20/04/2010 05:15 GMT+7

Truyền nghề

QUỐC LINH
QUỐC LINH

TT - Ba ngày sau bài “Người mê cá kiểng” (Tuổi Trẻ số ra ngày 12-4) lên báo, một cuộc hội ngộ ngoài dự tính đã diễn ra ngay tại trại cá của Trương Trung Cường - nhân vật của bài viết.

Trước đó, hàng trăm cuộc điện thoại gọi đến mà theo lời Cường là “công việc gần như bị tắc nghẽn vì chỉ để trả lời điện thoại, vậy mà sau ít phút máy di động của tui báo 50 cuộc gọi nhỡ”.

2KF7h2tw.jpgPhóng to

Nhiều bạn đọc đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm và tìm cơ hội hợp tác tại trại cá kiểng của Trương Trung Cường - Ảnh: Q.LINH

Nhiều người với các độ tuổi khác nhau nhưng có chung một đam mê cá kiểng nên chẳng hẹn mà cùng tìm đến. Chưa bao giờ trại cá của Cường lại có đông người tìm đến như vậy.

Chú Tư Sa cho biết từ Đồng Tháp hai anh em chú chở nhau khởi hành từ 3g sáng, vậy mà gần 12g trưa mới tìm được đến nơi. Nhà có sẵn ao, từng nuôi cá ba sa nhưng không hiệu quả, đọc được thông tin về trại cá kiểng của Cường, anh em chú mang theo máy quay phim quay đem về cho mọi người cùng coi. Trong khi đó, chú Hai Huỳnh - một cựu chiến binh ở xã Hưng Long (Bình Chánh, TP.HCM) - cẩn thận ghi chép vào sổ tay những giải đáp của Cường để “về nhà cần mở ra xem lại, chứ có tuổi rồi sợ nhớ cái này qua cái kia”.

Rất nhiều thắc mắc về cá kiểng được Cường giải thích tận tình, cặn kẽ đến từng chi tiết. Anh hóm hỉnh: “Ngày trước tui tự mày mò tìm cách lập nghiệp, sau bảy năm cũng kha khá kinh nghiệm nên bây giờ hễ các anh các chú muốn tham gia nghề này tui sẵn sàng truyền lại, không giấu nghề gì đâu”.

Những câu hỏi xoay quanh chuyện xử lý nước, kỹ thuật làm ao, chọn lựa thức ăn, xử lý khi cá bệnh... tất tật đều được Cường lý giải một cách cặn kẽ. Ngay cả kinh nghiệm nhiều năm trong nghề của Cường để khẳng định nước vùng nào thích hợp với loại cá nào cũng được anh chia sẻ. Như chuyện khu vực miền Tây khó lòng nuôi được những loại cá có màu đỏ đạt đúng màu đỏ tươi, mà chỉ có thể là đỏ cam làm những người có mặt khá bất ngờ.

Cường đưa mọi người đi quanh các ao với những chủng loại cá anh đang nuôi để minh chứng cho lý thuyết anh vừa trao đổi. Cuối buổi, Cường nhắn nhủ: “Có một lời khuyên thật lòng muốn gửi mọi người là chỉ nên bắt đầu từ từ thôi, nuôi thử nghiệm một ít đã, khi nào đủ kinh nghiệm hãy làm lớn chứ đừng vội bung lớn ngay. Nghề này coi vậy chứ cực lắm”.

Từ Bình Định vào, bạn Phú sau khi trao đổi kỹ với Cường cho biết: “Tôi sẽ về quê tính lại việc này, chắc là sẽ làm đại lý bán cá kiểng cho anh Cường, vì theo kinh nghiệm của anh ấy, nguồn nước khu vực quê tôi khó phát triển việc nuôi cá kiểng”. Chú Bảy Thiện bày tỏ: “Thiệt không uổng công tui từ Tiền Giang lên đây từ sớm, chú Cường còn trẻ mà hay quá, kỳ này phải tham gia làm cơ sở vệ tinh cho chú Cường mới được”.

Có mặt trong buổi gặp, ông Trần Chung Đỉnh - phó bí thư thường trực Đảng ủy xã Tân Nhựt - bảo đúng là trước giờ chưa từng có đông người cùng lúc đến thăm trại cá của Cường như vậy nên không đủ chỗ cho mọi người ngồi. Ông cho biết xã đã tính đến việc hỗ trợ để Cường có một nơi trưng bày sản phẩm, trình diễn mô hình nuôi cá kiểng để tiện cho người đến tham quan học hỏi kinh nghiệm, vì đây được xác định là một trong những nghề xã đầu tư khi xây dựng mô hình nông thôn mới.

QUỐC LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên