Phóng to |
Hôm nay (chủ nhật 18-4) đặc biệt hơn mọi ngày vì là thời điểm kỷ niệm 10 tuần “tiệm sách” ở công viên này ra đời: mong muốn chia sẻ những cuốn sách của mình với mọi người, đôi bạn đã cho ra đời một thư viện sách nhỏ giữa công viên để ai cũng có thể đến đọc miễn phí.
Góc đọc giữa công viên
Bác Đặng Văn Thuận, 64 tuổi, sau khi kết thúc mấy vòng chạy thể dục buổi sáng liền thủng thẳng dừng chân, chọn cho mình một cuốn sách rồi ra chiếc ghế đá quen thuộc ngồi đọc. Nhà ở Bình Thạnh nhưng nhiều năm nay bác vẫn đều đặn đạp xe lên công viên tập thể dục gần như mỗi buổi sáng, và khi thư viện nhỏ ra đời bác bổ sung cho mình “món” đọc sách sau khi tập.
“Chẳng thể tìm ra một nơi nào ở đâu đó hợp hơn công viên để đọc sách. Thật hay khi giờ đây ngoài việc tập thể dục, ngồi hóng mát tôi và những người bạn già lại có thêm người bạn sách vào những buổi sáng cuối tuần. Chỉ cần chọn sách và đọc chứ không phải làm thủ tục mượn sách rắc rối như trong thư viện”, bác nói.
Cũng từ khi biết có gian sách này, chủ nhật hằng tuần Dương Quốc Thái - một bạn trẻ đang phụ quán cơm ở quận 8 - đều đặn đón xe buýt đến đây để đọc. Thái nói: “Mê sách lắm nhưng tiền lương ở quán chỉ đủ trang trải cuộc sống hằng ngày. Thư viện này mở ra hoàn toàn miễn phí nên rất thích hợp với những người như tôi”. Trước đó, Thái đã học hết cấp III, muốn học đại học nhưng quá nghèo, không có tiền.
Anh Henry, giảng viên Trường ĐH RMIT (TP.HCM), cùng vợ tình cờ đến công viên và cũng chọn cho mình vài cuốn để đọc. Anh cho biết loại hình đọc sách miễn phí nơi công cộng xuất hiện khá nhiều ở Mỹ nhưng “đây là một ý tưởng thú vị và mới lạ ở Việt Nam”. Anh đang nghĩ cách đóng góp thêm cho thư viện.
10 tuần và bắt đầu những ý tưởng mới
Ý tưởng làm một thư viện di động bắt đầu khi Thảo và Hiền xem một chương trình thư viện miễn phí (trên tivi) ngay tại ngã tư đường phố của một nhóm SV ở Mỹ. Tại Úc cũng có một chương trình tương tự nhưng thực hiện ở các khu lao động nghèo, hướng đến đối tượng trẻ em. “Tại sao mình không mang sách đến công viên để chia sẻ với mọi người?”, Hiền nói với Thảo và cả hai cùng bắt tay thực hiện.
Lần đầu tiên xin phép ban quản lý một công viên ở Q.10, nơi đây từ chối và đề nghị “nếu trả phí thì được”. Không nản lòng, cả hai chuẩn bị hồ sơ đến gõ cửa tiếp công viên Lê Văn Tám và nhận được cái gật đầu cùng sự giúp đỡ rất nhiệt tình. Thấy Thảo và Hiền phải cặm cụi chở sách từ tận Bình Thạnh và Phú Nhuận sang công viên buổi sáng, rồi chiều tối lại chở về nên một bạn đọc nhà ở đối diện công viên đã cho gửi nhờ sách sau khi thư viện “đóng cửa”. Không chỉ đọc, nhiều độc giả bắt đầu kết thân với hai cô gái trẻ và góp sách vào thư viện, mỗi người vài ba cuốn.
Đã 10 tuần trôi qua, cả Thảo và Hiền đều cảm thấy hạnh phúc khi mình làm được một việc có ích nho nhỏ: mang văn hóa đọc chia sẻ cho nhiều người trong công viên. Một nhóm góp sách cũng ra đời với thành viên là những bạn đọc của thư viện, để từ gần 200 cuốn sách giờ đây thư viện này đã có hơn 400 đầu sách khác nhau.
“Trước mắt là đưa thư viện vào hoạt động ổn định. Còn lâu dài chúng tôi sẽ phát triển thêm nhiều điểm ở các công viên khác. Chúng tôi muốn chia sẻ những cuốn sách mình có với hi vọng văn hóa đọc của giới trẻ sẽ phát triển hơn, và quan trọng nhất là truyền thông điệp hãy chia sẻ sách để cùng lập nên nhiều thư viện cộng đồng và hoàn toàn miễn phí”, Thảo nói.
Những người yêu sách
Nguyễn Thị Thảo (sinh 1989), quê Bắc Giang, đang là SV năm 3 khoa marketing, còn Nguyễn Thu Hiền (sinh 1989) ở TP.HCM, đang học năm 3 khoa tài chính doanh nghiệp Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. Thảo và Hiền đã lập nhóm góp sách để bổ sung thường xuyên cho thư viện miễn phí và đã góp gần 200 cuốn sách. Hiện đã có hơn 10 tình nguyện viên tham gia hoạt động của thư viện vào các ngày chủ nhật trong tuần và nhóm có dự định mở cửa nhiều ngày trong tuần hơn để phục vụ nhu cầu của bạn đọc. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận