14/08/2009 15:20 GMT+7

Điểm 10 cho khóa luận của trái tim

TRUNG UYÊN
TRUNG UYÊN

TTO - Từng u uất vì đôi chân khiếm khuyết, từng đau buồn xa rời vòng tay cha mẹ… nhưng cô gái ấy vượt qua tất cả trở thành thủ khoa đầu vào - đồng thời bốn năm sau là thủ khoa tốt nghiệp khoa xã hội học ĐH KHXH&NV TP.HCM khóa 2005-2009 với điểm tích lũy 8,24.

Song điều để lại ấn tượng nhất với chúng tôi về cô gái ấy - Nguyễn Thị Từ An - là khóa luận tốt nghiệp “Những vấn đề giới trong hôn nhân gia đình của người khuyết tật (NKT) ở TP.HCM hiện nay” đạt điểm 10 tuyệt đối. Chúng tôi muốn gọi đó là “khóa luận của trái tim”.

Khi trái tim thôi thúc

Câu chuyện về cô gái Từ An đến từ vùng quê Xuân Tự, Vạn Hưng, Vạn Ninh, Khánh Hòa, với đôi chân tật nguyền do sốt bại liệt năm lên 4 vẫn miệt mài đến giảng đường và hoạt động tình nguyện “rất sung” đã quen thuộc với nhiều SV khoa xã hội học ĐH KHXH&NV TP.HCM.

Đề tài khóa luận được Từ An ấp ủ từ lâu. Từ An chia sẻ: “Từ nhỏ tôi đã quan sát những phụ nữ khuyết tật trong làng tôi. Họ thường không được cộng đồng đón nhận, bị chê bai, ruồng bỏ, không thể kết hôn. Nhiều người cho rằng phụ nữ khuyết tật không thể đảm nhận tốt những trách nhiệm với gia đình nhưng thực tế không phải vậy. Vì thế, khi viết khóa luận tốt nghiệp, tôi tha thiết mong xã hội nhìn nhận hôn nhân của NKT cũng bình thường như bao cuộc hôn nhân khác. Tất nhiên đó sẽ là quá trình dài nhưng tôi luôn tin có thể làm được”.

Quá trình thực hiện khóa luận cũng là dịp để Từ An lắng nghe, thấu hiểu hơn những khát khao về mái ấm gia đình âm ỉ trong lòng nhiều NKT.

3tXKDQov.jpgPhóng to
Hôn nhân của người khuyết tật là vấn đề Từ An rất quan tâm và cố gắng nghiên cứu - Ảnh: CTV

Đi vào thực tế nghiên cứu, Từ An vấp phải nhiều khó khăn mà khó nhất là tiếp cận và thu thập thông tin từ NKT. Khó nhất là tiếp cận phỏng vấn người khiếm thính. Bao nhiêu lần cố gắng thì gần bấy nhiêu lần thất bại. An lại không biết thủ ngữ nên việc giao tiếp với người khiếm thính phải trông cậy vào chị Dương Phương Hạnh - điều phối nhóm khiếm thính chương trình Khuyết tật và phát triển (DRD). Từ An cho biết: “Tôi rút kinh nghiệm là người khiếm thính thường ít muốn giao tiếp với những người không cùng dạng tật, nhưng không vì vậy mà nản lòng bỏ cuộc”.

Liên hệ và tìm mẫu phỏng vấn những gia đình NKT cũng lắm gian nan, phần vì họ ngại, phần vì ở rải rác khắp nơi. Hẹn được NKT để phỏng vấn đã khó, tìm được địa điểm hẹn cũng có nhiều chuyện dở khóc dở cười.

Có buổi tối Từ An chạy xe từ Q.4 sang Q.Bình Chánh để phỏng vấn một người khiếm thị. Đường đi ngang qua nghĩa địa làm cô bạn run bắn. Lạc đường Từ An hỏi thăm người xung quanh nhưng không ai biết. Mãi đến khi hỏi “chú… bị mù” thì lập tức mọi người chỉ ngay đích thị nhà.

Cũng như khi hỏi thăm nhà một đôi vợ chồng khiếm thính nọ, Từ An hỏi tên chẳng ai biết nhưng hỏi “vợ chồng điếc” thì họ dẫn thẳng tới nhà luôn. Từ An chia sẻ: “Những lúc ấy mình càng hiểu NKT thường bị cộng đồng nhận diện qua dạng tật và định kiến về NKT trong cộng đồng còn dai dẳng lắm”.

Trước khóa luận tốt nghiệp, đề tài nghiên cứu "Quan niệm của người khuyết tật tại TP.HCM về tình yêu hôn nhân gia đình" của Từ An đạt giải khuyến khích SV nghiên cứu khoa học cấp bộ năm 2008. Từ An từng là tình nguyện viên cho Tổ chức Catalyst Foundation, từng tham dự khóa tập huấn tại Thái Lan về vấn đề giới và phát triển của NKT của Tổ chức Jica và APCD.

Nhạy cảm nhất là thu thập thông tin về quan hệ tình dục. Người phiên dịch vì ngại nên nhất định không dịch ngôn ngữ ký hiệu, người được hỏi chỉ cười cười. Từ An nghĩ ra cách viết câu hỏi ra giấy kín đáo đưa họ đọc và viết câu trả lời lên đó.

Vất vả là vậy nhưng niềm vui cũng không ít. Có lần Từ An đến phỏng vấn một gia đình khiếm thính ở đường Điện Biên Phủ, Q.Bình Thạnh, TP.HCM. Không chỉ cởi mở trả lời các câu hỏi phỏng vấn, cô vợ còn cố gắng thể hiện tình cảm yên mến Từ An bằng thủ ngữ và ôm An thật chặt khi tạm biệt.

Nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường

Từ nhỏ vì khuyết tật Từ An bị bạn bè trêu ghẹo, đánh đập, bị nhiều người xem là không bình thường. Từ An tâm sự: “Tôi từng tự giam mình trong một thời gian dài. Vì không gánh được lúa, không thể ra đồng, không thể mò cua bắt ốc nên ai cũng bảo tôi ăn bám gia đình. Tôi bị tư tưởng ấy ảnh hưởng ngay từ nhỏ. Nhưng khi tham gia chương trình tình nguyện Tiếp sức mùa thi năm 2006, tôi nhận ra mình cũng có ích. Cũng từ đó, tôi tìm thấy niềm vui trong những hoạt động tình nguyện”.

Dù đã là cựu chủ nhiệm CLB Đồng hành SV khuyết tật ĐH KHXH&NV TP.HCM, nhưng hiếm có hoạt động nào của CLB hiện nay vắng mặt Từ An. Đầu tháng 8-2009, Từ An nhắn tin online khoe: “CLB Đồng hành SV khuyết tật sẽ tổ chức chương trình "Tuần lễ xanh 2009" tại Lâm Đồng vào tháng 9 này. CLB đang tích cực vận động tài chính”.

buGhi0CL.jpgPhóng to
Nguyễn Thị Từ An (phải) trong một đợt quyên góp áo ấm cho người lang thang - Ảnh: CTV

Dự định hiện nay của Từ An là đi dạy để có thu nhập chăm lo cho hai em (con của cậu mợ) đang học tại TP.HCM, đồng thời tiếp tục gắn bó với hoạt động công tác xã hội về NKT.

Từ An cũng đang ấp ủ "Dự án thành lập câu lạc bộ phụ nữ khuyết tật TP.HCM", dự án tiếp nối dự án án “Nâng cao năng lực lãnh đạo cho phụ nữ khuyết tật".

Cuộc sống còn nhiều khó khăn và lo toan nhưng Từ An vẫn tin mình hạnh phúc: “Tôi hạnh phúc vì được nhận nhiều tình cảm, sự động viên từ gia đình, bạn bè. Dù là người khuyết tật tôi vẫn không lo lắng lắm sẽ bị từ chối khi tìm việc. Tôi đã ghi cụ thể tình trạng khuyết tật của mình trong hồ sơ, nếu bị từ chối sẽ tiếp tục tìm nơi khác”.

TRUNG UYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên