Phóng to |
Anh Huỳnh Huy Tuệ, điều phối viên của BAJ (Cầu Nhật Bản-Châu Á, một tổ chức phi chính phủ chuyên làm các dự án về giáo dục môi trường), nhớ lại: “Cách đây năm năm, tôi tình cờ đến xóm vạn đò ở phường Phú Bình. Vừa bước vào khu xóm này, nước mắt tôi bỗng dưng ràn rụa. Mọi người nghĩ tôi khóc vì thương sự nghèo ở đây. Điều đó đúng, nhưng chỉ một phần! Phần còn lại do ô nhiễm quá sức ở đây. Phải nói điều kiện sống ở đây hồi đó bẩn kinh khủng. Không nhà nào có bể chứa phân. Tất cả đều được xả ra bên ngoài cộng với mùi cá tôm thối đã xộc lên một mùi khó tả”.
Ươm mầm
"Đúng là có những việc không thể trông vào các biện pháp hành chính hay những phương pháp vận động suông. Với 208 hộ dân, hơn 1.600 nhân khẩu sống nghề bốc vác và chài lưới trên sông, nói đến việc phân loại rác, bảo vệ môi trường là chuyện xa vời. Vậy mà BAJ và các em nhỏ đã làm được điều đó." |
Từ những điều mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi đó, Tuệ quyết định chọn xóm vạn đò phường Phú Bình làm một trong những địa chỉ triển khai dự án giáo dục môi trường. Khỏi cần phải kể lể, chúng ta cũng thừa sức hình dung những khó khăn mà Tuệ gặp phải khi muốn triển khai ý định. Bởi ở một nơi mà người ta ăn bữa hôm lo bữa mai, làm sao nói chuyện giáo dục môi trường được! Các điều phối viên của BAJ lần lượt tiếp cận các bạn nhỏ bỏ học rồi lập nhóm mở lớp học ngay trên thuyền.
Những cuộc thi vẽ, thi hát sau đó dần dần thu hút sự tò mò của trẻ vạn đò. Khi đã say mê con chữ, từ lớp học trên sông, các em được hỗ trợ sách vở, học phí để trở lại trường học. Giờ đây, lần đầu tiên trong lịch sử xóm vạn đò phường Phú Bình đã có em vào học cấp 3!
Khi tạo dựng được chút ít chữ lận lưng làm vốn cho các em, những bài học giáo dục ý thức bảo vệ môi trường đã được khéo léo cài vào. Giờ đây, chính các em chứ không ai khác đã rất rành rẽ, ý thức được ích lợi cùng cấu tạo của một hầm chứa và lọc chất thải ra sao. Các em đã biết sự tác hại như thế nào của bao nilông và biết tổ chức nhặt nhạnh, phân loại rác. Thậm chí, các em như những nhà môi trường chuyên nghiệp khi tham gia giải quyết mùi thối kinh khủng của chợ cá xóm vạn đò Phú Bình. Đó là chia tổ đi săm soi, tìm hiểu lý do vì sao chợ cá luôn hôi thối.
Sau khi các nhóm báo cáo kết quả, tất cả đúc kết và kết luận một điều là do các bà các chị làm cá đã để vảy, nhớt tù đọng năm này qua tháng nọ gây nên hôi thối. Và muốn giải quyết thì ngoài việc khơi thông dòng nước thải, trước tiên phải thu gom các thứ loại bỏ khi làm cá. Tất cả thứ hầm bà lằng này đã được các điều phối viên BAJ hướng dẫn các em ủ với cám gạo để làm phân compost.
Có một điều thật lý thú là hầm lọc nước thải cho nhà lồng chợ cá Phú Bình do em Trần Vĩnh Điện, một thành viên trong nhóm trẻ vạn đò, thiết kế theo kiểu “hệ thống ống chữ T” mà em học được tại một cuộc hội thảo của BAJ.
Hòa thuận thiên nhiên
Phóng to | |
Nhiều hộ dân vạn đò không còn vứt túi nilông xuống sông mà phân loại để các em đến thu gom - Ảnh: N.TRIỀU | Trần Vĩnh Điện giới thiệu cho các bạn mô hình hầm lọc nước thải - Ảnh: N.TRIỀU |
Tiến lên một bước, các em được trang bị kiến thức cơ bản nhất của vấn đề bảo vệ môi trường, đó là thuận hòa với thiên nhiên, không làm trái thiên nhiên. Và để làm điều đó, cứ mỗi ngày cuối tuần những mẻ phân compost được chính các em chuyển bằng xích lô lên tập kết ở cánh đồng thực nghiệm tại xã Hương Long, cách xóm vạn đò hơn 3km.
Cánh đồng rộng 1ha này được BAJ thuê với giá 3,5 triệu đồng/năm để cả nhóm thỏa thích khám phá thiên nhiên. Một ngôi nhà sàn từ những vật tư như gỗ, cửa kính, tôn, ximăng đều đã qua sử dụng được dựng lên giữa đồng như một nhà điều hành đồng thời là nhà kho chứa công cụ lao động như máy xới đất, máy cắt cỏ, máy bơm, cuốc xẻng…
Cuối tuần rồi, chúng tôi có dịp chứng kiến những điều lý thú tại xóm vạn đò này: lướt tay trên tấm bản đồ chợ Phú Bình vẽ thủ công đủ màu xanh đỏ tím vàng, “tổng thư ký trong ngày” Hằng phân công: “Trinh và Hùng lo dãy B, Huy và Bia dãy C-D, Ni và Luýt hai dãy E-F, các bạn khác chú ý giùm xung quanh hầm xử lý, 20 phút sau gặp lại”! Những cuộc họp giao ban chỉ kéo dài chưa đầy 5 phút như thế đã diễn ra đều đặn mỗi trưa suốt hơn ba năm nay trong ngôi nhà nhỏ trên đường Hoàng Xuân Hãn, trước khi các em tỏa ra đi dọn dẹp chợ Phú Bình.
Các em chia nhóm tỏa xuống các tổ dân cư và chợ Phú Bình thu gom túi nilông, rác hữu cơ đã được người dân phân loại sẵn. Túi nilông được tập hợp để bán ve chai, dành tiền mua thùng rác công cộng cho các tổ dân cư. Riêng rác hữu cơ gồm rau, quả, cá vụn… được gom lại làm phân compost. Trinh, cô bé học lớp 6 là thành viên của nhóm, khoe: “Cái này em học từ một bác nông dân người Nhật, phế phẩm từ cá chứa axit nên phải trộn với cám gạo có tính kiềm theo tỉ lệ 1-1 để trung hòa và khử mùi, sau hai tháng có thể dùng bón rau, bón ruộng”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận