Người thầy đầu tiên
Phóng to |
Thầy Nguyễn Trung Nghĩa trong bài viết đoạt giải nhất của bạn Phạm Hoa Quỳnh (Thanh Hóa) - Ảnh: 9Kute |
Bài viết đoạt giải nhất cuộc thi của bạn Phạm Hoa Quỳnh (Thanh Hóa) là câu chuyện thật về người thầy hết đỗi dung dị. “Người thầy đầu tiên của tôi năm nay 58 tuổi và đã có thâm niên 20 "nằm lớp". Năm 12 tuổi thầy mắc một căn bệnh lạ làm thoái hóa xương nên liệt nửa người. Ngỡ tưởng suốt đời thầy chỉ có thể nằm lẫy như một đứa trẻ vì tật nguyền, nào ngờ thầy đã làm được một việc phi thường: dạy chữ các em nhỏ trong xóm.
Hơn 20 năm, vẫn tư thế nằm nghiêng trên chiếc phản cũ kỹ kê ở góc nhà, chiếc tay tre làm thước gõ đầu tôi cũng như hàng trăm em nhỏ khác cũng đã ngần ấy tuổi. Nó được ví là chiếc đũa thần vì đã mang lại những điều may mắn cho những đứa trẻ nghèo nơi xó núi, mom sông.
Điều làm tôi và chắc hẳn với tất cả đứa trẻ từng được thầy dạy dỗ là chẳng phải đóng góp học phí. Có chăng thầy chỉ nhận toàn rau củ quả. Và cứ thế bao lớp người đã, đang và sẽ còn qua bàn tay nhào nặn của thầy. Thầy, một con người tật nguyền, nhưng bằng nghị lực đã biết phấn đấu vượt lên số phận. Thầy - một con người bình dị, nhưng thật đáng khâm phục.
Thầy là Nguyễn Trung Nghĩa, xóm Quyết Thắng 1, xã Xuân Bái, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa... Người thầy không biên chế, không bằng cấp, không huy hiệu bằng khen, phụ cấp lương bổng… Thầy đơn giản chỉ là thầy Nghĩa làm việc nghĩa!".
Người thầy ấy đã phần nào là chất men cho giấc mơ của Quỳnh luôn khát khao được theo nghề sư phạm. Nhưng dù đã đậu vào đại học Quỳnh cũng đành ngậm ngùi giã từ ước mơ để hai người anh của mình được tiếp tục đi học. Quỳnh vào tận Bình Dương làm công nhân để phụ mẹ già cùng lo cho hai người anh đang học đại học tại Hà Nội.
“Nhà đã có một anh đang học ĐH, năm ấy cả hai anh em nữa cùng đậu, sợ mẹ lo không nổi mình phải nghỉ để anh trai đi học. Hai anh mình sắp ra trường, mình sẽ tính toán lại tương lai. Nếu được mình sẽ đi học lại dù đã bốn năm làm công nhân” - Quỳnh nói chắc nịch.
“Cho em gọi cô là mẹ”
Blogger Lê Thị Thanh Thúy (Đà Nẵng) gửi đến cuộc thi là tác phẩm “Lá thư gửi mẹ”. Theo bạn viết, đấy cũng chính là người cô đã nâng bước bạn trên suốt quãng đường đời.
“Từ nhỏ, con chẳng có gia tài nào quý giá ngoài tình yêu thương của ngoại. Con chưa một lần gọi tiếng "cha", "mẹ". Điều đó khiến trái tim nhỏ bé của con tổn thương vô cùng. Khi con 13 tuổi, bà ngoại bỏ con ra đi mãi mãi. Con không muốn đến trường và lao vào cuộc mưu sinh. Lúc đó con nghĩ trên cuộc đời về sau chắc sẽ chỉ có mình con mà thôi. Nhưng lúc đó cô đã xuất hiện.
Cô biết không, lúc trước còn đi học, với con, những tiết giảng bài của cô thật chán, thậm chí con không nhớ tên cô mà chỉ biết cô là giáo viên dạy văn. Giờ đây con muốn được gọi cô bằng "mẹ". Tiếng gọi mà con đã thề không bao giờ nói ra. Nhưng bây giờ con muốn dành nó cho cô, người mẹ mãi mãi của con. Con muốn nói lên thật to cho thế giới này biết bây giờ con đã có người mẹ tên là “Thư”.
Con yêu “mẹ” nhiều lắm! Con sẽ cố gắng học thật tốt để không phụ lòng “mẹ”. Và “mẹ” hứa với con là “mẹ” phải sống thật lâu nha. Bởi như thế con mới đền trả lại được những gì “mẹ” đã làm cho con. Con biết bây giờ “mẹ” rất cô đơn, cuộc đời “mẹ” đã không tìm hạnh phúc riêng cho mình mà dành tất cả cho một đứa như con. “Mẹ” hãy đợi con về nha! Con sẽ về để được ngồi ăn cơm với “mẹ”, để hát cho “mẹ” nghe, và có lẽ là để yêu thương “mẹ” nhiều hơn. Con yêu “mẹ” hơn bao giờ hết. Vui vẻ và bình an nhé “mẹ” của con”.
Dù sự thật của bài viết ở mức độ nào đi chăng nữa thì đây là hình ảnh người cô thật cao cả mà Thúy gửi đến cuộc thi để chia sẻ với mọi người. Đâu đó trên bài viết của các blogger khác viết về hình ảnh người thầy với những kỷ niệm sâu sắc. Đấy là người thầy của lớp học tình thương nơi xóm nghèo miền Trung (blogger Nguyễn Văn Nhị), là người cô có đôi tay thô ráp do một thời tham gia chiến tranh đã làm cậu học trò ấy rất sợ khi được cô cầm tay luyện chữ nhưng rồi một lần cậu té ngã chính đôi tay ấy đã nâng cậu lên (blogger Đỗ Thị Thu Lan).
Đó còn là người thầy đã hi sinh cứu các học trò mình trong cơn lũ dữ được blogger Đặng Thành Nhân gửi đến hội thi với bài viết “Bão”…. Chỉ là một lần được thầy giáo động viên trở lại lớp khi bỏ học vì “tuổi nhỏ ham chơi”, blogger Huấn (Tây Ninh) tâm sự: “Lúc ấy thầy không la mắng đứa học trò ham chơi mà nhẹ nhàng khuyên bảo. Nhờ thế mình quyết tâm phải học thật tốt để không phụ lòng thầy”… mỗi bài viết đong đầy những yêu thương của các blogger như món quà dâng tặng những người thầy, người cô nhân Ngày nhà giáo Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận