Phóng to |
Thu Trang (bìa trái) trồng cây xanh với GREACT Huế tại Trường đại học Khoa học Huế - Ảnh: Nguyễn Đông |
Chiến dịch kêu gọi người dân bảo vệ môi trường và cân bằng sinh thái bằng việc giảm lượng thịt tiêu thụ trong các bữa ăn. Chiến dịch đang được công chúng, đặc biệt là các bạn trẻ, quan tâm.
Người đưa ra ý tưởng và đang trực tiếp chỉ huy chiến dịch là bạn Đỗ Thị Thu Trang, sinh viên cao học thuộc chương trình cao học quốc tế Huế - Okayama, chuyên ngành khoa học môi trường, chủ nhiệm Câu lạc bộ GREACT Huế - câu lạc bộ hoạt động chính về lĩnh vực môi trường.
Nhịp sống trẻ đã có cuộc trò chuyện với Thu Trang về chiến dịch này.
* Ý tưởng để Thu Trang phát động chiến dịch?
- Khi còn là sinh viên năm 2 Trường đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội, mình đã có ý định làm một đề tài nghiên cứu khoa học về vấn đề “ăn chay và môi trường” . Nhưng vì nhiều lý do mà mình không thực hiện được đề tài. Rồi đến khi tham dự Diễn đàn thanh niên và phát triển bền vững 2010, được biết nhiều hơn các hoạt động của thanh niên trên thế giới cũng như cả nước, điều đó đã thôi thúc mình phải làm một cái gì đó thật ý nghĩa.
Sau khi tìm hiểu rất kỹ, mình đã mạnh dạn trình bày ý tưởng cho các thành viên tại diễn đàn. Và thật bất ngờ vì lúc đó có rất nhiều bạn đồng ý hưởng ứng chiến dịch.
Giỏi giang và năng động
Đỗ Thị Thu Trang quê ở Phú Thọ. Tốt nghiệp đại học loại giỏi hệ đào tạo cử nhân chất lượng cao - chuyên ngành khoa học môi trường Trường đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội và là một trong số ít sinh viên nhận được học bổng thạc sĩ của chương trình hợp tác quốc tế giữa Trường đại học Okayama với Đại học Huế.
Trang còn là thành viên của Diễn đàn thanh niên và phát triển bền vững 2010, thành viên Cộng đồng tuổi trẻ hành động Huế (Hue Youth Action Community) - phụ trách mảng môi trường...
* Theo bạn, những khó khăn khi thực hiện chiến dịch này?- Khi thực hiện chiến dịch, mình mới nhận ra hiện nay biến đổi khí hậu là một cụm từ rất quen thuộc, nhưng lại có quá nhiều người không hiểu thật sự về nguyên nhân và hậu quả của vấn đề này. Nhiều người vẫn nghĩ băng tan là một hiện tượng “ở một nơi xa lắm”. Nên đó không chỉ là khó khăn của chiến dịch ăn chay mà còn là trở ngại của nhiều chiến dịch về môi trường khác.
Hơn nữa, nhiều người cho rằng ăn chay không cung cấp đủ năng lượng và đảm bảo dinh dưỡng. Quan trọng hơn tất cả là việc thay đổi thói quen của mỗi cá nhân thật sự rất khó. Nên mình hi vọng bọn mình sẽ cố gắng hết sức để tạo ra một sự thay đổi.
* Cách thức thực hiện chiến dịch “ăn chay vì môi trường” sẽ như thế nào?
- Hiện nay chiến dịch lấy mạng xã hội Facebook và website: vegvietnam.com làm công cụ chính để truyền thông cho chiến dịch, ngoài ra chiến dịch thường mở những gian hàng truyền thông tại các lễ hội và sự kiện về môi trường giúp mọi người hiểu hơn về chiến dịch.
Các cá nhân, câu lạc bộ có thể ăn chay theo từng cá nhân, ăn chay theo nhóm, kêu gọi bạn bè, người thân, đồng nghiệp ăn chay tại nhà hoặc các cửa hàng ăn chay tại khu vực bạn đang sống và làm việc. Người tham gia sẽ chụp ảnh và gửi cho chiến dịch kèm với một thông điệp, câu chuyện về ăn chay của bạn, của nhóm/CLB của bạn. Những câu chuyện hay và những bức ảnh độc đáo sẽ được nhận một phần quà nhỏ của chiến dịch.
Ở miền Bắc, các thành viên đăng ký ăn chay từ ngày 6 đến 11-10 (ngày diễn ra lễ hội ẩm thực tại Hà Nội). Còn miền Nam và miền Trung sẽ đồng loạt thực hiện chiến dịch vào ngày 10-10.
* Đây là một trong những chiến dịch đầu tiên tại VN, bạn có thể đánh giá về tính khả thi của chiến dịch?
- Chiến dịch sẽ được thực hiện trong một thời gian dài với giai đoạn thử nghiệm là năm tháng, mục tiêu là giúp người dân hiểu và duy trì thói quen ăn chay hằng tháng và thực hiện điều đó ngay cả khi kết thúc chiến dịch. Mình tin chiến dịch này có thể lan tỏa tới nhiều người.
Hiện nay các phong trào chống biến đổi khí hậu đang diễn ra mạnh mẽ khắp nơi trên thế giới như: phong trào “1 tỉ cây xanh” của Chương trình môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP), phong trào 350, chiến dịch TckTckTck... Hơn nữa, năm nay là Năm quốc tế thanh niên, nên mình nghĩ thanh niên VN cũng sẽ rất sẵn sàng hòa cùng không khí chung của thanh niên thế giới trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận