26/11/2008 06:05 GMT+7

"Thư viện sách nói" tròn 10 tuổi: Thanh âm mở cửa thế giới

THÁI BÌNH
THÁI BÌNH

TT - Như một thói quen, cứ đến giờ ra chơi là các cô cậu học trò khiếm thị Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (TP.HCM) lại í ới rủ nhau vào thư viện. Ngồi xúm xít quanh chiếc cassette cũ, các bạn nhỏ thả hồn bay bổng theo những câu chuyện cổ tích, lắng nghe tiếng gió rì rào, “ngắm” sắc hoa vàng rực rỡ…

NfEIAp7E.jpgPhóng to

Hướng Dương (ngồi giữa), các giọng đọc tình nguyện và HS khiếm thị trong ngày khánh thành phòng thu do Nhật tài trợ - Ảnh: Thư viện sách nói cung cấp

Cả thế giới bừng lên từ bóng tối

Ngôi trường mang tên cụ Đồ yêu nước là nơi khai sáng một ý tưởng mà về sau đã làm thay đổi cuộc đời của không chỉ một người con gái. Năm 1996, một chuyến xe lửa băng qua đã lấy đi của Nguyễn Hướng Dương đôi chân thiếu nữ. Sáu tháng mổ sáu lần, cô chỉ biết khóc. Đang lúc hụt hẫng thì một cánh tay chìa ra: Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM mời Hướng Dương tiếp tục cộng tác. “Không phải là sự thương hại một người khuyết tật mà bằng tình cảm dành cho người em đi xa về”, Hướng Dương nhớ lại.

Một người bạn là thầy giáo khiếm thị rủ rê: “Tụi nhỏ trường mình khiếm thị mà vui lắm!”. Đúng là vui thật, hơn thế tụi nhỏ còn nhận ra giọng đọc của Hướng Dương trên đài và quấn quýt lấy cô không rời: “Chị đọc truyện cho tụi em nghe đi!”. Thế là lúc nào rảnh, Hướng Dương lại đến đây. Người đọc say sưa, người nghe say mê. Cả một thế giới sống động bên ngoài được Hướng Dương đưa vào làm sáng bừng bóng tối: tiếng sóng vỗ bờ, thảm cỏ mượt non tơ, chùm quả xoài lủng lẳng...

“Đọc thế này biết đến bao giờ mới đủ?”, Hướng Dương ngẫm nghĩ. Vậy là tuần bốn buổi cô nhờ mẹ đưa đến trường, vô một căn phòng nhỏ đóng kín cửa, đọc thu ròng rã mấy giờ liền, mồ hôi vã như tắm. Hết quyển Không gia đình rồi đến Thằng quỷ nhỏ, Cổ tích VN, Tâm hồn cao thượng... Hướng Dương đọc đến đâu nhà trường bỏ vào cassette hai hộc sang băng cho học trò khiếm thị nghe đến đó. Nhìn các em nhỏ say mê nghe truyện, Hướng Dương nhen nhóm ý tưởng làm thư viện sách nói bằng băng cassette.

Thêm nhiều tấm lòng

Ra đời tháng 8-1998, “vốn liếng” ban đầu của dự án là quyết định thành lập trực thuộc Hội Phụ nữ từ thiện TP.HCM. Hướng Dương lắc xe đến gõ cửa một doanh nghiệp kinh doanh nước giải khát. Ít lâu sau, cô nhận được không chỉ số tiền đủ để mua một số vật dụng ban đầu mà còn lời động viên: “Hãy tin vào những tấm lòng xung quanh bạn”. Ngay sau đó, chương trình “Vì ngày mai phát triển” thứ 101 (báo Tuổi Trẻ) đã tặng dự án một máy thu âm gia dụng và 21 chiếc radio cassette cho các trường khiếm thị; Công ty Thế Kỷ 21 cho mượn một phòng làm phòng thu tạm.

Phòng thu của dự án còn chuyển chỗ hai lần đến đường Võ Văn Tần và Nguyễn Thị Diệu (Q.3, TP.HCM). Thiếu kinh phí nên Hướng Dương chỉ dám thuê phòng giá rẻ ở góc bếp, nóng bức, ngột ngạt. Mặc, những cuốn băng sách nói vẫn liên tiếp ra đời trong sự háo hức đợi chờ của các cô cậu học trò khiếm thị. Dần dà Hướng Dương không còn đơn độc. Người này hỗ trợ tiền mua băng cassette, người khác tặng kinh phí hoạt động. Không ít đôi uyên ương trích tiền mừng cưới mang đến thư viện làm quà. Cụ bà Nguyễn Thị Uyên trước khi về trời dặn đem tiền phúng điếu tặng dự án. Nhiều cô cậu bé đập ống heo, trích tiền lì xì tết…

Với chiếc máy thu cá nhân, Hướng Dương cứ thế ròng rã đọc hết cuốn sách nọ đến sách kia. Về sau này chị có thêm bạn đồng hành là anh Bá Trung, anh Trung rủ rê thêm nhiều giọng đọc khác đến từ HTV như Ngô Hồng, Trung Nghị, Mạnh Linh... Chị Kim Duyên, hướng dẫn viên du lịch và nhiều bạn trẻ khác cũng đến xin thử giọng.

Nghĩa tình sách nói

Mười năm “tung tăng” cùng sách nói, Hướng Dương lấy ra rất nhiều thư của học sinh khiếm thị gửi đến. Một lá thư chia sẻ: “Sách nói đã đem đến cho chúng tôi kiến thức và cả một thế giới sống động bằng âm thanh”.

Năm 2007, do hai mỏm chân cụt nhức buốt nên Hướng Dương xin nghỉ dưỡng bệnh. Chờ mãi không thấy sách gửi về, các nơi nháo nhào gọi điện “đòi nợ”. Một số người khiếm thị dò tìm đến tận nhà hỏi thăm bệnh tình, giọng tha thiết: “Hướng Dương đừng bỏ người mù!” khiến chị cảm động đến rơi nước mắt. Chị cũng nhớ mãi lời của một SV khiếm thị: “Chị nói bác sĩ cưa bớt một chân của em cho chị!”.

“Tai nạn ngày ấy đã khiến đời tôi thay đổi. Tôi tự hỏi: tại sao chỉ khi chính mình gặp nạn mới cảm thông với những thân phận thiệt thòi?”. Hướng Dương hồi tưởng và nói như tâm sự: “Người khiếm thị cứ nghĩ tụi mình mang hạnh phúc đến, còn mình lại nghĩ họ mới chính là người mang hạnh phúc cho tụi mình”.

GvmJGB6v.jpgPhóng to

Hướng Dương đọc sách nói bằng máy thu gia dụng trong phòng thu tạm giai đoạn đầu - Ảnh: Thư viện sách nói cung cấp

Mười năm qua, thư viện sách nói đã phát hành 821 đầu sách nói, tặng 145.000 băng sách nói cho 75 đơn vị trường khiếm thị và các hội người khiếm thị trên cả nước, thư viện đã cấp nhiều băng trắng cho SVHS lên lớp thu bài giảng, cho 24.000 lượt người mượn băng sách nói về nghe, làm cầu nối giúp hơn 440 HSSV khiếm thị được cấp học bổng, tặng tay giả và xe lăn cho người khuyết tật...

Nhờ thư viện hỗ trợ, việc học của SVHS khiếm thị thuận lợi hơn, gần 70 SV khiếm thị thi đậu CĐ, ĐH. Chủ nhiệm dự án, chị Nguyễn Hướng Dương, mong muốn: “Thư viện đang cần được hỗ trợ thêm một phòng thu và kinh phí để tăng nhanh phát hành sách nói”.

THÁI BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên