Phóng to |
1. Điều trị những căn bệnh của giới trẻ
Như bạn Lê Phạm Phương Lan (Tuổi Trẻ ngày 20-2) nêu rõ, căn bệnh rất nguy hiểm của giới trẻ là vô cảm đã tràn lan. Biểu hiện rất rõ của căn bệnh này là suy nghĩ “sống chết mặc bây”. Rất hiếm có những “Lục Vân Tiên” trên đường hoặc trên xe buýt, ở chốn công cộng... Nhiều lần tôi chứng kiến có những bạn trẻ chẳng thèm nhường chỗ cho người già và thai phụ. Rồi trên rất nhiều clip đánh bạn của các học sinh, nghe rất rõ nhiều tiếng cổ vũ của những bạn trẻ khi thấy bạn mình bị đánh hội đồng. Thấy một người cô thế bị ức hiếp mà đứng đó hò reo thì thật khó hình dung, khó chấp nhận.
Còn những biểu hiện vô cảm khác với chính người thân của mình như việc tiêu xài phung phí, không nghĩ đến mồ hôi nước mắt cha mẹ. Vô cảm với cộng đồng khi sẵn sàng chi tiền trăm bạc triệu để mua đồ, trang sức, xem phim, ăn uống... nhưng lại ki bo khi góp tay chia sẻ với người nghèo và những chương trình từ thiện. Những biểu hiện đó thiết nghĩ Đoàn phải bắt được bệnh và có liệu pháp, định hướng, tưới tẩm hạt giống sẻ chia, lòng trắc ẩn trong người trẻ bằng cách xốc dậy những tấm gương hào hiệp trượng nghĩa, tuyên dương những tấm gương biết sống sẻ chia, vì cộng đồng...
Ngoài căn bệnh vô cảm còn có bệnh thích vật chất, se sua, sính ngoại (từ ngôn ngữ đến việc tiêu dùng, phong cách, văn hóa ứng xử...). Thử hỏi có bao nhiêu bạn trẻ hiện nay còn biết rõ và gìn giữ những thuần phong, nếp nhà của dân tộc Việt Nam? Ngôn ngữ và cả lối sống dễ dãi, sống thử, yêu “tới bến” hoặc “lối sống emo” (sống theo cảm xúc lệch lạc như việc rạch tay, tự tử...) đang là những vấn nạn mà nếu không có biện pháp tác động hoặc nhìn nhận, đánh giá đúng thì rất có thể tương lai giới trẻ Việt Nam sẽ có nhiều điều báo động.
2. Giúp nhau lập nghiệp
Muốn thanh niên phát triển mạnh, bền vững, có những ý tưởng hay giúp ích cộng đồng, trở thành rường cột của đất nước thì phải làm cho thanh niên biết cách làm giàu. Tất nhiên, làm giàu ở đây là làm giàu chính đáng, đúng pháp luật và có nền tảng lâu dài. Rất vui vì vẫn có nhiều thanh niên làm giàu từ chính nghị lực của mình. Họ tự tìm con đường đi, sau đó đã có những dự án “giúp nhau sinh kế” bằng cách chuyển giao kỹ thuật, tạo việc làm cho thanh niên trong thôn, xóm, ấp của mình. Những tấm gương như vậy cần được nhân rộng để từ cơ sở kinh tế vững mạnh, những cá thể của Đoàn sẽ góp sức cho nội lực tập thể của tổ chức Đoàn đi lên.
Bên cạnh việc giúp nhau phát triển kinh tế thì những chia sẻ về kỹ năng sống cũng rất cần thiết. Những mô hình học tập kỹ năng sống mà Thành đoàn TP.HCM, Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam tiên phong thí điểm và thành công thời gian qua như Học kỳ quân đội, cai nghiện game online... cũng cần được phát triển trong từng cấp cơ sở Đoàn.
3. Bồi dưỡng người có tâm, có tài, có lý tưởng
Lâu nay Đoàn chưa thật sự coi trọng khâu kết nạp nên cứ đến tuổi Đoàn là ghi tên kết nạp. Rất nhiều Đoàn viên thật sự không hiểu hết ý nghĩa của việc vào Đoàn nên mặc dù mang tiếng đoàn viên nhưng không bao giờ sinh hoạt Đoàn. Tổ chức Đoàn không thể là một tổ chức đông người nhưng lại thiếu sự hoạt động chất lượng. Ông bà ta đã đúc kết “quý hồ tinh bất quý hồ đa” nên một tổ chức đông người (theo báo cáo) nhưng thực tế đóng góp của từng thành viên lại không có hiệu quả, thậm chí không đóng góp thì quả là uổng. Đồng thời thường xuyên tổ chức những khóa bồi dưỡng, trao cho những đoàn viên, lãnh đạo Đoàn các cấp những cơ hội cống hiến. Từ cơ sở cống hiến ấy các đoàn viên sẽ trưởng thành và càng gắn bó, tin yêu tổ chức hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận