26/08/2010 09:15 GMT+7

"Tôi trở về làm việc cho quê hương"

TS Doãn Hà Thắng
TS Doãn Hà Thắng

TT - Rời nước Nhật về VN làm việc trong điều kiện thiếu thốn nhưng TS Doãn Hà Thắng, 38 tuổi, phó giám đốc Trung tâm Vật lý môi trường, Viện Vật lý VN, nói đơn giản: “Phải về chứ, quê hương mình mà!”.

Qq6R4SIp.jpgPhóng to
Tiến sĩ Doãn Hà Thắng - Ảnh: Việt Dũng

"Tôi nghĩ khó khăn, bất cập lại chính là cơ hội cho ta làm việc và khẳng định"

Trong căn phòng hẹp ngổn ngang thiết bị thí nghiệm của Viện Vật lý - Viện Khoa học công nghệ VN, Doãn Hà Thắng lúc nào cũng cặm cụi với những nghiên cứu của mình, anh nói:

- Tôi không nghĩ là có nhiều trí thức VN từng học và làm việc ở nước ngoài lại không muốn về nước. Có thể họ buộc phải ở lại vì những lý do khách quan, ở lại vì như vậy họ mới có điều kiện theo đuổi đam mê khoa học, nhưng phần lớn trong số đó cũng như tôi đều mong muốn trở về. Cá nhân tôi không có lý gì không trở về, tôi nhớ quê hương và thật sự muốn làm một điều gì đó ở quê mình, cho người VN.

Tôi có niềm tin vào con đường của mình

* Có nhiều lý do cho việc không trở về, như vì môi trường làm việc không thuận lợi, khó có thể giúp họ tiếp tục nuôi dưỡng ý tưởng khoa học, cơ chế thu hút người giỏi không có... Anh có nhận thấy điều này không?

Ngành công nghiệp phải kéo các nhà khoa học vào

Ở các nước, doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế đặt hàng cho nhà khoa học. VN nếu muốn có sản phẩm cạnh tranh được với quốc tế cần đầu tư để sản phẩm của mình có hàm lượng chất xám cao hơn. Cần chủ động kích thích vào các lĩnh vực công nghiệp bằng việc triển khai những ý tưởng khoa học, ứng dụng thành quả khoa học. Điều đó rất khó nhưng trong hoàn cảnh VN cần phải như vậy.

- Đúng là có như vậy. Nhưng tôi nghĩ yếu tố khách quan đó không quyết định sự lựa chọn của tôi mà quan trọng là tôi lựa chọn điều gì, phải chủ động để thực hiện điều ấy, đừng đứng đó kêu ca, phàn nàn. Một số người bất bình khi ở VN còn đánh giá công sức làm việc theo kiểu “cào bằng”, đánh giá dựa vào bề ngoài, vào bằng cấp. Nhưng tôi không bị khó chịu, không bị ảnh hưởng bởi những điều đó. Vì tôi tự tin vào những gì mình đang làm, sẽ làm.

Tôi có niềm tin vào con đường của mình. Nên khi ra nước ngoài, dù vẫn ở lại Nhật một thời gian để học, nghiên cứu, làm việc và có thêm mối quan hệ trong giới nghiên cứu nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ ở lại xứ người. Tôi luôn tỉnh táo để nghĩ mình sẽ trở về bất luận ở VN đang còn nhiều bất cập.

* Có bao giờ anh nghĩ nếu không trở về mình cũng có thể tiến xa hơn và có không một thoáng hối hận về lựa chọn của mình?

- Tôi nghĩ để xã hội phát triển, mỗi người cần làm tốt ở vị trí của mình. Không phải tất cả người giỏi giang cứ chọn con đường ở lại nước ngoài mới là đúng, hoặc những người ra đi rồi trở về mới hay. VN có những nhà khoa học danh tiếng quốc tế, họ ở lại những môi trường học thuật tốt làm việc, đồng thời là cầu nối trong việc đưa khoa học công nghệ về VN, hỗ trợ các nhà khoa học trong nước, điều đó rất tốt.

Nhưng VN cũng phải có những người trở về. Tôi biết nhiều nhà khoa học ở VN hằng ngày vẫn làm việc nghiên cứu, họ tạo nên nhiều sản phẩm hữu ích cho đời sống, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người nhưng họ ít được xã hội biết đến, không được vinh danh. Tôi không cho thế là sự thiệt thòi, vì mỗi người có một vị trí của mình. Tôi đã về hẳn, đến nay gần ba năm và bằng lòng với sự lựa chọn của mình.

Khéo co thì ấm

* Gần ba năm về nước anh đã làm được những gì? Những khó khăn anh đã phải đối diện?

Robot teacher dạy tiếng Anh

TS Doãn Hà Thắng đang triển khai đề tài sử dụng dầu thải VN để chế tạo nano cabon. Và thành công gần đây nhất của anh là chế tạo robot teacher, đây là thiết bị chưa từng có ở nước nào. Robot này có thể đọc, dịch, luyện âm, giảng bài và chấm điểm cho người học. Đi kèm với nó là sách giáo khoa được số hóa. Ưu điểm của robot là giúp học sinh phát âm chuẩn, khắc phục sự thiếu tự tin, dè dặt của học sinh trong quá trình học tiếng Anh.

- Tôi mang về VN một số công nghệ mà tôi tham gia nghiên cứu khi ở Nhật, như công nghệ môi trường, công nghệ vật liệu, các ứng dụng trong công nghiệp... Tôi thử mang những công nghệ mà tôi thấy cần cho VN, gần với thực tế VN đi trình bày khắp nơi để tìm sự ủng hộ. Có thành công, có thất bại. Không phải không có lúc nản trước những khó khăn. Có một câu hỏi mà tôi không bao giờ trả lời được là “tại sao họ biết công nghệ đó là tốt nhưng không triển khai?”.

Tôi từng triển khai ứng dụng đưa một chất xúc tác bêtông vào ximăng, làm hạt ximăng nhiễm điện, đẩy nhau. Nhờ vậy khi xây dựng ximăng sẽ không cần nhiều nước mà chất lượng vẫn tốt, có thể tiết kiệm được lượng ximăng trong bêtông. Nhưng khi tôi đề nghị ứng dụng, người ta bảo “nếu làm, đổ nhà ai chịu?”. Ở VN người ta dễ chấp nhận cái thế giới đã làm nhiều, dè dặt với những gì quá mới.

* Vì sao từ chỗ quyết định nghiên cứu sinh chuyên ngành vật lý plasma và lao vào các ứng dụng công nghiệp, anh lại nhảy sang lĩnh vực giáo dục?

- Khi ở nước ngoài, tôi nhận thấy nguồn nhân lực VN rất dồi dào nhưng rào cản lớn nhất là ngôn ngữ. Một người VN làm việc ở nước ngoài mỗi tháng có thể gửi về nước khoảng 700 USD. 1 triệu người mỗi năm có thể gửi về nước 8,4 tỉ USD, nếu họ vượt qua được rào cản ngôn ngữ. Tôi nghĩ giới trẻ VN cần thông thạo tiếng Anh và khi tôi đọc đề án tăng cường dạy học ngoại ngữ cho học sinh được Chính phủ phê duyệt, tôi tìm thấy tiếng nói chung. Hiện tại tôi giúp Bộ Giáo dục - đào tạo tập huấn cho giáo viên tiểu học sử dụng thiết bị robot teacher để triển khai thí điểm dạy tiếng Anh cho học sinh tiểu học vào năm học mới.

*Anh nói lương do Viện Vật lý trả cho anh hiện nay khoảng 2,6 triệu đồng/tháng. Với thời giá hiện nay mức lương đó không đủ sống. Vậy anh làm gì để có thể trụ được mà “nuôi” khoa học?

- Trong giới chúng tôi hay đùa với nhau làm gì cũng phải “kiếm một cái nồi cơm nguội” cho gia đình mình. Tôi cũng thế thôi, cũng phải làm nhiều việc khác nhau để có thêm thu nhập cho gia đình. Tình hình chung là thế. Khi mình luôn thấy thiếu thốn, luôn kêu ca sẽ càng thấy khổ, nhưng chấp nhận và chủ động khắc phục, làm việc thì nó cũng bình thường thôi. Dĩ nhiên với nhiều người làm khoa học đó là một cản trở khiến họ không thể toàn tâm toàn ý cho nghiên cứu.

TS Doãn Hà Thắng
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên