24/11/2010 04:47 GMT+7

Mất văn hóa bình luận

CÔNG NHẬT
CÔNG NHẬT

TT - Hầu hết trang báo điện tử hiện nay đều có phần comment (tạm dịch trong trường hợp này: bình luận trên mạng của bạn đọc dưới mỗi bài viết), điều này phần nào giúp người đọc không còn thụ động trước vấn đề đang được báo đề cập. Tuy nhiên, một điều không khó để nhận ra là văn hóa comment của bạn trẻ ở nhiều nơi rất đáng báo động.

Q4B4udlZ.jpgPhóng to
Trang thông tin riêng của thí sinh Đ.K. với những lời bình luận vô văn hóa

Dạo một vòng qua các trang báo, diễn đàn của tuổi mới lớn, chúng tôi dễ dàng tìm thấy nhiều comment có nội dung khiến người đọc phải ngỡ ngàng.

Cụ thể, bài viết đặt nghi vấn về việc “lộ hàng” của nữ ca sĩ T.T. trên trang H đầy ngập những comment quái gở như: “Thấy gớm, cái bản mặt đã xấu rồi còn ráng khoe thêm cái gớm ghiếc ra... Đúng là người xấu sẵn đó giờ từ trong ra ngoài...”.

Tương tự, trên trang web chính thức V. của một cuộc thi âm nhạc có quy mô toàn quốc, những cuộc khẩu chiến xuất hiện ngày một nhiều giữa bạn đọc với ngôn từ ngày càng “nặng đô”. Vào trang thông tin riêng của nam thí sinh Đ.K., ai cũng dễ dàng đọc được những dòng “bình loạn” với lời lẽ như sau: “Nghe Đ.K. hát mình buồn nôn...”, “Đ.K. ơi, mày chết sớm đi cho nền âm nhạc Việt còn đường mà sống”...

Giải thích về điều này, L.Toàn (học sinh một trường cấp III tại quận 3) dửng dưng: “Ở “trên đó” đâu ai biết ai nên tụi tui cứ có chuyện buồn hay mệt mỏi gì thì cứ lên đó chửi, nói bậy để xả xìtrét. Đôi khi tui không biết nghệ sĩ, nhân vật trong bài là ai nhưng cứ “đu” theo người khác để chửi cho... đã miệng vậy thôi!”.

Việc thần tượng một cách thái quá một số nghệ sĩ cũng khiến bạn trẻ dễ dàng trở thành những tay “anh chị” trên mạng. Làn sóng K-pop (nhạc Hàn đương đại) đang thâu tóm rất nhiều trái tim bạn trẻ Việt, vì vậy mà bất kỳ bài viết, comment nào phê phán những thành viên, nhóm nhạc Hàn... đều nhanh chóng trở thành đối tượng hứng chịu “cơn bão” từ ngữ đầy cuồng nộ của các fan (người hâm mộ).

Ngồi theo dõi 92 comment trong một bài viết trên trang K. về một nữ ca sĩ Hàn, chúng tôi đếm được hơn phân nửa comment là những lời xỉ vả nhau giữa các fan và anti-fan (người chống đối). “Đồ khùng”, “đầu heo”, “đồ mù”... là các cụm từ nhẹ nhất được sử dụng. “Có rảnh hơi đâu mà bỏ thời gian ngồi phân tích, thuyết phục lẫn nhau. Cứ nhìn thấy ghét và nói không lọt tai nhau thì quay ra... chửi nhau là cách tốt nhất”, đó là cách giải thích khá hồn nhiên của một bạn có nick heoxinh... trên trang này.

Điều đáng lo nhất là hiện tượng này ngày càng lan rộng ở các diễn đàn online dành cho giới trẻ, các trang web trường học... bởi hầu hết comment tại đây đều không phải qua kiểm duyệt như báo mạng.

Bạn H.Quang (người sáng lập trang web Trường đại học Ngoại thương TP.HCM - một trong những trang web lớn và uy tín của giới sinh viên) cho biết: “Hầu hết diễn đàn, trang web đều có những quy định ngay từ đầu là thành viên muốn tạo nick để tham gia viết bài phải tuân theo những quy định về văn hóa, ngôn từ... nếu không sẽ bị treo nick vĩnh viễn. Tuy nhiên, tôi nghĩ những trường hợp trên xảy ra là do lỗi cả hai bên. Ý thức của bạn trẻ tham gia chưa cao và ban quản trị các trang web vẫn chưa làm việc hết mình”.

“Tại anh hay tại ả?”, câu hỏi vẫn còn bị bỏ ngỏ. Dẫu vậy, cần lắm một cái nhìn lại từ nhiều bên về văn hóa comment của giới trẻ trước khi mọi chuyện vượt quá giới hạn.

CÔNG NHẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
😀😁😂🤣😃😄😅😆😉😊😋😎😍😘🥰😗😙😚🙂🤗🤩🤔🤨😐😑😶🙄😏😣😥😮🤐😯😪😫😴😌😛😜😝🤤😒😓😔😕🙃🤑😲☹️🙁😖😞😟😤😢😭😦😧😨😩🤯😬😰😱🥵🥶😳🤪😵😡😠🤬😷🤒🤕🤢🤮🤧😇🤠🤡🥳🥴🥺🤥🤫🤭🧐🤓😈👿👹👺💀👻👽🤖💩😺😸😹😻😼😽🙀😿😾
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên