Phóng to |
Bà Nguyễn Thị Bạch Cúc hướng dẫn hai cậu “con nuôi” đổ bánh xèo - Ảnh: Q.Linh |
Gian bếp nhà bà Nguyễn Thị Bạch Cúc (Q.3) vốn chẳng mấy rộng rãi lại càng chật hơn khi có thêm hai vị khách lạ. Bà đang hướng dẫn “hai thằng con nuôi” (cách bà gọi đại biểu Tàu thanh niên Đông Nam Á) đổ bánh xèo. Chẳng biết tiếng Anh nhưng có hề gì, bà vẫn chỉ các bạn đổ xong chiếc bánh xèo thơm vàng rụm.
Như ở nhà mình
Khăn rằn và mũ tai bèo Các bạn trẻ TP.HCM ân cần quấn từng chiếc khăn rằn, đội từng chiếc mũ tai bèo cho đại biểu ngay khi các bạn đặt chân đến cảng Sài Gòn. Hai món quà giản dị gắn liền với hình ảnh người dân Nam bộ đã khiến nhiều đại biểu xúc động. |
Lần lượt Liew Chang Chee (Malaysia) và Fairuz Abd. Wahab (Singapore) được bà Cúc hướng dẫn đổ chiếc bánh xèo. Wahab có vẻ rất thích thú bảo ở nước mình chưa từng thấy loại bánh này bao giờ, làm nó như đổ trứng ốpla vậy. Còn Chee sau khi ăn miếng bánh đầu tiên đã liên tục đưa ngón tay cái lên nói “good, good”.
Chee chia sẻ: “Mình thấy thức ăn Việt Nam cũng không khác nhiều lắm so với thức ăn gia đình mình vẫn ăn hằng ngày”. Có một bạn theo đạo Hồi không ăn thịt heo, thịt bò nên tối hôm đón “con nuôi”, bà Cúc tự tay chuẩn bị các món ăn thuần Việt: cá kho tộ, tôm rim, rau muống xào tỏi để tranh thủ khoe với các bạn về ẩm thực nước nhà.
Cũng vậy, để đón hai “con gái nuôi” theo đạo Hồi, nhà bà Nguyễn Minh Hồng (Q.Phú Nhuận) đã chuẩn bị thức ăn toàn thủy hải sản. Chị Minh Trang (con gái bà Hồng) kể khi biết nhà sẽ đón hai bạn đạo Hồi đến ở, chị đã lên mạng tìm hiểu thông tin và nói mẹ chuẩn bị. Cả mâm trái cây Việt do bà Hồng cẩn thận chọn được hai “con gái nuôi” ưa chuộng. Bạn Zulaikha Surip (Singapore) nói: “Tôi thật sự đang sống trong một gia đình có mẹ, có chị Trang”. Còn Adhini Ning Tyas (Indonesia) khoe: “Tôi cảm nhận được không khí gia đình rất ấm cúng và chẳng thấy gì là xa lạ”.
Chúng tôi đã gặp nhiều gia đình dẫn “con nuôi” đi tham quan dinh Thống Nhất và Bảo tàng Chứng tích chiến tranh. Chị Nguyễn Thị Quế Thu (Q.5) dẫn hai “em nuôi” Thanesh (Malaysia) và Jonathan (Singapore) đến hai địa chỉ này để “các em hiểu rõ hơn về chiến tranh mà nhân dân Việt Nam đã trải qua”. Jonathan chia sẻ: “Tôi cảm phục tinh thần của người Việt Nam trong chiến tranh và hiểu rằng chúng ta phải đoàn kết lại, không nên có chiến tranh thêm lần nào nữa”.
Để thương để nhớ
Đã bảy lần đón “con nuôi” là đại biểu Tàu thanh niên Đông Nam Á nên bà Minh Hồng bảo mình cũng có ít nhiều kinh nghiệm... nuôi “con nuôi”. Bà lục trong tủ đem ra mấy cuộn dây ruybăng bảo mỗi năm đón tàu lại cất kỹ để làm kỷ niệm. Trên dây còn ghi lại tên người “con nuôi” các năm qua. Đó là những cuộn dây mà khi chia tay, những “con nuôi” đứng trên boong tàu sẽ cố tìm cho ra cha mẹ, anh chị nuôi của mình thả xuống để họ bắt lấy - một biểu tượng cho mối dây liên lạc kéo dài mãi.
Quà tặng mà nhiều gia đình dành cho “con nuôi” phần lớn là áo dài Việt Nam. Chị Minh Trang dẫn hai cô “em nuôi” đi chợ Bến Thành để hai bạn tự chọn vải may áo dài mang về làm quà. Bà Bạch Cúc cũng ra nhà may quen thuộc đặt may đo cấp tốc chỉ trong một ngày hai chiếc áo dài khăn đóng làm quà tặng chia tay hai cậu “con nuôi”.
Có lẽ bà Bạch Cúc là người có đông “con nuôi” ở các nước nhất vì 10 lần tàu đến TP.HCM thì cũng ngần ấy năm bà đón “con”, cứ mỗi năm hai người. Trong tủ giấy tờ gia đình bà có rất nhiều hình ảnh, thư từ và cả thiệp mời đám cưới của những “con nuôi” được gửi đến từ các nước Đông Nam Á.
“Tôi sẽ nhớ nơi này lắm và hi vọng sớm có dịp quay lại đây”, cô bạn Tyas nói. Còn Thanesh chia sẻ: “Tôi sẽ khó quên hình ảnh cả gia đình cùng nhau chuẩn bị một bữa ăn. Sự gắn kết trong gia đình như thế rất khác so với những nước tôi đã đi qua trong chương trình này”.
__________
Tin bài liên quan:
5-12: tàu thanh niên Đông Nam Á đến TP.HCMTập huấn chuẩn bị đón tàu thanh niên Đông Nam ÁKhởi động SSEAYP 2010Tàu thanh niên Đông Nam Á 2010 đến TP.HCMThêm những trải nghiệm thú vị mang tên "Tuổi Trẻ"
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận