13/07/2010 08:45 GMT+7

"Tính cạnh tranh của thanh niên VN đến đâu?"

HƯƠNG GIANG thực hiện
HƯƠNG GIANG thực hiện

TT - “Nếu cứ tư duy vụn vặt, lỗi thời, sợ tiến lên, tham lam cho bản thân và gia đình thì thanh niên VN sẽ không làm được việc gì. Đó là điều những người đang điều hành đất nước này cần nghĩ tới mỗi ngày: tính cạnh tranh của thanh niên VN đến đâu?”. Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ Adam Sitkoff đặt vấn đề.

g7mvfyNi.jpgPhóng to
Ông Adam Sitkoff

“Tôi thích nhà quê”

Giống như rất nhiều người nước ngoài khác sống ở VN, Adam không thích mọi thứ đều chạy theo cái mới và rũ bỏ cái cũ của đô thị hiện nay. Ông nói nếu muốn tìm một nơi thuần túy hiện đại để sinh sống thì ông đã chẳng tới Hà Nội. Adam Sitkoff lý giải: “Tôi cũng không rõ nhưng tôi đã sống ở đây chín năm và vẫn chưa có ý định rời VN. Nhưng tôi sẽ đi khi mệt mỏi với cuộc sống ở đây. Đó là khi ô nhiễm tệ hơn, vệ sinh, tiếng ồn, giao thông, môi trường... tệ hơn. Nếu Hà Nội trông giống các thành phố khác trên thế giới, cái gì cũng xây mới thì tôi sẽ không sống ở đây nữa. Tôi biết các bạn thích thú khi đập bỏ một tòa nhà cũ kỹ và xây vào đó là các khu mua sắm cao tầng nhưng tôi thì không. Tôi thích nhà quê. Nếu muốn ở một nơi hiện đại thì tôi đã về nước rồi. Tất nhiên nếu là người VN thì có thể tôi sẽ nghĩ khác”.

Gắn bó với VN 14 năm - gần bằng thời gian hai nước Việt - Mỹ chính thức thiết lập quan hệ song phương, ông nói mình rất hãnh diện khi thấy hiện nay nhiều món hàng bày bán trong các cửa hiệu ở Mỹ đều gắn mác “made in Vietnam” (sản xuất tại VN) nhưng VN vẫn cần tiến xa hơn những gì đã đạt được, không chỉ trong quan hệ song phương với Mỹ.

Lần đầu ông Adam Sitkoff đến VN là với nhiệm vụ đưa một số đại diện công đoàn và các tổ chức, cơ quan khác nhau của Mỹ tìm hiểu điều kiện lao động để thuyết phục họ không áp dụng luật Jackson-Vanik đối với VN (*). Chuyến đi đó mang lại kết quả tốt đẹp.

Tháng 3-1997, Tổng thống Bill Clinton ra quyết định miễn áp dụng luật Jackson-Vanik với VN, mở đường cho các công ty lớn của Mỹ tìm lại thị trường mới ở Đông Nam Á. Vài năm sau đó, Adam trở lại Hà Nội bắt đầu cuộc sống mới với vai trò kết nối và trợ giúp các công ty Mỹ làm ăn ở VN cho đến tận hôm nay. Ông có đầy đủ trải nghiệm về câu chuyện giao thương này.

* Theo ông, tại sao quan hệ thương mại và đầu tư giữa VN và Mỹ đạt được nhiều thành công?

- Một trong các lý do khiến quan hệ thương mại thành công là cái mà chúng tôi gọi là “nhu cầu bị kìm hãm”. Trong suốt một thời gian dài, người dân VN không có nhiều lựa chọn khi tiêu tiền. Đến lúc VN có thể mở cửa và hội nhập vào nền kinh tế quốc tế, điều đó cho phép các công ty và sản phẩm vào thị trường nội địa, giúp người dân có thêm lựa chọn sẽ làm việc ở đâu hay mua ôtô loại nào.

Hơn nữa, mối quan hệ song phương tiến triển rất nhanh, theo tôi, là chuyện dễ hiểu: các công ty và nhà đầu tư Mỹ quan tâm đến thị trường VN, còn các nhà sản xuất VN muốn bán hàng sang Mỹ. Mỹ là thị trường lớn nhất thế giới, bất kể bạn sản xuất cái gì, hễ bán được ở đó tức là bạn đang làm ăn tốt.

Hiệp định thương mại song phương năm 2001 đã giảm thuế hàng nhập khẩu VN vào Mỹ từ mức 60% xuống khoảng 4%, khiến việc kinh doanh trở nên khả thi. Việc gia nhập WTO năm 2007 lại giúp tạo ra hàng loạt quy định về kinh doanh ở VN, cho phép doanh nghiệp các nước cạnh tranh trên cùng một mặt bằng. Sau đó có Hiệp định khung về đầu tư - thương mại song phương (TIFA) giúp bảo vệ các nhà đầu tư Mỹ tốt hơn. Hai nước cũng đã bàn đến Hiệp định đầu tư song phương (BIT) và khởi động Hiệp định đối tác Thái Bình Dương (TPP). Tuy vậy, không thể nói rằng VN đã làm xong việc này hay việc kia, vì không có gì là “xong” cả. Lúc nào chúng ta cũng có thể tăng cường thương mại, đầu tư và các công ty VN luôn có thể tiến lên phía trước.

* Ông có nói nhân tố chi phí gia tăng ở Trung Quốc đang khiến nhiều nhà đầu tư ở đó nản lòng. Nhưng rồi nó cũng sẽ diễn ra ở VN vì chúng tôi muốn tăng cường chất lượng nguồn lao động, mà điều đó có nghĩa là phải trả lương cao hơn. Liệu khi đó các nhà đầu tư Mỹ vẫn còn muốn kinh doanh ở VN?

- Tăng chất lượng lao động là điều then chốt mà VN cần làm nếu muốn thu hút những loại đầu tư thật sự có lợi cho mình. Mỗi năm các bạn có thêm 1,5 triệu người tham gia thị trường lao động. Họ cần việc làm. Bằng cách mở cửa cho đầu tư trực tiếp nước ngoài và cải thiện môi trường kinh doanh, sẽ có nhiều công ty vào đây làm ăn và tạo việc làm cho thanh niên VN.

Trung Quốc đang trở nên đắt đỏ hơn nhưng đó là tiến trình tự nhiên của hoạt động kinh tế. Đây là cơ hội tốt cho VN. Nhưng VN phải có đội ngũ lao động trẻ cạnh tranh được với thanh niên Mexico, Philippines, Nga, Pháp, Nhật Bản... nên trách nhiệm của Chính phủ là phải có các luật lệ và cơ sở hạ tầng để thanh niên VN thể hiện tốt hơn thanh niên nước khác.

Một phần quan trọng để làm điều đó là giáo dục và đào tạo. Hệ thống giáo dục của VN cần thay đổi. Tôi nghĩ bất cứ ai ở VN đều đồng ý như vậy. Hiện đang có quá nhiều thời gian bị lãng phí để học những kiến thức không sử dụng được và các cơ sở giáo dục không đủ hiện đại để có thể đào tạo ra những con người sẵn sàng làm công việc của thế kỷ 21.

Tìm ví dụ không khó. Có công ty công nghệ cao muốn vào VN. Họ có khả năng cung cấp việc làm tốt nhưng không tìm được lao động đáp ứng yêu cầu nên phải bỏ ra rất nhiều tiền để đào tạo lại, thậm chí để đưa người ra nước ngoài đào tạo. Như thế không hiệu quả và quá tốn kém.

Nếu VN khiến thanh niên của mình vượt trội, và phát triển cơ sở hạ tầng và quy định kinh doanh tốt tương đương với nơi khác thì VN sẽ thắng.

(*) Luật (hay còn gọi là tu chính án) Jackson-Vanik là một điều khoản trong luật liên bang Mỹ, được thông qua năm 1974. Những nước nào bị Mỹ áp dụng luật này sẽ không được hưởng quy chế tối huệ quốc (MFN) trong buôn bán với Mỹ và cũng không được phép tiếp cận những chương trình hỗ trợ của Chính phủ Mỹ.

HƯƠNG GIANG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên