20/05/2004 06:02 GMT+7

Cần trang bị cho thanh niên lý tưởng để hành động

THÁI BÌNH - QUỐC LINH thực hiện
THÁI BÌNH - QUỐC LINH thực hiện

TT - Mặc dù tuổi cao sức yếu, giáo sư - nhà sử học Trần Văn Giàu vẫn từng ngày dõi theo bước chân của giới trẻ: “Mấy chú thanh niên (TN) ít chơi với mấy ông già. Nhưng mấy ông già chú ý đến TN lắm”.

IGSsmOMc.jpgPhóng to
Giáo sư Trần Văn Giàu tại một buổi giao lưu với cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang TP.HCM - Ảnh tư liệu
TT - Mặc dù tuổi cao sức yếu, giáo sư - nhà sử học Trần Văn Giàu vẫn từng ngày dõi theo bước chân của giới trẻ: “Mấy chú thanh niên (TN) ít chơi với mấy ông già. Nhưng mấy ông già chú ý đến TN lắm”.

Ông đặc biệt cảm thấy thú vị với các cuộc tranh tài sôi nổi tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh của giới trẻ và tỏ ra thật sự hào hứng khi trao đổi với Tuổi Trẻ về chủ đề này.

* Thưa giáo sư, người trẻ cần quan tâm những nội dung nào trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh?

- Nội dung nào cũng liên quan đến giới trẻ cả, vì họ chính là lực lượng quan trọng tiếp tục thực hiện sự nghiệp cách mạng Việt Nam được hệ thống lại trong tư tưởng Hồ Chí Minh. TN có TN công nhân, TN trí thức, TN nông dân… nhưng họ chỉ phát huy được vai trò quan trọng của mình đối với tiền đồ dân tộc một khi phấn đấu theo lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Theo tôi, TN cần nắm được một trong các vấn đề cốt lõi nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh là chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng. Yêu nước phải anh hùng, tức phải hành động chứ không nói suông. Vì mỗi con người phải có Tổ quốc và phải chiến đấu vì Tổ quốc.

Tôi nghiên cứu sử học và thấy rằng trên thế giới này không có dân tộc nào không từng bị xâm lược trong lịch sử.

Nhưng có dân tộc nào bị xâm lược nhiều lần nhất, lâu dài nhất hơn dân tộc VN? Có dân tộc nào bị đô hộ lâu dài hàng ngàn năm mà vẫn tồn tại, không bị tiêu diệt? Có dân tộc nào trên thế giới đánh bại được quân xâm lược mạnh gấp 10, 20, 30 lần như VN không?

Nói như vậy không phải để tự cao, tự phụ mà là để tự hào. TN mà được trang bị chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng, tôi cho là đã tốt cơ bản.

* Theo giáo sư, đâu là mặt mạnh, mặt yếu của TN trong cơn lốc kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập?

- TN thời nào cũng hăng hái, nhiệt tình, dám nghĩ dám làm vì đó là bản chất của tuổi trẻ. Nhưng không phải tuổi trẻ nào cũng như thế đâu, chỉ là của phần đông thôi, vì trong TN có nhiều tầng lớp. Tôi nói mặt yếu của một tầng lớp TN nào đó. Ví dụ như việc ham ăn chơi, đua đòi, bị quyến rũ bởi thói hư tật xấu.

Cả những TN trí thức cũng không ít người ham danh vọng hơn là phục vụ. Danh thì cần, nhưng ham mê danh vọng thì nguy hiểm, TN nào cũng có thể mắc phải. Thế hệ TN thời chiến tranh nuôi lắm kỳ vọng, lắm cao vọng. Có kỳ vọng, có cao vọng là tốt; không có kỳ vọng, không có cao vọng là kém.

Tôi nhớ hồi trẻ mình từng có kỳ vọng trở thành một người như Nguyễn An Ninh vì ông yêu nước, chống Tây, học trường Tây mà không theo Tây, được dân khen, nể phục. Lớn lên tôi mới nghiệm ra cái gì tốt cho gia đình, tập thể, làng xóm mình, cho dân, cho nước mình thì đó mới là ước mong.

Cần phải có bản lĩnh để nhận ra. TN ngày nay được sống trong hòa bình, có Đảng, có Đoàn dẫn dắt, không còn bị đế quốc, thực dân “nhồi sọ” tư tưởng nên có nhiều bứt phá trong cuộc sống. Ngược lại, một bộ phận TN sống không mục đích, ăn chơi đua đòi, hút chích. Ngay TN có Đoàn cũng thế, vậy thì tổ chức Đoàn cần phải kiểm điểm trách nhiệm của mình.

* Vậy theo giáo sư, việc chăm lo bồi dưỡng giới trẻ đang “có vấn đề”?

- Có thể tôi hiểu không hết, nhưng dường như một bộ phận không nhỏ TN bây giờ thiếu lý tưởng. Tôi nói thiếu chứ không phải không có. Có, nhưng đậm, nhạt khác nhau. Và đậm, nhạt khác nhau một phần do ông thầy trong trường, một phần do “ông thầy” ngoài đời.

Trong trường được dạy cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, nhưng khi ra đời thấy xe cộ, ăn chơi, chạy chọt… Đó là những “ông thầy” tiêu cực, nhiều khi còn tác động hơn cả ông thầy trong trường. Nó làm hư hỏng TN, làm hư hỏng con người. Do vậy không chỉ trong nhà trường, trong cuộc họp mới có sự tuyên truyền, giáo dục. Cái hư hỏng lý tưởng ở ngoài đời nhiều lắm, có khi nhiều quá. đó là nguy cơ.

Chăm lo cho giới trẻ chẳng những phải giáo dục mà còn phải tạo cơ hội cho họ hoạt động xã hội. Hoạt động là cách hay nhất để học tập. Quá trình hoạt động đó sẽ chứng minh việc tuyên truyền, giáo dục có hiệu quả hay không, sâu hay cạn. Như việc làm đường Hồ Chí Minh chính là việc giáo dục lý tưởng không gì bằng.

* Giới trẻ nhìn xung quanh mình thấy cán bộ này, đảng viên nọ hư hỏng nên họ dường như có băn khoăn về việc tu dưỡng đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh?

- Đồng chí Phạm Văn Đồng có tóm gọn đạo đức cách mạng của Bác Hồ trong cụm từ “nhân, nghĩa, trí, dũng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Con người cách mạng không phải chỉ cần hiểu lý thuyết cách mạng, mà còn phải và cần phải có đạo đức cách mạng. Cái khác và cái khó đều nằm chỗ đó.

Ai nói đạo đức cũng được nhưng làm đúng theo đạo đức cách mạng thì không dễ đâu. Chú là một tổng giám đốc, một ông bộ trưởng nên được cấp ôtô, rồi chiều thứ bảy chú đưa vợ con chú đi nghỉ mát tại Vũng Tàu bằng xe gì? Xe công, xe tư hay xe đò?

Chưa nói rằng có những ông lớn khi giao xe cho ổng phải sơn màu gì ổng mới nhận nữa kìa, như vậy là thiếu đạo đức rồi. Làm một người cách mạng có đạo đức cách mạng không dễ đâu. Chưa hết, gần đây một bộ phận cán bộ, đảng viên còn biểu hiện quan liêu, tham ô, lãng phí, xa dân.

Người làm cán bộ mà quan liêu, tham ô, lãng phí, người ấy đạo đức cách mạng có vấn đề. Đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng, quan liêu một cách quyết liệt, thường xuyên là nhiệm vụ cần kíp của chúng ta hiện nay.

Tôi thấy TN của mình không yếu, không thiếu. Mà nếu yếu thì mình phải làm cho nó mạnh, thiếu phải làm cho đủ. Cái chính là trang bị cho họ lý tưởng để hành động. Còn tư tưởng Hồ Chí Minh thật ra là những điều rất bình dị trong cuộc sống, song người học tư tưởng Hồ Chí Minh phải biết suy nghĩ sâu.

Hồi mới ra Bắc sau Cách mạng Tháng Tám, tôi được một người biếu một bộ quần áo. Khi thấy tôi mặc bộ đồ mới, Bác rờ cái nút áo bảo: “Đẹp quá!”. Lúc đó tôi chợt hiểu cụ đang chê mình, đang phê bình mình, vì nhiều người ngoài đường còn đang chết đói… Ngay chiều đó tôi mang đồ trả lại.

Sau này tôi mới hiểu ra đó chính là một nét tư tưởng của phong cách Hồ Chí Minh.

* Xin cảm ơn giáo sư.

Tin bài liên quan:

* Học và làm theo những điều bình dị --- (14-5)

* Bệnh hình thức của thanh niên --- (17-5)

* Phê bình và tự phê, sự thẳng thắn đã giảm sút? --- (18-5)

THÁI BÌNH - QUỐC LINH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên