![]() |
Trương Trung Cường có thể nói về cá kiểng hàng giờ - Ảnh: Q.LINH |
Ngay chính những người trong gia đình còn bảo “chắc thằng này có vấn đề”. Anh chẳng nói gì, lao vào làm để chứng minh con đường mình đi là đúng... “Hồi đó khi tôi nói sẽ làm giàu từ cá kiểng, hầu như ai cũng hồ nghi. Nuôi cá thịt còn chưa tới đâu nói gì cá kiểng. Nhưng tôi cứ làm với niềm tin chẳng có gì không làm được nếu mình dốc hết sức” - Trương Trung Cường, hiện là chủ một trong những trại nuôi cá kiểng có tiếng tại huyện Bình Chánh (TP.HCM), nhớ lại ngày đầu khởi nghiệp của mình cách đây bảy năm.
Đam mê ngày bé
Ra trường, tìm được công việc đúng chuyên môn, điều tưởng như quá lý tưởng với một bạn trẻ nông thôn như Cường. Gia đình anh cũng tin vậy, thấy nhiêu đó đủ mãn nguyện. Nhưng Cường lại tự rẽ cho mình lối đi khác với suy nghĩ: nhà có đất, làm ruộng vất vả mà kiếm được chẳng là bao, phải có cách gì đó làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Nhưng “cái cách gì đó” của Cường lại chẳng có mấy người ủng hộ vì trước giờ chưa nghe thấy ai nuôi cá kiểng mà giàu được! “Tôi mê cá kiểng từ nhỏ nhưng nuôi thành nghề thì lúc đó chưa nghĩ đến. Đến khi thấy nhà nhà chơi cá kiểng mới nhen nhóm suy nghĩ sao mình không nuôi thử” - Cường nhớ lại. Nói là làm. Anh thuê người làm hai hồ ximăng vỏn vẹn 12m² từ số vốn 5 triệu đồng để bắt đầu gầy dựng sự nghiệp bằng nghề nuôi cá kiểng.
Lập cơ sở cá “vệ tinh” Quy mô trại cá của Cường ngày càng lớn nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nguồn hàng như yêu cầu. Việc thuê đất hiện cũng không đơn giản nên Cường đã tính đến phương án lập cơ sở cá “vệ tinh”. “Chỉ cần bạn nào nhà có đất và muốn phát triển nghề này, tôi rất sẵn sàng hợp tác cùng làm ăn. Tôi sẽ hỗ trợ về kỹ thuật nuôi, đầu tư con giống, thức ăn và thậm chí bao luôn việc tiêu thụ đầu ra cho con cá kiểng khi xuất ao cho họ”- Cường cho biết. |
Kinh nghiệm đau thương nhất đến giờ Cường còn nhớ như in chính là trận mưa lay lắt ba ngày trời. Khoảng 40.000 con cá chép Nhật chuẩn bị xuất ao bỗng chốc tan như bong bóng mưa. Nhìn đàn cá lũ lượt phơi trắng bụng đến lóa mắt mới bàng hoàng xót của nhưng muộn mất rồi. Mưa liên tục, nước sục phèn nhưng vào nghề chưa lâu, không ai truyền “bí kíp” nên anh cứ nghĩ chắc cũng bình thường thôi. Ai ngờ... Vậy là toi công mấy tháng trời chăm sóc, toi luôn 40 triệu đồng cả vốn lẫn lời.
Làm giàu và sẻ chia
Không thể làm ăn nghiệp dư, nghĩ thế nên anh đi học. Hễ nghe đâu có tài liệu liên quan đến nuôi cá kiểng là tìm đọc. “Làm nghề này phải chịu khó mới trụ được. Lợi nhuận cao nhưng rủi ro cũng rất nhiều. Vì nuôi cá thịt lỡ có chuyện cá chết còn bán giá rẻ vớt vát đồng nào hay đồng đó, chứ cá kiểng chết ai mua nữa” - Cường cười nói.
Người ta thấy anh kỹ sư ĐH Nông lâm TP.HCM ấy chạy đi chạy về giữa Sài Gòn và Long An như con thoi. Hỏi thăm, anh gãi đầu bảo: “Ừ, thì giờ cũng được chừng vài chục ngàn mét vuông ao nuôi rồi”. Tận dụng hết đất nhà ở xã Tân Nhựt không đủ, anh phải thuê thêm đất ở xã Bình Lợi (Bình Chánh), rồi mò xuống Đức Hòa (Long An) thuê đất đào ao mở thêm cơ sở thứ ba. Ngoài các giống chủ yếu như cá chép Nhật, cá ba đuôi và một vài loại khác, khi khách hàng có nhu cầu các loại cá kiểng cao cấp ngoại nhập anh cũng sẵn sàng đáp ứng.
Làm, tích lũy kinh nghiệm và cả vốn liếng. Đã qua những ngày phải cậy nhờ khắp nơi mới có thể nhập về trại những con cá giống bé tí từ nước ngoài có giá đến cả chục triệu đồng. Giờ đây, kinh nghiệm làm nghề chỉ cho anh cách chọn được con cá giống tốt nhất sau mỗi lứa cá, kỹ thuật giúp cá sinh sản nên nguồn cá giống bố mẹ gần như chẳng còn là nỗi lo. Đến cả việc nhận diện, xử lý nguồn nước ô nhiễm cũng không còn quá phức tạp với ông chủ trẻ ấy nữa.
“Nhu cầu về cá kiểng hiện đang lớn lắm, hầu như ngày nào trại của tôi cũng xuất xưởng nhưng cả ba cơ sở đều không đáp ứng đủ” - Cường nói. Anh cho biết sẵn sàng hỗ trợ và nhận bao tiêu luôn đầu ra cho bất cứ bạn nào muốn bắt đầu công việc này. Hỏi có giấu nghề không, Cường thật thà: “Có gì phải giấu, nguồn hàng cung chưa đủ cầu, nếu có thêm người nuôi thì càng tốt chứ sao”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận