18/05/2006 06:33 GMT+7

Việt "gỗ"

HÀ MINH
HÀ MINH

TT - Đang là SV năm 3 khoa kiến trúc Trường ĐH Xây dựng Hà Nội, đùng một cái Nguyễn Tuấn Việt chia tay với giảng đường để bắt tay vào thực hiện ước mơ kinh doanh bằng một cách làm khá “hóc”: thương mại điện tử với mặt hàng chính có nguyên liệu là... gỗ vụn.

xBFB7p7d.jpgPhóng to

Nguyễn Tuấn Việt (phải) và hợp đồng vừa ký kết với một đối tác người Singapore. Ảnh: H.M.

TT - Đang là SV năm 3 khoa kiến trúc Trường ĐH Xây dựng Hà Nội, đùng một cái Nguyễn Tuấn Việt chia tay với giảng đường để bắt tay vào thực hiện ước mơ kinh doanh bằng một cách làm khá “hóc”: thương mại điện tử với mặt hàng chính có nguyên liệu là... gỗ vụn.

Bố mẹ đều làm công nhân, hoàn cảnh gia đình khó khăn, người học trò (sinh 1982) Tuấn Việt đã nhanh chóng tự lập từ hồi còn là HS Trường THPT Việt Đức (Hà Nội). Cách nào? Từ những mảnh gỗ vụn thu lượm hoặc xin được ở các xưởng mộc, Việt tự chế những vòng đeo tay, đeo cổ có gắn tên các ban nhạc BSB (Backstreet Boys), BZ (Boyzone)... với mục đích bán để kiếm tiền ăn học.

Làm xong, người học trò ấy đạp xe đi ký gửi ở các cửa hàng lưu niệm. Những mẩu gỗ có màu nâu giản dị, điểm xuyết một vài chi tiết bạc được gắn với dây bằng cao su... Vậy mà thành một kết hợp khá hài hòa của nét đẹp trẻ trung đầy cá tính. Những mẩu gỗ có kiểu dáng khá đa dạng với nhiều mẫu mã trang trí ngộ nghĩnh khác nhau từ mặt cười, mặt đang tức giận đến gương mặt của Tam Mao (một nhân vật thiếu nhi có cuộc sống vất vả trong một bộ phim của Trung Quốc), Đôn Kihôtê...

J5wVBP12.jpgPhóng to
Dây đeo cổ mặt gỗ - một trong những mặt hàng khởi nghiệp của Công ty VIETgo
Theo người giám đốc 24 tuổi này, khó khăn lớn nhất hiện nay của VIETgo là thiếu đối tác trong nước để cung cấp hàng, do hầu hết sau khi nhận được đơn đặt hàng thì các nhân viên công ty mới có thể tìm nơi có khả năng sản xuất mặt hàng. Việt cũng cho biết thêm: hiện có nhiều thông tin mua hàng từ đối tác mà công ty vẫn chưa đủ khả năng tận dụng hết và sẵn sàng san sẻ những thông tin cho các doanh nghiệp khác. Hiện VIETgo có 35 nhân viên với không ít là bạn trẻ khuyết tật - trực tiếp làm nên những sản phẩm chính của công ty như vòng cổ, vòng tay...
Thật bất ngờ, các cửa hàng ký gửi đã yêu cầu lấy thêm hàng khi nhiều khách hàng trẻ khá thích thú, chọn mua. Ngay lập tức, Việt động viên, rủ thêm đám bạn bè HSSV học trò của mình tham gia sản xuất.

Hàng làm đến đâu bán hết đến đấy và thế là thương hiệu VIETgo ra đời với kế hoạch phát triển ra khách hàng nước ngoài. “Việt ở đây là tên riêng của Việt, vừa có nghĩa là hàng “made in VN”. “Go” là... gỗ nhưng theo tiếng Anh cũng là đi, tiến lên phía trước” - Việt cười giải thích. Hiện nay, riêng một trong những mặt hàng chính là dây đeo cổ, mỗi tháng VIETgo xuất xưởng 5.000 - 8.000 dây, có tháng lên đến 10.000 dây với giá mỗi dây rẻ nhất cũng từ 2,5-3 USD.

Các nhân viên của Công ty VIETgo lên mạng Internet 24/24 giờ với nhiệm vụ: lướt web làm thương mại điện tử và trả lời trực tuyến những thắc mắc của khách hàng với cam kết: “Các lá thư sẽ được kiểm tra cẩn thận và gửi tới bộ phận chịu trách nhiệm trả lời trong thời gian muộn nhất là sau 24g khi chúng tôi nhận thư”.

Mỗi ngày VIETgo nhận được 300-1.000 email yêu cầu mua hàng các loại và mỗi tháng nhận được hàng trăm đơn đặt hàng. Trong đó có những khách hàng ruột ở Florida, California (Mỹ) nhập có lúc hàng ngàn sản phẩm. Có những hợp đồng lên đến 210.000 USD (khoảng 3,5 tỉ đồng VN), với số lượng sản phẩm phải gom nhiều làng nghề ở Hà Tây, Thanh Hóa, Hà Nam làm suốt ba tháng.

VIETgo cũng xây dựng trang web riêng cho mình: VIETgo.com.vn với ba thứ tiếng: Việt, Anh, Nhật.

“Công ty đang chuẩn bị để có thể khoảng đầu tháng sáu khai trương xưởng sản xuất cạnh Văn Miếu Quốc Tử Giám do 20 nhân viên khuyết tật trực tiếp sản xuất hàng lưu niệm và bán cho du khách nước ngoài. Đó cũng là một cách để người nước ngoài hiểu hơn về nghị lực vượt lên của người khuyết tật VN” - Nguyễn Tuấn Việt bộc bạch. Đây là những nhân viên được tìm chọn ở các trung tâm bảo trợ xã hội hoặc là vận động viên các kỳ Paragames. Mức lương hiện trên dưới 1 triệu đồng/tháng. “Cuộc đời không may mắn bị khuyết tật, tôi ngỡ mình đã đi vào ngõ cụt, vậy nhưng nhờ anh Việt tôi thấy được mình vẫn là người có ích” - chị Trịnh Thị Thanh Trúc, một nhân viên liệt cả hai chân, vừa làm hàng vừa tâm sự.

HÀ MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên