổ chức Đoàn chưa thực tế. Một bộ phận thế hệ trẻ là những người bình thường - thậm chí cá biệt - rất cần sự dìu dắt, hướng dẫn của tổ chức Đoàn khi các em gặp những chấn động, hụt hẫng, rạn nứt tâm lý trong cuộc sống. Rồi bộ phận học sinh bị bỏ rơi đó bỏ học, vào đời sẽ là mồi ngon của tệ nạn xã hội.
Tại sao tổ chức Đoàn không giành lấy các em đó mà chỉ chú tâm phát triển, kết nạp những học sinh giỏi? Tại sao Đoàn ít khi có một kế hoạch cụ thể, không tạo một đội ngũ hùng hậu để đến từng trường học, cơ sở sinh hoạt cùng những người trẻ này? Tại sao không có nhiều hoạt động lành mạnh miễn phí như thể thao, bơi lội, đàn, hát, hoạt động ngoài trời?
Có lẽ một số cán bộ Đoàn sẽ than “không có kinh phí!”. Xin thưa, có những đội nhóm không có ai tài trợ thế mà họ vẫn ca hát, cắm trại, làm công tác xã hội, thăm trẻ mồ côi... Những việc làm đó đâu cần phải có tiền?
Trong khi đó, các đại hội Đoàn hay sinh hoạt Đoàn thường tổ chức quá rườm rà và tốn kém. Nếu là bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, tôi sẽ có kế hoạch để các chi đoàn, cán bộ Đoàn dành thời gian đến với giới trẻ, mở những khóa học đàn, bơi lội miễn phí... Được không? Tất nhiên các hoạt động này chỉ tốn thời gian và không cần chi tiền.
Tôi nghĩ Đoàn hãy bắt tay vào làm bạn với giới trẻ và hướng dẫn họ, đừng để khi họ sa ngã rồi, khi xã hội đầy những tệ nạn rồi mới báo động, rồi đổ thừa phim ảnh, Internet, cơ chế kinh tế thị thường... Hãy giành lấy người trẻ ngay bất cứ lúc nào, đừng để họ là nạn nhân hoặc mồi ngon của cái xấu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận