13/04/2008 16:10 GMT+7

Lý Láo Lở và xưởng làm thuốc ngâm tắm

V.TOÀN - Q.HỒNG
V.TOÀN - Q.HỒNG

TTO - Dưới chân khu rừng già thuộc xã Tả Pìn, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai vừa xuất hiện xưởng chế biến lá, rễ cây dược liệu làm thuốc ngâm tắm của người Dao đỏ khá độc đáo. Xưởng trị giá 800 triệu đồng do thanh niên trong xã góp vốn và giám đốc là một thanh niên người Dao mới 26 tuổi.

Zp19h8ed.jpgPhóng to
Giám đốc Lý Láo Lở

Từ một lần... tò mò

Sự ra đời của xưởng là do một lần xuống thị trấn du lịch Sa Pa cách bản quê 8km, Lở thấy nhiều biển quảng cáo dịch vụ ngâm tắm thuốc bắc treo trước các khách sạn. Lở tò mò vào tắm thử mới biết lá, rễ làm nên vị thuốc này đều được mua rất rẻ từ bản Tả Pìn nhưng bán từ 100.000-120.000 đồng/lần tắm/người.

Lở nhận xét thuốc tắm ở đây nhạt hơn nhiều so với 32 vị thuốc của mẹ anh pha chế. Trong 32 vị thuốc có một số vị kháng sinh rất quí hiếm, phải mất 3-4 ngày ăn cơm đùm, lội rừng mới có thể tìm được một ít lá thuốc ở tận trên dãy núi Hoàng Liên Sơn hoặc rễ cây thuốc mọc sâu trong kẽ đá giữa sườn núi Phanxipăng.

Từ đó, ý tưởng thành lập xưởng chế biến lá thuốc ngâm tắm thôi thúc mẹ con Lý Láo Lở. Anh tự vấn “rễ, cây lá thuốc này thuộc họ cây tinh dầu nên phải làm sao tìm cách chiết xuất đóng hộp đem bán như người ta làm dầu gội đầu”. Lở đang bí thì gặp Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội và Trường ĐH Dược Hà Nội lên Sa Pa thực hiện dự án “phục tráng cây thuốc bản địa ở Sa Pa” trước nguy cơ những cây thuốc quí đang bị mất dần.

Lý Láo Lở trở thành “hoa tiêu” dẫn các giáo sư len lỏi khắp rừng Tả Pìn tìm đủ loại cây thuốc quí. Còn mẹ Lở giúp đoàn chuyên gia hiểu thêm các vị thuốc gia truyền của người Dao. Sau hai năm dự án chiết xuất tinh dầu từ cây thuốc bản địa ở Sa Pa thành công.

NKC63vDY.jpgPhóng to
Chưng thuốc

Do mẹ con Lý Láo Lở là người tâm huyết và có nhiều đóng góp trong quá trình thực hiện dự án nên hai trường đại học và UBND xã quyết định chuyển giao công nghệ chiết xuất tinh dầu từ cây thuốc bản địa cho mẹ con Lý Láo Lở quản lý, sản xuất với mong muốn sẽ có nhiều thanh niên của bản làng Sa Pa thông thạo nghề sản xuất thuốc ngâm tắm này.

Vậy là Lở bàn với xã kêu gọi 20 cổ đông là những thanh niên có chí làm giàu từ các bản Tà Chải, Xả Xéng. Ai có tiền thì góp làm vốn, ai không có tiền thì huy động nhân lực. Cuối năm 2006 Lở làm thủ tục xin thành lập Công ty CP Kinh doanh cây thuốc bản địa Sa Pa.

Mặt hàng luôn đắt khách

Rời căn nhà gỗ xinh xắn của mình, Lý Láo Lở - giám đốc xưởng - dẫn chúng tôi đến khu vực sản xuất rộng chừng 100m2 ở cạnh. Xưởng gồm một khoảng sân có mười người đang ngồi thái lá. Kế đến là gian nhà tỏa khói thơm dễ chịu từ ba nồi hơi đang chưng cất thuốc. Nối liền với buồng là dãy bồn tắm bằng gỗ thông vàng chói.

Lở giới thiệu: “Đây là những bồn tắm tại chỗ. Khách du lịch trước khi mua thuốc có thể tắm thử để biết thuốc có xịn hay không”. Trước đây, khi chưa có khách du lịch đến tắm, xưởng chỉ phục vụ dân bản. Ai đi rừng về mỏi nhừ người, đến đây tắm là khỏe lại ngay.

Chị em phụ nữ sau khi sinh 15 ngày cũng đến tắm theo bài thuốc người Dao của bà Lý Mán Mẩn - chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tả Pìn, pha chế (bà Mẩn là mẹ của Lở, thầy thuốc giỏi chữa các loại bệnh khớp, da liễu... ở Sa Pa). Bài thuốc của bà Mẩn giúp chị em phục hồi sinh lực nhanh, lưu thông khí huyết, da dẻ tươi tắn.

Lở tự tin: “Xưởng nghề đang hái ra tiền đấy. Cuối năm 2006 thành lập, đầu năm 2007 mới bắt tay vào sản xuất được năm tháng thì Công ty TNHH Đông Việt ở Hà Nội lên ký hợp đồng hỗ trợ dây chuyền đóng hộp và nhận bao tiêu toàn bộ sản phẩm".

Mới đây, Lở vừa chào hàng một số cơ sở trong TP.HCM thì họ nhận lời ngay. Ngặt nỗi xưởng bé quá lại sản xuất thủ công nên làm không kịp hàng theo nhu cầu của khách khắp nơi gọi điện về. Hiện xưởng có 20 thợ chuyên đi rừng tìm hái lá... Bình quân chế xuất và đóng được 3.000 hộp/tháng.

htuRJhjh.jpgPhóng to
Lý Láo Lở hướng dẫn Lý Thảo Mẩn pha chế bài thuốc ngâm tắm của người Dao đỏ

Giữa năm 2007, khi thấy nhu cầu của khách hàng trong nước và khách du lịch nước ngoài tăng cao, Lở chỉ đạo công ty khai mở đất hoang, trồng thêm 10ha cây thuốc bản địa. “Vừa sản xuất vừa trồng mới thì không cạn kiệt vốn rừng và khai thác mới bền vững” - Lở nói.

V.TOÀN - Q.HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên