24/11/2008 07:25 GMT+7

Cùng thắp sáng niềm tin

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - Vì ngày mai phát triển - chương trình 20 năm qua đã quy tụ vạn tấm lòng, mang đến nguồn động lực cho hàng vạn bạn trẻ, và buổi hội ngộ giữa họ chiều 23-11 không chỉ có những cuộc tri ân cảm động mà còn có sự ra đời của một học bổng mới, sự tiếp nối mới vì ngày mai phát triển…

* Phó thủ tướng - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân gửi thư chúc mừng 20 năm chương trình “Vì ngày mai phát triển”

OrDu47e2.jpgPhóng to
Tiến sĩ Lê Thị Thanh Mai (nhận học bổng năm 1990) và nhà tài trợ - ông Dương Quang Thiện vui mừng trong ngày hội ngộ - Ảnh: H.T.VÂN
TT - Vì ngày mai phát triển - chương trình 20 năm qua đã quy tụ vạn tấm lòng, mang đến nguồn động lực cho hàng vạn bạn trẻ, và buổi hội ngộ giữa họ chiều 23-11 không chỉ có những cuộc tri ân cảm động mà còn có sự ra đời của một học bổng mới, sự tiếp nối mới vì ngày mai phát triển…

“Gặp lại nhau vui mừng, cùng ca vang lên nào, cùng nhau thắp sáng lên niềm tin…”, bài hát anh Phạm Uyên Nguyên viết tặng gia đình Vì ngày mai phát triển (VNMPT) bắt đầu buổi hội ngộ thật ấm áp, thân tình.

Những nhà tài trợ tóc bạc, những thành viên gia đình VNMPT tóc đã điểm bạc, những thành viên mới mắt còn chưa hết ngơ ngác và chưa rời màu áo trắng học trò cùng rạng rỡ nụ cười, cùng vỗ tay, cùng hát.

Video clip 20 năm Vì ngày mai phát triển
jsZqoZ10.jpgPhóng to
Đại gia đình “Vì ngày mai phát triển” với quyết tâm chung sức vì thế hệ trẻ tương lai (ảnh chụp chiều 23-11 tại báo Tuổi Trẻ) - Ảnh: H.T.V.

Hội ngộ và tri ân

Những ngày sinh viên vừa nhận học bổng, vừa cặm cụi bơm mực trong tổ hợp sản xuất bút bi của bác Dương Quang Thiện ùa về, TS Lê Thị Thanh Mai (nay là phó ban ĐH và sau ĐH - ĐH Quốc gia TP.HCM) rưng rưng lôi trong giỏ xách ra một “bảo vật”: bài báo của Tuổi Trẻ viết về học bổng Cooperman mà chị được nhận từ năm 1989 đã ố vàng, tờ nguyệt san Nắng Sân Trường của Thành đoàn năm ấy và một chiếc lá ép nhuộm mực tím. TS Lê Nguyễn Minh Quang chạy vòng quanh thăm hỏi, rồi lại chạy đi rót nước cho cô Xuân Lan, người đã trực tiếp tài trợ học bổng cho anh 20 năm về trước...

Những ồn ã của niềm vui hội ngộ rất nhanh chóng lắng xuống khi trên màn hình hiện lên ngôi nhà giản dị và những giờ lao động cần mẫn bên trang sách của ông bà Dương Quang Thiện. Với những thành viên mới của gia đình VNMPT, đây thật sự là một bất ngờ. Cặp mắt của Ngọc Trầm như hút lấy màn ảnh rồi lại quay sang hàng ghế đầu để được nhìn ân nhân của mình. Bạn thì thầm: “Em đã được nghe kể, nhưng nay mới thấy bác tận mắt. Em sẽ cố gắng hơn với kỳ vọng của bác”.

Bài hát của nhạc sĩ Trần Quế Sơn viết tặng chương trình Tiếp sức đến trường vừa cất lên được câu đầu “Gửi hoa cho em trong ngày em đến trường, gửi bao yêu thương theo về nơi giảng đường…”, phía dưới một cô gái chợt bật khóc, chạy ra ngoài. Khi đã qua cơn nức nở, Nguyễn Thị Tam Hiếu thổ lộ: lời ca khiến chị nhớ mẹ quá. Mẹ Hiếu đã mất trước ngày chị vào đại học, trước ngày biết chị được nhận học bổng VNMPT, trước ngày được chứng kiến chị thay đổi đời mình.

Từ nhiều ngày nay, các thành viên của gia đình VNMPT đã tạm gác, sắp xếp lịch làm việc, học tập luôn kín đặc của mình để đảm nhiệm công tác tổ chức cho ngày hội ngộ. Những phóng viên Tuổi Trẻ biết công việc của tổng giám đốc Bachy Solétanche bận rộn như thế nào ở công trình hầm ngầm Thủ Thiêm đều phải ngạc nhiên khi thấy Lê Nguyễn Minh Quang đích thân đứng ở bàn tiếp khách, theo dõi tên từng thành viên đến tham dự…

Tiếp tục vì ngày mai phát triển

Tất nhiên chủ đề duy nhất của mọi người là chương trình VNMPT. Cuộc trò chuyện giữa TS Nguyễn Thiện Tống và nguyên phó TBT báo Tuổi Trẻ Nam Đồng, hai người đầu tiên bắt tay “vì ngày mai phát triển” thật thú vị. TS Tống khẳng định: “Tuổi Trẻ dành cho tôi vinh dự là người đầu tiên đề xuất. Tôi thì khẳng định không có Tuổi Trẻ thì không có VNMPT, không có Tuổi Trẻ thì chương trình không được cộng hưởng lớn mạnh như thế. Rất mừng là sau 20 năm, VNMPT vẫn giữ được điều mà ban tổ chức đã thống nhất từ ngày đầu: khi chọn đối tượng thụ hưởng, hình thức thực hiện chương trình phải đúng từ đầu, không được phép làm sai rồi sửa”.

Anh Nam Đồng nhắc lại ba nguyên tắc khi thực hiện chương trình đã được Tuổi Trẻ giữ gìn suốt 20 năm nay, được coi như yếu tố sinh tồn của VNMPT: xét chọn học bổng công khai - dân chủ - công bằng một đồng nhận tài trợ là một đồng trao đến người thụ hưởng, tất cả chi phí tổ chức Tuổi Trẻ chi trả, việc tổ chức trao các học bổng, bàn giao các chương trình phải thật trang trọng. Anh Nam Đồng cười ý vị chỉ TS Tống: “Cú hích đầu tiên của thầy Nguyễn Thiện Tống giống như ngọn gió đông trong trận Xích Bích, nó làm cho lửa đã nhóm sẵn bừng lên…”.

Giám đốc Công ty gạch Đồng Tâm Võ Quốc Thắng kể về những ngày khó khăn trong cơn bão lạm phát và khủng hoảng tài chính vừa qua, giữa những mối lo ngổn ngang, anh đã trào nước mắt ngay khi đang ăn cơm vì trên tivi đưa tin hàng loạt học sinh miền Tây Nam bộ nghỉ học. “Tôi đã phát động một đợt tiết kiệm toàn công ty, từ cái bóng đèn, vé máy bay đi công tác, bữa cơm tiếp khách… để giữa lúc khó khăn vẫn có thể tiếp tục các chương trình Tiếp sức đến trường, Ngăn dòng bỏ học với Tuổi Trẻ”.

Tất cả đều bắt đầu từ những nghẹn ngào trong lòng, nhưng tất cả các nhà tài trợ hôm nay đều khẳng định một điều: chúng tôi không làm từ thiện, không chỉ đơn thuần là giúp người để lòng vui, mà tất cả là vì sự phát triển, vì ngày mai phát triển.

Ông Dương Quang Thiện chậm rãi tâm sự với các em sinh viên là thành viên mới: “Tôi là một cá nhân, để có thể theo đuổi với chương trình VNMPT 20 năm ròng rã, tôi đã phải lập kế hoạch để xây dựng cho mình một cái quỹ, phải làm sao để quỹ ấy có nguồn ổn định và sinh lợi. Đầu tư cho các em cũng vậy, cũng phải sinh lợi, chính là sự phát triển mà các em sẽ đóng góp cho đất nước sau này”.

Vâng, tất cả là vì ngày mai phát triển. Gia đình VNMPT hôm nay đã đủ sức tiếp bước ông Dương Quang Thiện. TS Lê Nguyễn Minh Quang đại diện gia đình VNMPT tuyên bố thành lập ban liên lạc, khai sinh học bổng mới: Nhịp cầu tương lai “để các học sinh, sinh viên đi sau có thể đi trên nhịp cầu là đôi vai những người đi trước”. Các thành viên của gia đình VNMPT đã chọn cho mình họ Thiện để mãi ghi ơn thầy Nguyễn Thiện Tống, ông bà Dương Quang Thiện. Và các anh Hai Thiện Quang (TS Lê Nguyễn Minh Quang), anh Ba Thiện Nguyên (Phạm Uyên Nguyên), chị Tư Thiện Nga (Ngô Ngọc Nga), anh Năm Thiện Liêm (Nguyễn Thanh Liêm), anh Sáu Thiện Cải (Nguyễn Văn Cải)… sẽ cùng nhau tiếp tục con đường vì ngày mai phát triển.

yeR9BpRB.jpgPhóng to
Bí thư Thành đoàn Tất Thành Cang trao tặng bằng khen của UBND TP.HCM cho ông Dương Quang Thiện, trong chương trình Vì ngày mai phát triển (ảnh chụp chiều 23-11 tại báo Tuổi Trẻ) - Ảnh: HOÀNG THẠCH VÂN

Như những quả ngọt

Ký ức 20 năm với bao nhiêu sự kiện, kỷ niệm đã mang lại thật nhiều niềm vui và xúc động trong đêm hội “20 năm Vì ngày mai phát triển (VNMPT)“. Rất đông khán giả, HSSV đã đến chung vui với đêm hội do báo Tuổi Trẻ tổ chức, diễn ra tưng bừng vào tối 23-11 tại Trung tâm ca nhạc Lan Anh, TP.HCM.

Tới tham dự đêm hội có Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Võ Văn Thưởng, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài, đại diện Ban Tuyên giáo T.Ư, đại diện Bộ Thông tin - truyền thông...

Ôn lại những ngày đầu ra đời chương trình VNMPT, tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống bày tỏ cách đây 20 năm ông thật sự không ngờ chương trình đã phát triển mạnh mẽ như vậy. Nhà báo Kim Hạnh, nguyên tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, cho rằng tên gọi Vì ngày mai phát triển đã thể hiện được ước vọng của các nhà hảo tâm: “Phát triển không chỉ là học giỏi mà còn là vì tương lai tốt đẹp của đất nước”. Ông Lê Quốc Phong, giám đốc Công ty phân bón Bình Điền - người đã đóng góp rất nhiều cho VNMPT, hi vọng chương trình sẽ tiếp tục mở rộng, ví dụ chăm lo cho học sinh giỏi các trường nghề.

Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài cho rằng thành quả của VNMPT như quả ngọt và đã phát huy tốt, đóng góp vào sự phát triển của TP và cả nước.

Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Võ Văn Thưởng bày tỏ: “Là người từng được nhận học bổng của chương trình, tôi thật sự xúc động khi thấy những nhà hảo tâm đến với chương trình thật tự nhiên như một lẽ thường hằng ngày phải ăn cơm uống nước, mà ông bà Dương Quang Thiện là một điển hình. Thành công của chương trình không chỉ ở chỗ đã mang đến cơ hội phát triển công bằng cho hàng vạn Hssv nghèo trên mọi miền đất nước, đã chắp cánh cho hàng vạn ước mơ trở thành sự thật, mà còn ở sự hội tụ những tấm lòng, những khát vọng trong triết lý vnmpt của thế hệ đi sau”.

Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Lê Hoàng đã bày tỏ sự tri ân của báo với tấm lòng của bạn đọc, của các nhà hảo tâm. Ông nói: ”Xin gửi đến những người đồng hành một món quà mà tất cả chúng ta đều mong muốn, kỳ vọng: một lớp trẻ giỏi giang, nghèo khó năm nào được thụ hưởng chương trình VNMPT giờ đã trưởng thành”.

Dịp này, T.Ư Đoàn trao bằng khen cho tám cá nhân sáng lập và thực hiện chương trình. UBND TP.HCM trao bằng khen cho 15 mạnh thường quân vì những đóng góp cho VNMPT 20 năm qua.

Báo Tuổi Trẻ cũng đã trao tặng kỷ niệm chương đến các tập thể và cá nhân đồng hành với VNMPT để tỏ lòng tri ân các nhà tài trợ.

Chung tay để chăm lo tương lai đất nước (*)

Hà Nội, ngày 23 tháng 11 năm 2008

Trong những ngày cuối tháng mười một này, cả nước đã dành những tình cảm tốt đẹp nhất cho các thầy cô giáo, cho ngành giáo dục. Nhưng để ngành giáo dục có được kết quả như ngày hôm nay, để đất nước có được hàng triệu công nhân, kỹ sư, bác sĩ, thầy cô giáo có trình độ được đào tạo trong hơn 20 năm qua, còn có sự đóng góp rất có ý nghĩa của toàn xã hội. Đó là sự chia sẻ của các tấm lòng vàng, các doanh nghiệp, các đoàn thể, của báo chí.

Báo Tuổi Trẻ với chương trình học bổng “Vì ngày mai phát triển” ra đời cách đây 20 năm, là một “người tiên phong” của phong trào chung tay, nhường cơm sẻ áo để phát triển giáo dục, chăm lo cho tương lai của đất nước.

Hơn 20.000 học sinh, sinh viên được trao học bổng, hơn 3.000 giáo viên được trợ vốn, hơn 3.800 học sinh, thanh thiếu niên được phẫu thuật, hơn 200 phòng học ở các vùng rất khó khăn được xây, với giá trị được huy động từ báo Tuổi Trẻ, từ các nhà hảo tâm ở mọi lứa tuổi, mọi nghề nghiệp trên 139 tỉ đồng. Hàng vạn người đã được hỗ trợ, động viên để vươn lên mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả hơn nữa, để trở thành những công dân giàu ý chí, tình thương và có năng lực phát triển đất nước.

20 năm trước Chính phủ chưa có chương trình cho vay để học nghề, học đại học. Năm học vừa qua, Chính phủ đã cho 800.000 học sinh học nghề, sinh viên cao đẳng, đại học có hoàn cảnh khó khăn vay hơn 5.000 tỉ đồng để học. Nhưng vẫn còn hàng trăm ngàn học sinh phổ thông, hàng vạn học sinh học nghề, sinh viên cần sự giúp đỡ để đủ ăn, đủ sách vở, đủ quần áo mà đi học.

Bên cạnh báo Tuổi Trẻ, rất nhiều tờ báo khác, các đài phát thanh, truyền hình đang có nhiều chương trình hỗ trợ giáo dục vì ngày mai phát triển. Nhân dịp xuân 2009, Bộ Giáo dục - đào tạo sẽ phối hợp với tất cả báo, đài tổ chức một cuộc gặp “Báo chí vì sự nghiệp giáo dục” để tổng kết và tuyên dương tất cả các cơ quan báo chí, truyền thông đã đóng góp cho sự nghiệp trồng người, thắp sáng tương lai của dân tộc.

Chân thành cảm ơn báo Tuổi Trẻ và những người đồng hành cùng báo suốt 20 năm qua đã góp phần gieo mầm và vun đắp cho hàng vạn tài năng của đất nước phát triển.

Chúc chương trình “Vì ngày mai phát triển” của báo Tuổi Trẻ sẽ ngày càng có nhiều người đồng hành, đóng góp xuất sắc vào sự phát triển của đất nước trong 20 năm tới.

(*) Tựa do báo Tuổi Trẻ đặt.

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên