14/02/2010 14:22 GMT+7

Môi trường vun trồng người trẻ

V.V.THÀNH - HUY HOÀNG - CẦM VĂN KÌNH - ĐẶNG TƯƠI thực hiện
V.V.THÀNH - HUY HOÀNG - CẦM VĂN KÌNH - ĐẶNG TƯƠI thực hiện

TTXuân - Không chỉ sớm khẳng định năng lực trong nước mà còn tìm kiếm thành công trên toàn cầu, họ đã góp phần chứng minh đất nước không thiếu những người trẻ giỏi giang, và ở đâu lấy vun trồng nguyên khí làm việc đầu tiên thì ở đó người trẻ sẽ có nhiều cơ hội cất tiếng nói trước thời cuộc.

Bàn tròn đầu xuân:

Những chuyển động từ các công dân trẻ tuổi đang truyền đi tín hiệu về sự vươn mình của thế hệ. Góp mặt cùng Tuổi Trẻ trong không khí đón năm mới, các bạn trẻ đã chia sẻ những bí quyết vào đời của mình, cũng như nhìn nhận về môi trường vun trồng người trẻ giỏi hiện nay.

bC55yNUQ.jpgPhóng to
Các bạn trẻ luôn muốn khẳng định sự vươn mình của thế hệ qua những hoạt động thiết thực, ý nghĩa - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Nguyễn Đức Khương - giám đốc trung tâm nghiên cứu về kinh tế, tài chính và luật tại Học viện Thương mại Paris:

Phải nói cùng “ngôn ngữ” với cộng đồng khoa học quốc tế

bjmT8hvk.jpgPhóng to

Nguyễn Đức Khương - phó giáo sư, tiến sĩ, giảng viên, giám đốc trung tâm nghiên cứu về kinh tế, tài chính và luật tại Học viện Thương mại Paris. Chủ tịch Hội Sinh viên VN tại Pháp (UEVF) nhiệm kỳ 2006-2008 và hiện là thành viên ban cố vấn UEVF, phụ trách phát triển mạng lưới các nhà khoa học và chuyên gia VN tại Pháp.

Với cá nhân tôi, mọi việc đến cũng rất tự nhiên kể từ khi lựa chọn làm nghiên cứu sinh với mong muốn hiểu sâu về sự vận hành thị trường tài chính của các nước mới nổi, trong đó có thể tính cả VN, và tham gia công tác giảng dạy. Khởi đầu bằng việc quyết tâm hoàn thiện luận án tiến sĩ, còn khi đã vào “guồng” thì cứ thế tiếp tục tiến lên phía trước.

Tuy nhiên, con đường đó không phải lúc nào cũng bằng phẳng, vì môi trường giảng dạy, nghiên cứu ở nước ngoài có tính cạnh tranh cao, đòi hỏi mình phải trau dồi kiến thức thường xuyên, phải nỗ lực học hỏi và cọ xát với đồng nghiệp. Mức độ hội nhập cao với thế giới ở Pháp cũng yêu cầu mình phải nói cùng một “ngôn ngữ” với cộng đồng khoa học quốc tế, cả ngôn ngữ chuyên môn lẫn ngôn ngữ đàm thoại. Nói tóm lại, tôi nghĩ phải quyết tâm làm chủ chuyên môn, làm việc hết mình và nỗ lực học hỏi từ bạn bè quốc tế trong công việc của mình.

Nước ta đang trong thời kỳ hội nhập, tôi thấy mọi thứ đang ngày càng được cải thiện, trong đó có môi trường làm việc, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nhân lực. Đó là những điểm thuận lợi lớn.

Nhiều người cho rằng những thay đổi trên chưa tương xứng với kỳ vọng hoặc mức độ cần thiết, nhưng tôi nghĩ cái khó khăn nhất trong việc tạo ra một môi trường làm việc lý tưởng là thay đổi cách tư duy, suy nghĩ, phương pháp làm việc của mỗi chủ thể cá nhân trong môi trường đó. Lý do là môi trường làm việc không chỉ đơn thuần là các điều kiện thiết bị, máy móc hay cơ chế đãi ngộ.

Nước ta được thế giới đánh giá có nguồn lực con người tốt, như vậy câu hỏi đặt ra là thật sự chúng ta đã quyết tâm sử dụng đúng người, đúng chỗ hay chưa. Điều chúng ta cần có lẽ là một môi trường làm việc mà trong đó thước đo đánh giá là hiệu quả công việc và tinh thần trách nhiệm. Tất nhiên chính sách đãi ngộ nhân sự cũng phải được điều chỉnh để phù hợp các yêu cầu trên.

Kỹ sư Lê Trung Tĩnh - học bổng “Vì ngày mai phát triển” của báo Tuổi Trẻ:

Để người trẻ thể hiện vai trò trước thời cuộc

NBQBMMWJ.jpgPhóng to
Lê Trung Tĩnh

Lê Trung Tĩnh - học bổng “Vì ngày mai phát triển” của báo Tuổi Trẻ năm 2003. Sau khi tốt nghiệp ĐH Bách khoa TP.HCM, làm việc tại Công ty Bachy Solétanche của Pháp tại TP.HCM, làm luận án tiến sĩ tại Pháp. Hiện làm việc tại Công ty thiết kế xây dựng Systra.

Một người thành công nên được định vị không chỉ bằng những thành đạt cá nhân, mà quan trọng là bằng các đóng góp và thể hiện của họ trong một không gian rộng lớn hơn, đó là gia đình, cộng đồng, đất nước và nhân loại.

Ai đó nói rằng muốn vào đời thành công thì phải cố gắng học hành, tự tin, có ý chí, có nghị lực… Đây là điều kiện cần và theo tôi để làm nền cho những đức tính đó, hay nói cách khác, để có các phẩm chất đó thì tình yêu dành cho gia đình, đất nước sẽ là nền tảng thôi thúc tuổi trẻ cần cù, chịu khó và khiêm tốn để vươn đến sự thành công.

Nhiều người Việt khi ra nước ngoài đã khẳng định được trí tuệ, phẩm chất của người Việt. Có người hỏi tôi hình như trong nước chúng ta chưa có nhiều lắm những người trẻ tài giỏi, đảm nhận những vị trí quan trọng trong bộ máy chính quyền? Theo tôi, một trong những lý do có thể là tâm lý ngại đột phá và đổi mới, vốn là những phẩm chất của tuổi trẻ và là nhân tố để phát triển.

Dường như đây đó chúng ta vẫn chưa tạo điều kiện tốt nhất để một người trẻ thể hiện chính kiến của mình và đi đến cùng trong việc bảo vệ nó, mặc dù đây là điều kiện quan trọng để tuổi trẻ tham gia thật sự vào các vấn đề của đất nước. Có nhiều lý do, trong đó có cả những lý do đến từ phía các bạn trẻ. Nếu tuổi trẻ VN ý thức được những điều trên thì với khát vọng thay đổi, chính họ sẽ là câu trả lời.

Tống Quốc Trường - tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Tài chính dầu khí:

Trọng dụng người giỏi bằng cạnh tranh lành mạnh

mvri55Q7.jpgPhóng to

Tống Quốc Trường - tiến sĩ, ủy viên ban chấp hành Trung ương Đoàn, ủy viên đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên VN, phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ VN, chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ dầu khí...

Tôi có may mắn được tuyển chọn vào một đơn vị mà việc sử dụng người trẻ vào cương vị lãnh đạo không còn là chuyện “liều lĩnh” nữa. Và cơ hội lớn nhất để người trẻ có thể vươn lên, theo tôi, chính là cơ chế cho sự cạnh tranh lành mạnh.

Hiện lớp trẻ VN đã có nhiều cơ hội để thể hiện mình. Tuy nhiên, việc sử dụng người giỏi là cả một quá trình và đây đó còn bất cập. Theo tôi, để trọng dụng được người giỏi không có gì là khó. Dù tuyển bằng cấp gì nhưng để thật sự trọng dụng nhân tài phải có cơ chế quản trị nhân sự hiện đại, có cơ chế đánh giá nhân sự định kỳ, đặc biệt cùng với đánh giá là phải giao việc.

Chỉ tuyển người theo bằng cấp sẽ khó tìm người làm được việc, nhưng tìm được rồi, đánh giá cao nhưng không giao việc hoặc giao không xứng với trình độ của người ta cũng là cách làm thui chột, chai lì một khả năng.

Một số doanh nghiệp liên doanh tại VN đã thuê công ty chuyên về nhân sự lớn của thế giới tìm người cho những vị trí mình đang cần, thậm chí tham gia đánh giá nhân viên của mình bằng những bài kiểm tra đã được thực hiện trên toàn thế giới, đo định khả năng chịu sức ép, đưa sáng kiến, vạch kế hoạch, hoàn thành các mục tiêu… VN đến một thời điểm nào đó cũng phải vận dụng cách này.

Tuy nhiên trước mắt, theo tôi, cần cơ chế tuyển chọn công khai, vào công chức rồi cũng không thể để họ cảm thấy “chắc chân”, không cần cố gắng vẫn yên vị. Một cơ quan chỉ năng động khi mọi vị trí đều phải có cạnh tranh lành mạnh và một người vượt lên trong cuộc cạnh tranh đó phải được trọng dụng. Những tiêu chí đánh giá cán bộ cần được công bố như một đích để mọi người cố gắng. Khi một người vượt qua những tiêu chí đó thì đương nhiên có quyền nhận lương, vị trí cao hơn.

Cuối cùng, việc chọn nhân sự làm được việc, theo tôi, cần được đưa ra như một tiêu chí đánh giá lãnh đạo và người phụ trách nhân sự. Vì dù ở đâu nếu không có cơ chế để người trẻ, người tài được trọng dụng thì sớm hay muộn doanh nghiệp đó sẽ đánh mất vị thế của mình trong tương lai.

Lưu Bảo Hương - giám đốc điều hành Công ty Doanh Chủ:

Người trẻ chấp nhận “chà xát”

ZjCMVHx3.jpgPhóng to
Lưu Bảo Hương

Lưu Bảo Hương - thạc sĩ quản trị kinh doanh, giải thưởng “Sao tháng giêng toàn quốc” của Trung ương Hội Sinh viên VN năm 2001, sinh viên tiêu biểu ĐH Kinh tế, đội trưởng xuất sắc chiến dịch Mùa hè xanh 2000, 2001.

Ngày ấy, tôi đang làm việc ở một tập đoàn thì nhận được học bổng của thành phố đi học thạc sĩ ở nước ngoài. Sau đó, tôi tự tìm thêm học bổng thạc sĩ ở Pháp. Được đi học nước ngoài với tôi là một cơ hội mở ra nhiều điều lớn. Tuy vậy, học xong về nước, cuộc đời tôi có lẽ đã khác nếu tôi chấp nhận những gì người khác sắp xếp.

Công việc tôi được phân công không có gì đáng phàn nàn, nhưng tôi muốn được thử thách nhiều hơn thế. Tôi thuyết phục nơi xét học bổng cho tôi hoàn lại khoản tài trợ học bổng để được đi theo con đường mình chọn.

Câu chuyện của tôi xảy ra đã nhiều năm, đến nay tôi nghĩ đó là lần tôi can đảm đánh cược với cuộc đời. Tôi thấy có những khoảnh khắc trong đời mình phải biết quyết định và lựa chọn, nhất là khi còn trẻ. Nay đã vững vàng trong công việc, tham gia giảng dạy rồi tuyển dụng, tôi thấy việc tạo cơ hội cho người trẻ là chắp đôi cánh cho họ bay xa.

Thứ nhất, người trẻ là những người còn cơ hội, còn thời gian để được “vấp ngã” và học được nhiều điều mới sau mỗi lần thất bại. Vì vậy, sau khi cho họ thấy họ sẽ được và mất những gì, hãy để họ tự chọn lựa và chịu trách nhiệm với quyết định ấy. Họ cần định hướng nhưng cũng cần lắm một sự lắng nghe trước khi được tư vấn chọn nghề nghiệp.

Thứ hai, học xong đại học và thành công vẫn là khoảng cách lớn với rất nhiều người. Người trẻ thường nhiệt huyết nhưng thiếu kinh nghiệm và luôn có rất nhiều câu hỏi về bản thân. Họ muốn làm thật nhiều thứ nhưng thiếu phương thức thực hiện. Nhưng họ trẻ - họ chịu được áp lực lớn. Hãy cho họ cơ hội được thử với lửa, với những công việc mà họ phải chịu trách nhiệm để có kết quả nhìn thấy được.

Thầy dạy hay nhất, người tuyển dụng công bằng nhất là thực tế. Từ đó mới bắt đầu quy trình chọn và đầu tư thêm cho những người thật sự giỏi. Họ sẽ tự biết mình phải học gì và cố gắng thêm bao nhiêu. Chúng tôi - những người trẻ - chấp nhận sự “chà xát”, miễn là trong môi trường cạnh tranh công bằng.

Lê Hùng Tiến - trưởng khoa kỹ thuật nhiệt lạnh Đại học Văn Lang:

Tạo dựng công việc cho mình

tqbQN1GL.jpgPhóng to

Lê Hùng Tiến - tiến sĩ, trưởng khoa kỹ thuật nhiệt lạnh Đại học Văn Lang, giải nhất Bạn đồng hành của báo Tuổi Trẻ năm 1995.

Bằng khen của chủ tịch UBND TP.HCM do huấn luyện đội tuyển CADD VN đoạt giải cao tại ASEAN Skills Competition 2004.

Nếu cơ chế không tạo điều kiện cho người giỏi phát huy thì đó là một nguy cơ và là một sự lãng phí. Để sử dụng chất xám hiệu quả trong xã hội, tôi nghĩ cần mạnh dạn giao việc và chịu trách nhiệm cá nhân cho người trẻ. Năng lực và hiệu quả công việc là thước đo cho bất kỳ bạn trẻ nào, chứ không phải do tuổi tác hay quan hệ.

Còn với người trẻ, hiện nay xã hội cung cấp rất nhiều cơ hội và phương tiện học tập cho chúng ta. Điều đó có nghĩa chúng ta có nhiều cơ hội tiếp cận và cập nhật kiến thức rất nhanh chóng dựa vào các tiến bộ khoa học và công nghệ hiện nay. Tuy nhiên để có thể chủ động tự tạo điều kiện cơ hội nghề nghiệp cho bản thân thì việc học tập và vận dụng các kiến thức hàn lâm trong trường học sẽ không đủ và chưa sát thực tế công việc.

Do vậy chúng ta cần chủ động trang bị kiến thức ngoài xã hội và các công cụ hỗ trợ cho nghề nghiệp của mình như ngoại ngữ và máy tính. Bên cạnh đó, mở rộng quan hệ và các kênh thông tin trong lĩnh vực nghề nghiệp của mình như tham gia các hiệp hội, hội thảo chuyên ngành…

Nếu có những điều đó, chúng ta không lo ngại về chuyện có ai trải thảm cho công việc của mình, mà tự chúng ta có thể tạo dựng công việc cho riêng mình và qua đó đóng góp cho xã hội. Một điều rất quan trọng là chúng ta cần có kế hoạch cuộc đời mình, các điểm mốc cần hoàn thành. Nếu chỉ có kỹ năng giỏi mà quên đi tính hệ thống và tầm nhìn xa hoạch định về tương lai nghề nghiệp, thì chỉ có thể là một người làm giỏi nhưng rất khó thành công như một người chủ giỏi.

V.V.THÀNH - HUY HOÀNG - CẦM VĂN KÌNH - ĐẶNG TƯƠI thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên