Phóng to |
Huỳnh Văn Tuấn (bìa phải) và đồng đội trên cảng Lotus trước ca lặn tìm nạn nhân vụ đắm tàu Hoàng Đạt đêm 13-5-2007 - Ảnh: N.TRIỀU |
“Được. Các anh có tối đa 20 phút, nếu không hoàn thành các bác sĩ sẽ vào cuộc tháo khớp nạn nhân” - đại tá Lê Tấn Bửu, phó giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM, ra lệnh. Trung úy Huỳnh Văn Tuấn - đội phó đội cứu hộ cứu nạn - siết tay đồng đội rồi lao vào khối bêtông đang cứng dần.
Vụ sập sàn bêtông công trình cao ốc văn phòng CR4-1 trên đường Tôn Dật Tiên, khu đô thị Phú Mỹ Hưng, P.Tân Phú, Q.7, TP.HCM xảy ra đúng nửa đêm 29 rạng sáng 30-12-2008 khiến bốn nữ công nhân đang làm việc ở tầng 3 và tầng 4 bị vùi trong đống bêtông còn chưa ráo nước. Lực lượng cứu hộ cứu nạn của Sở Cảnh sát PCCC, xe cấp cứu của ngành y tế được điều động khẩn cấp đến hiện trường.
20 phút cân não
Nạn nhân đầu tiên được phát hiện là chị Nguyễn Thị Huyền (sinh năm 1985, quê Đồng Tháp), bị khối bêtông và ngổn ngang những thanh sắt giàn giáo đè hết nửa người, đang cố sức kêu cứu. Phá bêtông và cắt sắt không khó, có điều chỉ cần động búa vào là hàng chục tấn bêtông dẻo nhẹo từ bên trên sẽ sụp xuống.
Khi đó chẳng những không cứu được nạn nhân mà cả lính cứu hộ cũng chịu chung số phận. Mà nếu đợi đến lúc bêtông khô thì việc cứu người càng nan giải. Nhẩm tính lực đè của khối bêtông, Tuấn quyết định lệnh cho đồng đội chuyển gấp các con đội vào chèn cứng phía dưới dầm sắt, bảo đảm khối bêtông bên trên không tiếp tục lún sâu cũng như không thể đổ sập khi các phương tiện phá dỡ hoạt động. Đến khoảng 3g sáng 30-12, nạn nhân sống sót đầu tiên được chuyển khỏi hiện trường bàn giao cho các kíp bác sĩ bên ngoài đưa đi cấp cứu.
Trổ tài “miệng lưỡi” Chiều 21-5-2010, một thanh niên trong trạng thái phê thuốc đã trèo lên giàn giáo một công trình xây dựng trên đường Nguyễn Chí Thanh, P.2, Q.10 có ý định tự tử. Tuấn cùng đồng đội tức tốc đến hiện trường và trực tiếp trèo lên tiếp cận đối tượng. Trổ tài “miệng lưỡi” suốt hai giờ, từ hỏi han khuyên nhủ đến đe dọa nhưng người thanh niên vẫn nằng nặc đòi chết và vừa di chuyển vừa tháo từng thanh sắt thả xuống. Khi đã “dụ” đối tượng hạ dần độ cao từ tầng ba xuống đến tầng một thì... không còn sắt để tháo, giàn giáo mất thăng bằng ngã xuống, bên dưới các đồng đội chờ sẵn hứng người thanh niên, khống chế và đưa vào bệnh viện. |
Không ngơi nghỉ, cả đội trở lại ngay hiện trường tiếp tục cuộc đào bới. Chị Võ Thị Tuyền (sinh năm 1985, quê Sóc Trăng) được phát hiện gần đó trong tình trạng sức khỏe nguy kịch với hai chân bị kẹp chặt bởi các thanh sắt giàn giáo và cả núi bêtông đang khô dần.
Các nhân viên y tế của Bệnh viện cấp cứu Trưng Vương phải len vào tận nơi truyền dịch, bơm oxy, tiêm thuốc giảm đau cho nạn nhân trong khi lực lượng cứu hộ liên tục đào bới. Hơi thở chị Tuyền yếu dần buộc các bác sĩ phải tính đến phương án tháo khớp nạn nhân ngay tại chỗ, chấp nhận hi sinh đôi chân để bảo toàn tính mạng cho chị.
Nhìn thẳng vào mắt những đồng đội hướng về người phụ nữ đang từng giây lả đi, Tuấn cất giọng đầy quyết đoán: “Xin chỉ huy cho thêm 20 phút nữa, nếu không thành công anh em chấp nhận để bác sĩ dùng biện pháp cuối cùng!”. Trao đổi chớp nhoáng với bác sĩ Phạm Văn Nghiệm - trưởng phòng nghiệp vụ y, Sở Y tế và một phó giám đốc Bệnh viện cấp cứu Trưng Vương có mặt tại hiện trường, đại tá Lê Tấn Bửu trực tiếp chỉ huy việc cứu hộ chấp nhận: “Được. Các anh có tối đa 20 phút, nếu không hoàn thành các bác sĩ sẽ vào cuộc tháo khớp nạn nhân”. Đồng hồ chỉ 5g05.
Tuấn siết tay đồng đội rồi cùng lao vào khối bêtông đang cứng dần. 20 phút vơi đi, hơi thở nạn nhân cạn dần. Thời gian căng như dây đàn. Năm phút, rồi 10 phút nữa trôi qua. Mồ hôi ướt đầm những lưng áo cứu hộ. Niềm tin của những chàng trai trẻ đã chiến thắng khi quỹ thời gian 20 phút chưa hết, cô gái đã được cáng ra khỏi hiện trường. Họ nhìn nhau, vui mừng chực khóc.
Mười năm làm lính cứu hộ, với Tuấn đó là 20 phút cân não nhất mà anh từng trải. “Cảm giác của tôi khi ấy như có ai sắp tháo chân mình vậy”- Tuấn kể. Nếu kéo dài thời gian phá dỡ núi bêtông kia thì e nạn nhân không đủ sức chịu đựng. Ngược lại, nếu buông tay để người công nhân trở thành tàn tật thì anh không đành lòng. Nhắc lại ca cứu hộ này, đại tá Lê Tấn Bửu nhận xét: “Phải nói tình hình lúc đó rất căng thẳng, nếu anh em không tự tin mà ngưng tay và chúng tôi không quyết đoán thì kết cục có lẽ đã khác”.
Những kinh nghiệm nhớ đời
Năm 2001, khi mới gia nhập lính cứu hộ hơn một tuần Tuấn đã được “bốc” xuống tận khu di tích Láng Le - Bàu Cò (huyện Bình Chánh) để mò tìm thi thể em bé 6 tuổi trượt chân chết đuối ở sông Chợ Đệm. Sông sâu, nước chảy xiết nên mất hơn bốn giờ Tuấn và đồng đội mới tìm được thi thể em bị nước cuộn kẹt cứng dưới một gốc cây chìm. Theo bài bản đã học, Tuấn phải kẹp chặt thi thể em bé giữa hai chân và dùng cả hai tay kéo dây trồi lên.
Nhưng lúc đó luống cuống quá, Tuấn một tay ôm em bé, một tay kéo dây, còn hai chân thì kẹp... cổ một đồng đội. “Kéo dây hoài mà nghe nặng trịch, lại còn giãy giụa nên theo quán tính mình lại càng kẹp chặt. Sau đó buông dây thò tay xuống rờ thì thấy lạ, sao cái xác này lại đeo ống thở, hóa ra kẹp trúng anh Ba Trí”- Tuấn kể. “Từ đó đến giờ có kẹp ai nữa không?”- tôi cắc cớ. Tuấn bẽn lẽn: “Nhớ đời rồi”!”.
Một lần khác vào năm 2007, khi tham gia xử lý vụ cháy gần chợ Hòa Bình (Q.5). Xe chữa cháy đã có mặt nhưng nguồn điện chưa cắt nên không thể phun nước dập lửa trong khi người dân đứng xung quanh nóng ruột la ó. Tuấn nhận nhiệm vụ trinh sát mở đường vào căn nhà tìm kiếm người bị kẹt bên trong. Vào đến tầng 1, một tiếng nổ lớn phát ra từ tầng 2, tiếng kính rơi loảng xoảng. Lên được tầng 2, một tiếng nổ khác còn lớn hơn, Tuấn xoay người phóng ngược trở lại vừa kịp lúc đẩy một đồng đội đang ôm vòi rồng vào sau ra ngoài an toàn. Khi những tiếng nổ im bặt, Tuấn lao vào ôm vòi chữa cháy.
Mãi lát sau một đồng đội phát hiện tay áo của Tuấn đầy máu liền la lên và kiểm tra mới hay cổ tay của Tuấn bị một mảnh kính cắt sâu gần đến xương, máu phún ra thành tia. Một mảnh kính khác cắm xuyên chiếc mũ bảo hộ, vừa chạm vào đầu. “Rất may đó là một chiếc nón của Đức sản xuất, chứ đội nón thường chắc tiêu rồi” - Tuấn nhớ lại.
* Anh Huỳnh Văn Toàn (tổng trưởng tổng đoàn Sao Bắc Đẩu, Hội Liên Hiệp thanh niên TP.HCM): Tạo cơ hội cho người trẻ khẳng định
Một trong những điều tôi luôn trăn trở là với thời đại mở cửa và hội nhập, các bạn trẻ có cơ hội tiếp nhận nhiều hơn những phong cách, lối sống và cả những suy nghĩ từ bên ngoài, nên kéo theo mặt trái là cũng dễ mất phương hướng. Nếu không hiểu để chăm sóc và nuôi dưỡng những giá trị tốt đẹp của con người VN, đến một lúc nào đó sẽ tạo nên những thanh niên bàng quan trước thời cuộc, vô cảm và lạnh lùng với cuộc sống, với cộng đồng. Đừng vội trách những bạn trẻ lầm đường lạc lối mà hãy bình tĩnh giúp các bạn định hướng, xây dựng hoài bão cho mình. Mỗi người đi trước phải là một tấm gương, là ngọn đèn để dìu dắt người đi sau. Chúng ta phải làm tất cả những gì có thể để giúp các bạn hình thành bản lĩnh biết nhận thức đúng sai, dũng cảm đương đầu với cái xấu, sẵn sàng chia sẻ với cộng đồng. Và đừng quên cũng cần tạo cơ hội để các bạn có thể khẳng định mình. * Bạn Phan Kiều Thanh Hương (bí thư Đoàn quận 8 , TP.HCM): Trưởng thành từ “bữa cơm nghĩa tình”
Cứ mỗi ngày có hai đoàn viên thanh niên đến nhận cơm từ thiện ở chùa, rồi lần lượt mang đến cho 15 cụ già neo đơn, hoàn cảnh khó khăn... ở phường 11, quận 8, TP.HCM. Sang ngày hôm sau, có hai đoàn viên thanh niên khác đảm trách công việc tưởng chừng như nhẹ nhàng này nhưng không phải có nhiều nơi làm được. Cứ thế họ xoay tua, thay phiên nhau gánh vác chăm lo các cụ suốt bảy năm nay. Chỉ có những tấm lòng, tinh thần tình nguyện và trách nhiệm thật sự với cộng đồng, với những hoàn cảnh khó khăn mới có thể duy trì được sự san sẻ yêu thương lâu dài như thế. Với Thanh Hương, “bữa cơm nghĩa tình” không chỉ san sẻ trách nhiệm của người trẻ đối với những hoàn cảnh khó khăn, mà còn mang ý nghĩa giáo dục các bạn biết sống có trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội... |
___________________
Phóng to |
24 tuổi, “cô Ba” (bìa phải) đã có 10 năm làm cô giáo trường làng - Ảnh: phi long |
Không được đến trường, cô bạn nhờ mẹ chỉ dạy rồi tự học và trở thành cô giáo trường làng. Thấy trẻ con trong ấp thiếu thốn sách báo, người bạn ấy lại lập một thư viện nhỏ cho mấy đứa trẻ nghèo có chỗ đọc miễn phí...
“Cô Ba” - tên gọi thân thương mà những đứa trẻ ấp Ràng, xã Trung Lập Thượng (Củ Chi, TP.HCM) dành để gọi người bạn ấy - Huỳnh Thanh Thảo. Bạn là một trong những đại biểu chính thức của Đại hội Thi đua yêu nước TP.HCM lần V khai mạc hôm nay (14-6).
Cô giáo trường làng và thư viện ấp
Bà Giang Thị Phượng - mẹ bạn Võ Thị Diễm Trang, một trong những học trò đầu tiên của “cô Ba” - kể: “Vợ chồng tui thất học nên con vào lớp 1 cũng không biết dạy thế nào. Thấy Thảo siêng năng, tự học mà giỏi nên tui sang nhờ kèm cho con mình. Nghĩ gửi kèm giúp con mình những cái chữ đầu tiên chứ đâu ngờ cháu 11 năm liên tiếp là học sinh giỏi”. Những chữ cái đầu tiên, phép cộng trừ Trang làm quen đều từ một tay “cô Ba”. Thành tích học sinh giỏi của học trò đầu tiên khiến cô giáo trường làng trở nên... nổi tiếng. Phụ huynh mấy ấp gần nghe tiếng cũng mang con qua “nhờ cô Ba dạy”.
"Cho dù tôi chỉ còn sống một ngày thì đó sẽ là một ngày trọn vẹn để tiếp tục thực hiện ước mơ của mình: đứng lớp dạy những đứa trẻ hàng xóm, duy trì thư viện miễn phí cho trẻ em nghèo" HUỲNH THANH THẢO |
Thương đám trẻ xóm nghèo không có gì chơi, “cô Ba” lại nghĩ đến việc lập thư viện. Hôm khai trương còn hơn ngày hội của trẻ con trong ấp vì nhiều em lần đầu tiên được đọc truyện, sách báo miễn phí. Với những em khá hơn mỗi lần đến đọc bỏ ống heo chung 500 đồng.
Đến Ngày quốc tế thiếu nhi, heo được “mổ” lấy tiền mua quà bánh, tập vở cho trẻ con nên lũ trẻ quý “cô Ba” lắm. Trái ổi ngon, quả mít ngọt chúng lại mang đến tặng cô, được điểm 10 chúng cũng đến khoe với “cô Ba” đầu tiên. Bà con cũng chung tay góp vài tập truyện, ít quyển sách, đống báo cũ cho thư viện “cô Ba”.
Phép lạ giữa đời!
Một ngày đầu tháng 11-1986, bà Nguyễn Thị Xuân trở dạ và được đưa vào trạm y tế của xã. “Sao con tôi lại như thế này?”, sản phụ lạc giọng hỏi bà mụ khi lần đầu nhìn thấy con mình và nhận được câu trả lời như nhát dao xé lòng người mẹ bất hạnh: “Nhỏ này lớn lên chắc sẽ lùn lắm, lại có tật vĩnh viễn”. Sau này đi khám mới biết Thảo mắc bệnh xương thủy tinh. “Nhiều khi muốn nựng con lắm nhưng đụng mạnh lại làm con đau, chân tay sưng vù. Mỗi lần âu yếm luôn cho con biết trước và chỉ vuốt nhè nhẹ”, bà Xuân rơm rớm nước mắt.
“Khát khao được đi học mãnh liệt đến nỗi tôi nhịn đói cả ngày chỉ để mẹ đồng ý. Mẹ cũng muốn lắm nhưng sợ đến trường lỡ bị bạn bè giẫm phải tôi thì biết làm sao. Nhiều lần thấy mẹ giấu vội giọt nước mắt lòng tôi thắt lại và nghĩ cánh cửa tri thức đã khép lại với mình”, Thảo nhớ lại. Rồi mẹ chiều ý mua cho mấy quyển sách lớp 1 về dạy con học ở nhà nhưng cũng chỉ hết tập 1 vì mẹ hết chữ. Thảo tự mày mò học từng chữ, tập làm toán một cách thành thạo tới chương trình lớp 5.
24 tuổi, “cô Ba” chỉ cao 60cm như một đứa trẻ. Chiếc xe lăn thay cho từng bước chân. Chiếc giường trở thành người bạn thân thiết nhưng chưa bao giờ Thảo làm phiền đến ai khác trong các sinh hoạt hằng ngày như tắm rửa hay ăn uống. Giữa dòng đời nghiệt ngã và kém may mắn ấy, nụ cười lúc nào cũng túc trực trên khuôn mặt cô gái trẻ.
--------------------
(Mời bạn đọc xem thêm phóng sự này phát trên trang truyền hình Tuổi Trẻ tại http://media.tuoitre.vn/tvo.aspx và tải về điện thoại qua hệ thống 3G của mạng di động Viettel).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận