02/04/2006 14:51 GMT+7

Du học sinh: điều quan trọng không phải là ở hay về

BÍCH DẬU
BÍCH DẬU

TTO - Ở lại hay quay về không phải là điều quan trọng. Quan trọng là ở đâu, các bạn du học sinh cũng hướng về quê hương...

1DmFOVub.jpgPhóng to
Vợ chồng anh Minh - chị Quỳnh: "Cái học được lớn nhất của những chuyến hành trình ra biển lớn như thế là cái thấy! Thấy thật nhiều để nghĩ thật lớn và làm thật cụ thể!".

Nhưng, họ đã chọn cách quay về để cùng nhau góp sức cho hình ảnh một Việt Nam phát triển trong tương lai.

Buổi giao lưu giữa du học sinh với thanh niên TP.HCM chủ đề Ra đi và mang về (do CLB Du học sinh thuộc Thành đoàn TP.HCM) tổ chức tại NVH Thanh niên, chỉ gói gọn trong hai tiếng đồng hồ trong sáng nay (2-4) nhưng đã rất sôi nổi, thẳng thắn và cởi mở khi nhiều vấn đề được đặt ra xoay quanh những khó khăn mà các du học sinh VN phải cố gắng vượt lên trong học tập và cả trong quyết định quay trở về.

Họ, những bạn trẻ: Lê Diệp Kiều Trang - người tốt nghiệp trong top 5 của Đại học Oxford năm 2003, Nguyễn Quang Tấn - vị “tiến sĩ ong” của Đại học Nông Lâm TP.HCM, anh Phạm Hoàng Nhân - Giám đốc Công ty BSV cùng với anh Ngô Văn Tẩu, vợ chồng anh Dương Quang Minh và chị Nguyễn Tri Như Quỳnh không phải "xa lạ" gì trong vũ đài học tập, bởi những thành tích, những học vị được nêu danh trên báo chí... Nhưng, những câu chuyện của họ dường như không bao giờ cũ, thậm chí còn nhận được "đặt hàng" từ nhiều khán giả, mong muốn có những nối kết rộng rãi hơn, thường xuyên hơn cho những sẻ chia kinh nghiệm sống, kho tri thức và tâm huyết mà họ đang có.

k3L5dXwF.jpgPhóng to
Các nhân vật giao lưu cùng với ông Trần Phương Bình (bìa trái) - nhà tài trợ và chị Đinh Thị Mỹ Quỳnh - trưởng ban Quốc tế Thành đoàn TP.HCM

Cô bé Kiều Trang nổi tiếng "thần đồng tiếng Anh" từ lúc còn bé, khi cùng một số bạn trong đội ca Nhà thiếu nhi TP.HCM gặp nam ca sĩ lừng danh thời bấy giờ là Micheal Jackson vẫn tự nhận những ngày đầu qua Anh học, trình độ tiếng Anh của mình "rất tệ". Dòng hồi ức của thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Mỹ Phạm Hoàng Nhân cũng vậy. Trước khi qua Mỹ học anh đã là phó đại diện của một công ty của Ý ở VN, vậy mà anh cũng nói "ngày đầu tiên bước vào lớp tôi không hiểu gì về những điều giáo sư nói"...

Không phải chỉ ở sự cách trở ngôn ngữ mà còn là rào cản văn hóa và môi trường đào tạo trước đó! Vậy là, không gì khác là phải có quyết tâm vượt lên bằng nỗ lực của chính mình: học có phương pháp, biết giao lưu - kết bạn thật nhiều với những người bản xứ để trau dồi ngoại ngữ và văn hóa; biết tìm đến các kênh thông tin từ sách báo để hiểu cuộc sống ở nơi mình đang sống...

Buổi gặp gỡ còn bật ra nhiều điều thú vị khi hầu hết các nhân vật đều nhắc đến vai trò của các Hội SVVN ở nước sở tại. Chính những hoạt động SV sôi nổi trong các hội đoàn như vậy càng gắn kết các du học sinh VN với nhau, du học sinh VN với quê hương hơn. Qua đó, một vấn đề được đặt ra: vai trò của các tổ chức Đoàn, Hội đối với cộng đồng du học sinh VN trong tương lai. Đó không chỉ là trách nhiệm của những nhóm, những thủ lĩnh du học sinh mà cần được xuất phát từ ở quê nhà, để có thể bắc một nhịp cầu tinh thần, giúp họ kết nối với quê nhà và thêm những "động lực" lớn trở về quê hương qua những thông tin cụ thể về việc làm, đời sống XH...

Mọi thông tin cần trao đổi với CLB Du học sinh TP.HCM, xin truy cập website: www.ovs-hcmc.org. Hoặc email contact@ovs-hcmc.org

Song, vấn đề thu hút sự quan tâm nhất vẫn chính là quyết tâm quay trở lại quê hương, vượt qua những "sức hút" về vật chất, những lời mời gọi làm việc trong những môi trường lý tưởng. Vì sao vậy? Khá nhiệt thành khi vợ chồng thạc sĩ Dương Quang Minh và Nguyễn Tri Như Quỳnh chia sẻ: "Chúng tôi cho rằng cái học được lớn nhất của những chuyến hành trình ra biển lớn như thế là cái thấy! Thấy thật nhiều để nghĩ thật lớn và làm thật cụ thể!".

Cũng chính xuất phát từ một phần suy nghĩ: phải làm những việc đúng với mong muốn của mình thì mình mới có trách nhiệm hơn với quyết định đó, hai anh chị đã trở về. Vượt qua nhiều tác động bên ngoài, hai anh chị một lần nữa làm không ít người phải ngạc nhiên và cả thán phục khi chọn ĐH An Giang để làm việc. Mong muốn được đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực giáo dục từ bậc mầm non quá lớn trong anh chị... "Đến bây giờ, chúng tôi thấy rất vui và hạnh phúc vì quyết định của mình", anh Minh bộc bạch.

Và cũng tự nhận đó là "món nợ với quê hương", khi được nhận học bổng đến những trường ĐH danh tiếng trên thế giới - như một phát biểu rất chân tình của ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á trong buổi giao lưu, họ cũng đã rất quyết tâm hứa: chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ những bạn trẻ muốn đi du học hoặc đã đi du học, những thông tin - những kinh nghiệm và những gì có thể để các bạn đạt được ước nguyện của mình trong cuộc hành trình xây dựng quê hương...

BÍCH DẬU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên