15/06/2010 04:22 GMT+7

Bừng nở từ gian khó

NGUYỄN TRIỀU - QUỐC THANH
NGUYỄN TRIỀU - QUỐC THANH

TT - Từ những phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, tiêu biểu cho tinh thần dũng cảm, sáng tạo, không lùi bước trước khó khăn để khẳng định và góp sức mình vào công cuộc đổi mới. Càng trong gian khó, cuộc đời càng có những bông hoa đẹp.

RMN9E8xd.jpgPhóng to

Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải (bìa phải) trao cờ thi đua của Chính phủ cho các tập thể tại đại hội - Ảnh: Minh Đức

Khi doanh nhân Trương Vĩ Kiến, tổng giám đốc Công ty TNHH dây và cáp điện Tân Cường Thành, dìu “cây sáng kiến” tuổi ngoài 80 - tiến sĩ Nguyễn Hồng Bỉnh - tay chống gậy và theo sau là chàng thanh niên khiếm thị Đặng Hoài Phúc, giám đốc Trung tâm tin học Sao Mai, bước lên sân khấu giao lưu thì cả hội trường vỗ tay vang dậy.

Là doanh nhân người Hoa, tổng giám đốc Trương Vĩ Kiến xuất thân là người lao động và đã không ngừng nỗ lực để phát triển doanh nghiệp, chăm lo đời sống vật chất, nhu cầu học tập nâng cao tay nghề của cán bộ, nhân viên. Nhờ đó, từ một cơ sở sản xuất tại nhà rộng vài chục mét vuông năm 1982, hiện giờ ông có trong tay một công ty với hai nhà máy sản xuất hiện đại.

Trong khi đó, nhớ lời dặn của người cha lúc sinh thời “làm gì cũng phải luôn nghĩ tới lợi ích của dân, vì dân”, tiến sĩ Nguyễn Hồng Bỉnh hàng chục năm qua đã đem chuyên môn kỹ thuật của mình ứng dụng vào cuộc sống bằng những công trình gắn chặt với nhu cầu, cuộc sống của người dân.

Những công trình phục vụ nông thôn, nông dân như “Công trình cấp nước kênh Đông”, “Xử lý nước nhiễm phèn”, “Cấp phối bêtông từ cát mặn”, “Sản xuất bêtông từ bùn thải nguy hại”... chứa đựng trong đó cả tri thức, mồ hôi, tâm huyết của nhà khoa học luôn khao khát sống vì dân. Và quý biết bao khi biết hầu hết những công trình nghiên cứu đều do ông tự bỏ tiền túi ra thực hiện.

“Tôi luôn thầm nhủ với lòng, với vong linh cha tôi rằng hễ còn sống là còn cống hiến với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân” - ông Bỉnh tâm sự.

Riêng với Đặng Hoài Phúc, nghị lực của chàng thanh niên khiếm thị khiến mọi người phải ngả mũ thán phục, vì không chỉ lấy bàn tay thay đôi mắt để khẳng định mình, Phúc còn chìa đôi tay có mắt ấy ra để nâng đỡ, dìu bước những bạn bè khiếm thị đồng cảnh.

Phúc tâm niệm: “Tôi không có khái niệm có việc gì đó khó khăn, mà chỉ coi đó là thách thức và nhiệm vụ của mình là phải chiến thắng thách thức ấy”. Trung tâm tin học Sao Mai và cái tên Đặng Hoài Phúc giờ đã được nhiều người biết đến.

Và nhiều nữa những bông hoa đẹp trong vườn hoa thi đua của TP. Đó là tập thể cán bộ, nhân viên Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng (Công ty Thoát nước đô thị TP) đã mạnh dạn nhận nhiệm vụ vận hành công trình xử lý nước thải quy mô lớn nhất nước với công nghệ hiện đại, mà các chuyên gia nước ngoài cho rằng phải mất sáu năm huấn luyện người VN mới có thể đảm đương.

Không đợi lâu đến thế, tập thể cán bộ, nhân viên nhà máy giờ đây đã làm chủ quy trình vận hành và mỗi năm tiết kiệm cho ngân sách khoảng 300 tỉ đồng.

Đó là tập thể thầy thuốc Bệnh viện Nhân Dân Gia Định từng bước nỗ lực hiện đại hóa cơ sở vật chất, chuyên nghiệp hóa tay nghề chuyên môn để trở thành một bệnh viện đầy đủ các chuyên khoa, có thể thực hiện những kỹ thuật hiện đại, như can thiệp mạch máu bằng nội soi. Hay như cô giáo Hồ Cam Thanh, giáo viên Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, tận tụy giáo dục nhiều thế hệ học trò trở thành con ngoan trò giỏi.

Nói chuyện cái tâm của nghề giáo, cô tâm sự: “Cái tâm cần có ở mọi nghề, với nghề sư phạm cái tâm cần nghiêm ngặt hơn bao giờ hết. Sản phẩm của giáo dục là con người, do đó sản phẩm của giáo dục không được phép có thứ phẩm mà tất cả phải là chính phẩm”.

NGUYỄN TRIỀU - QUỐC THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên